Vô ý phạm tội là gì? Phân tích về vô ý phạm tội

0

1. Vô ý phạm tôi là gì?

Vô ý phạm tội được quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó, vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

– Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

– Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Hình minh họa. Vô ý phạm tội là gì? Phân tích về vô ý phạm tội

2. Phân tích về vô ý phạm tội

Nếu cố ý phạm tội được chia làm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp thì tương tự như vậy khoa học hình sự chia vô ý phạm tội thành 02 trường hợp chủ yếu là vô ý vì quá tự tin và vô ý vì cẩu thả.

2.1. Vô ý phạm tội do quá tự tin

Biểu hiện: Người phạm tội nhận thức và dự liệu được hậu quả do hành vi của mình gây ra có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng xét về mặt ý chí lại cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc nếu xảy ra thì có biện pháp ngăn ngừa được. Tuy nhiên cần phân tích rõ mức độ nhận thức hậu quả của người thực hiện hành vi. Nếu xem xét lại các lỗi về cố ý thì việc nhận thức và xác định, dự liệu hậu quả là điều tất yếu, hiển nhiên, pháp luật hình sự buộc người phạm tội phải nhận thức rõ vấn đề này.

Hậu quả xảy ra nếu thực hiện hành vi là một điều chắc chắn, còn đối với lỗi vô ý do quá tự tin thì hậu quả có thể xảy ra hoặc không xảy ra trên thực tế. Người phạm tội nhận thức được hành vi mà mình đang hoặc sắp thực hiện có thể dẫn đến một hậu quả nào đó nhưng lại cho rằng hậu quả đó không có cơ sở để xảy ra hoặc nếu xảy ra sẽ được ngăn chặn một cách ngay lập tức. Trong ý chí khi thực hiện hành vi, người phạm tội hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra như biểu hiện của trường hợp phạm tội cố ý gián tiếp nhưng trong nhận thức, người phạm tội tự tin ngăn chặn được hậu quả, tuy nhiên sự tự tin không tương đồng với thực tế, không giải quyết được vấn đề.

Ví dụ: Một người đi săn trong rừng nhìn thấy một con lợn rừng đang đào măng để ăn, gần đó cũng có một người đang hái măng. Người đi săn giương súng bắn con lợn vì anh ta tin rằng với tài nghệ bắn súng của mình thì không thể có chuyện đạn lạc sang người hái măng được. Tuy nhiên, súng nổ lại trúng người hái măng chứ không trúng con lợn.

2.2. Vô ý phạm tội do cẩu thả

Biểu hiện: Xét về mặt nhận thức thì người phạm tội hoàn toàn không thấy được hậu quả do hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội mặc dù pháp luật buộc người phạm tội phải thấy trước được điều đó. Việc đánh giá khả năng thấy trước hậu quả cũng cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh và yếu tố khác nhau, cụ thể dựa vào chính khả năng của người phạm tội như trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, lứa tuổi, kinh nghiệm sống, tay nghề…; dựa vào hoàn cảnh khách quan về không gian, thời gian, vị trí địa lý… lúc xảy ra sự việc. Việc buộc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải thấy trước được hậu quả chỉ có thể áp dụng đối với những mối quan hệ chung, phổ biến mà ở đó đã hình thành một quy tắc xử sự, ai cũng phải tuân theo.

Ví dụ: Bác sĩ tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân và hậu quả là bệnh nhân chết. Trong trường hợp này chính sự cẩu thả của bác sĩ đã dẫn đến hậu quả là cái chết của bệnh nhân, trong quy tắc xử sự hành nghề y buộc bác sĩ phải là một người cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc và đồng thời họ cũng phải nhận thức được hậu quả sẽ như thế nào nếu có sự nhầm lẫn, sử dụng không chính xác.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp xác định nhầm giữa cố ý gián tiếp và vô ý do quá tự tin vì trường hợp này người phạm tội đều nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra nguy hại cho xã hội và đều không mong muốn hậu quả đó xảy ra. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, lỗi cố ý gián tiếp, người thực hiện hành vi vì chấp nhận khả năng hậu quả xảy ra khi lựa chọn và thực hiện hành vi. Còn vô ý vì quá tự tin, người thực hiện hành vi loại trừ khả năng hậu quả xảy ra và tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra.


3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung

Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung

5/5 - (94 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.