Xuất khẩu lao động hiện nay đang là phương án được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi nhiều ưu điểm khác nhau. Tìm hiểu về xuất khẩu lao động: giải đáp các thắc mắc thường gặp thông qua bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhất.
1. Xuất khẩu lao động là gì? Có nên đi xuất khẩu lao động?
Pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về xuất khẩu lao động là gì? Tuy nhiên thông qua quy định về người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài tại khoản 2 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì có thể hiểu như sau:
Xuất khẩu lao động là việc công dân Việt Nam (độ tuổi từ đủ 18 trở lên) cư trú tại Việt Nam ký kết hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài cho người sử dụng lao động nước ngoài.
Hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay diễn ra khá phổ biến, có nhiều đối tượng lựa chọn xuất khẩu lao động: Học sinh vừa hoàn thành chương trình học lớp 12, người đã đi làm,… Tuy nhiên để trả lời được câu hỏi có nên xuất khẩu lao động hay không thì cần xem xét đến các vấn đề khác nhau như:
– Định hướng của cá nhân
Vấn đề này đặc biệt được các cá nhân là học sinh đã hoàn thành chương trình cấp 3, mong muốn tìm công việc có tiền lương cao, kiếm tiền sớm thì có thể cân nhắc lựa chọn đi xuất khẩu lao động thay vì tiếp tục học đại học, cao đẳng.
Nhiều người có kinh tế gia đình khó khăn, mong muốn cải thiện kinh tế thì đây cũng là một sự lựa chọn có cơ hội cải thiện thu nhập khá tốt.
– Cơ hội nghề nghiệp tương lai
NLĐ cần xem xét sau thời gian làm việc, XKLĐ thì mình có thể nhận được gì, chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ có được tích lũy, nâng cao hơn không?
– Chi phí xuất khẩu lao động
Đây cũng là nội dung mà nhiều người quan tâm khi lựa chọn XKLĐ, chi phí cần phù hợp với điều kiện của gia đình.
– Ngành nghề, yêu cầu đối với vị trí công việc tuyển NLĐ Việt Nam
Người lao động cần tìm hiểu chi tiết về nội dung này để xem xét bản thân có đáp ứng đủ yêu cầu mà NSDLĐ đưa ra hay không.
– Mức lương nhận được khi đi XKLĐ
Tương ứng với mức lương nhận được, người lao động cần tìm hiểu các yêu cầu về thời gian làm việc, tăng ca,..
– Điều kiện sống và làm việc tại nước ngoài
Ở các quốc gia khác nhau thì điều kiện sống, điều kiện làm việc cũng khác nhau do đó người lao động cần tìm hiểu, tham khảo những người đã từng XKLĐ đến những quốc gia ấy hay tìm các trung tâm tư vấn xuất khẩu lao động để xin ý kiến, tư vấn.
– Các vấn đề khác như tình cảm, thái độ công việc, tìm kiếm công việc,… được xem xét tương ứng với từng trường hợp khác nhau của các cá nhân.
Như vậy, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người khác nhau mà xem xét có nên đi xuất khẩu lao động hay không? Không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người đối với trường hợp này. Bản thân NLĐ cần cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân mình.
2. Xuất khẩu lao động có cần bằng cấp không?
Căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì người đi xuất khẩu lao động cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau đây:
– NLĐ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật Việt Nam (từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự).
– NLĐ hoàn toàn tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài, không bị ai lừa dối, ép buộc về việc XKLĐ.
– Sức khỏe: NLĐ phải đảm bảo đủ sức khỏe theo quy định pháp luật Việt Nam và cả yêu cầu của đơn vị lao động nước ngoài nơi tiếp nhận NLĐ sang làm việc.
– Trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề và các yêu cầu khác: NLĐ phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đơn vị nước ngoài tiếp nhận lao động. Ví dụ như yêu cầu về ngoại ngữ, tùy thuộc vào đơn vị sử dụng lao động mà họ có thể yêu cầu bằng B2, B1, giấy chứng nhận,… thì NLĐ phải đáp ứng theo đúng yêu cầu.
– NLĐ không thuộc các trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh mà pháp luật Việt Nam đã quy định.
– Có hợp đồng lao động ký với đơn vị sử dụng lao động nước ngoài theo đúng quy định, cụ thể đảm bảo: hình thức HĐLĐ bằng văn bản, đảm bảo có đủ các nội dung chính (ngành nghề, thời gian làm việc, địa điểm, tiền lương,…).
– Có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chuyên môn về lao động thuộc UBND tỉnh nơi NLĐ thường trú về việc đăng ký hợp đồng lao động đối với người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Theo các quy định nêu trên, có thể kết luận rằng xuất khẩu lao động cần có bằng cấp về ngoại ngữ, học vấn, chuyên môn hay kỹ năng theo yêu cầu của đơn vị nước ngoài tiếp nhận NLĐ làm việc. Do đó mà người lao động mong muốn đi XKLĐ cần lưu ý để đảm bảo đủ điều kiện.
3. Xuất khẩu lao động giới hạn bao nhiêu tuổi?
Căn cứ quy định về điều kiện đi XKLĐ đã nêu trên, người đi xuất khẩu lao động phải từ đủ 18 tuổi trở lên, ngoài ra không quy định độ tuổi tối đa để đi XKLĐ.
Tuy nhiên, NLĐ vẫn phải tuân thủ theo các điều kiện khác mà người sử dụng lao động nước ngoài đưa ra. Do đó, người sử dụng lao động hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu về độ tuổi giới hạn khi làm việc tại công ty của họ.
Thực tế hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu lao động thường có yêu cầu về độ tuổi tối đa được làm việc. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi việc đưa ra giới hạn độ tuổi sẽ giúp tuyển chọn được những NLĐ có đầy đủ sức khỏe làm việc.
Như vậy, xuất khẩu lao động hiện nay không có quy định về giới hạn độ tuổi, tuy nhiên đơn vị tuyển dụng lao động nước ngoài hoàn toàn có quyền đưa ra yêu cầu giới hạn độ tuổi và NLĐ cần tuân theo.
4. Đi xuất khẩu lao động hết bao nhiêu tiền? Hồ sơ xuất khẩu lao động cần những gì?
4.1. Đi xuất khẩu lao động hết bao nhiêu tiền
Chi phí đi xuất khẩu lao động hiện nay là vấn đề được nhiều người quan tâm. Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định cụ thể về chi phí đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên NLĐ sẽ phải chi trả các khoản chi phí như sau:
– Chi phí khám sức khỏe để NLĐ đủ điều kiện làm việc tại nước ngoài;
Thông thường sẽ có một số cơ sở khám chữa bệnh cụ thể mới có đủ điều kiện khám sức khỏe đi XKLĐ, ví dụ như các bệnh viện tuyến trung ương (Bệnh viện giao thông vận tải, bệnh viện Hồng Ngọc, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy,…)
– Chi phí đào tạo nguồn trước khi đi XKLĐ;
Thông thường NLĐ sẽ phải phỏng vấn, sau đó đậu thì sẽ tiến hành học đào tạo để ra nước ngoài. Chi phí đào tạo nguồn này sẽ bao gồm các khoản tiền ăn, tiền học phí, tiền thẩm tra việc xuất cảnh,…
– Chi phí làm các giấy tờ để xuất cảnh;
– Chi phí học tiếng để làm việc tại nước ngoài;
Việc học tiếng là điều bắt buộc mà NLĐ phải thực hiện để đi XKLĐ, thông thường thời gian học tiếng khoảng 6 tháng hoặc có thể kéo dài hơn tùy thuộc vào yêu cầu của đơn vị tiếp nhận người lao động Việt Nam.
– Tiền đặt cọc nhằm chống trường hợp bỏ trốn khỏi nơi làm việc;
– Các khoản chi phí khác (nếu có theo trường hợp cụ thể).
Trên đây là một số khoản phí cơ bản cần đảm bảo khi NLĐ muốn đi XKLĐ ra nước ngoài. Tùy thuộc vào từng đơn hàng XKLĐ khác nhau mà mức chi phí cũng khác nhau, không có một mức tiền chung cho tất cả các trường hợp.
4.2. Hồ sơ xuất khẩu lao động cần những gì?
Tương ứng với mỗi đơn vị tiếp nhận người lao động ở các quốc gia khác nhau thì cũng có các yêu cầu khác nhau về giấy tờ, hồ sơ để đi XKLĐ. Tuy nhiên về cơ bản, NLĐ cần chuẩn bị các giấy tờ như sau:
– Giấy khai sinh của NLĐ đi XKLĐ;
– Đơn thông tin của người đi XKLĐ;
– Căn cước công dân của người lao động;
– Sơ yếu lý lịch cá nhân: Trong đó khai báo đầy đủ, chính xác thông tin và quá trình học tập của cá nhân và người thân của mình.
– Giấy khám sức khỏe đủ điều kiện đi XKLĐ tại cơ quan khám chữa bệnh đủ thẩm quyền;
– Giấy xác nhận dân sự tại địa phương nơi cư trú về việc chấp hành pháp luật, không có tiền án và tiền sự;
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy chứng nhận đăng ý kết hôn đã được cấp (nếu đã kết hôn);
– Bằng tốt nghiệp của NLĐ;
– Bằng chứng nhận về ngoại ngữ, trình độ kỹ thuật,… (theo yêu cầu, nếu có);
– Bản cam kết (theo yêu cầu của đơn vị nhận NLĐ sang làm việc);
– Ảnh thẻ có phông nền trắng, áo nghiêm túc, mặt nhìn thẳng, để lộ rõ mặt và lông mày gọn gàng với kích cỡ khác nhau: 3×4, 4×6 cm, hoặc kích cỡ khác theo yêu cầu;
– Hộ chiếu của NLĐ đi XKLĐ;
– Các giấy tờ khác theo yêu cầu với từng trường hợp XKLĐ khác nhau.
5. Thủ tục đi xuất khẩu lao động như thế nào?
Thủ tục xuất khẩu lao động hiện nay được thực hiện theo những bước sau đây:
Bước 1: Phỏng vấn để đi xuất khẩu lao động
Cá nhân muốn đi xuất khẩu lao động cần tiến hành phỏng vấn đối với đơn vị tuyển dụng lao động, nếu qua vòng phỏng vấn này thì sẽ tiến hành các bước tiếp theo để đi XKLĐ.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ để đi XKLĐ ra nước ngoài
Hồ sơ chi tiết sẽ được đơn vị tuyển NLĐ thông báo để NLĐ chuẩn bị nhưng về cơ bản sẽ bao gồm những giấy tờ đã nêu tại mục trên. Tùy thuộc vào yêu cầu mà NLĐ chuẩn bị đầy đủ, chính xác các giấy tờ.
Bước 3: Kiểm tra các điều kiện để được đi XKLĐ
Người lao động phải đảm bảo các điều kiện của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật tại quốc gia tiếp nhận lao động. Các điều kiện có thể thay đổi theo các thời điểm khác nhau, NLĐ cần lưu ý để tuân thủ đúng.
Bước 4: Tiến hành ký kết hợp đồng lao động để đi xuất khẩu ra nước ngoài.
Khi đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện, hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu thì hai bên tiến hành ký kết hợp đồng lao động. NLĐ đi làm việc tại nước ngoài cần lưu ý về nội dung hợp đồng để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được đảm bảo.
6. Hướng dẫn tìm công ty xuất khẩu lao động uy tín
Hiện nay “các hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động” diễn ra khá nhiều và tinh vi, không ít người đã bị mất tiền khi bị các đối tượng cung cấp thông tin sai, không thể đi làm việc tại nước ngoài như dự định.
Do đó mà việc tìm công ty xuất khẩu lao động uy tín là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc có thể đi XKLĐ ra nước ngoài hay không?
Người lao động nên tra cứu các đơn vị, công ty xuất khẩu lao động uy tín mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép tại trang thông tin điện tử của đơn vị đó (Bộ lao động, Thương binh và Xã hội). Tìm kiếm tại trang thông tin của Cục quản lý lao động ngoài nước có địa chỉ: http://dolab.gov.vn/New/Default.aspx
Tại trang điện tử này, bấm chọn mục “Doanh nghiệp XKLĐ”, và tiếp tục “Danh sách Doanh nghiệp XKLĐ” để xem thông tin các công ty xuất khẩu lao động, hoặc gõ tên công ty mà mình muốn tìm kiếm.
Các công ty đủ điều kiện đưa NLĐ đi xuất khẩu ra nước ngoài là công ty có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.