Việc tạo lập website riêng đối với các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, website khi được lập còn phải phù hợp với các quy định của pháp luật, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm đó là Website nào phải đăng ký với Bộ Công thương? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết sau:
1. Website thương mại điện tử là gì?
Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. (Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
2. Website nào phải đăng ký với Bộ Công thương?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), các Website cần phải đăng ký với Bộ Công thương bao gồm:
2.1. Sàn giao dịch thương mại điện tử
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Lưu ý: Sàn giao dịch thương mại điện tử này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Ví dụ: Sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng như: Shoppe.vn, Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn…
2.2. Website khuyến mại trực tuyến
Website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
Ví dụ: Hotdeal.vn, Dealtoday.vn,…
2.3. Website đấu giá trực tuyến
Website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
Ví dụ: daugiaso5.vn…
3. Trình tự, thủ tục đăng ký Website với Bộ Công thương
Bước 1: Đăng ký mở tài khoản
Trước hết bạn truy cập vào Website của Bộ Công thương:
Sau đó ấn vào mục “Đăng ký”, trong mục này bạn cần điền đầy đủ thông tin nhất là những mục được gắn dấu “*” bắt buộc phải nhập đúng.
Tài khoản mặc định sẽ lấy mã số thuế doanh nghiệp hoặc cá nhân làm tên tài khoản và bạn nên đăng ký email thường sử dụng để không bỏ lỡ thông tin được gửi về từ Bộ Công Thương.
Sau khi đã hoàn thành các bước nhập thông tin, ấn nút “đăng ký” để gửi thông tin đến Bộ Công Thương.
Bước 2: Xác nhận thông tin tài khoản
Sau khi gửi đăng ký bạn sẽ nhận được email với nội dung cho biết thông tin bạn vừa gửi sẽ được phản hồi trong vòng 3 ngày tới.
Lúc này sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
Thông tin đăng ký chính xác: bạn sẽ được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống.
Thông tin đăng ký không chính xác: bắt buộc bạn phải bổ sung thông tin hoặc đăng ký lại.
Bước 3: Đăng ký website thương mại điện tử
Bạn truy cập vào trang http://online.gov.vn đăng nhập với tên và mật khẩu đã được cấp trước đó.
Bạn lựa chọn hình thức khai báo: Đăng ký website và tiến hành điền đầy đủ các thông tin liên quan đến website được yêu cầu trong bản đăng ký.
Sau đó thực hiện tải file scan một trong các loại giấy tờ sau lên:
+ Thương nhân: bản scan giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ giấy chứng nhận đầu tư/ giấy phép đầu tư.
+ Tổ chức: bản scan quyết định thành lập.
+ Cá nhân: bản scan giấy chứng minh nhân dân.
Chọn “Gửi hồ sơ” để hoàn thành việc đăng ký website Thương mại điện tử.
Bước 4: Xét duyệt hồ sơ
Sau khi hồ sơ được gửi đi sẽ ở trong trạng thái chờ duyệt, sau 3 ngày bạn sẽ nhận được email xác nhận đã đăng ký thành công hay chưa. Nếu chưa thành công bạn sẽ được yêu cầu cung cấp hoặc chỉnh sửa lại thông tin.
Nếu thành công bạn sẽ nhận được logo xác nhận và đường link để gắn vào nhằm phân biệt với các trang web giả mạo khác.
Xem chi tiết tại: Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
4. Mức phạt khi không đăng ký Website với Bộ Công thương?
Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là phải đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương. Đây là quy định bắt buộc trước khi hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng.
Nếu không thực hiện đúng theo quy định đăng ký website với Bộ Công thương thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Điều 62. Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động)
[….] 4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
[…..] 5.Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Như vậy, doanh nghiệp nếu không thực hiện đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng.
Ngoài ra, việc đăng ký Website với Bộ Công thương còn giúp các quyền, lợi ích của website được bảo hộ theo quy định pháp luật; Nâng cao uy tín, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng cảm thấy an tâm, tin tưởng hơn vào website.