Hiện nay, không hiếm gặp phụ nữ sau kết hôn, vì muốn tập trung lo tốt cho gia đình mà nghỉ hẳn ở nhà làm nội trợ. Vậy khi ly hôn, những người vợ ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Ly hôn, nếu vợ ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản không?
Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố như:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Đặc biệt, Luật này cũng chỉ rõ: Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn điều này như sau:
Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn
Cụ thể với trường hợp chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái thì vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của người đi làm. Do đó, vợ và chồng vẫn bình đẳng với nhau khi chia tài sản khi ly hôn.
Tuy nhiên, thực tế, việc chứng minh công sức đóng góp của bên nào nhiều hơn vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung trong trường hợp này là tương đối khó, cần phải xem xét thật toàn diện, khách quan.
2. Có được chia tài sản trước khi ra tòa không?
Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định cụ thể như sau:
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định.
Do đó vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, quyền nuôi con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
Ngược lại, nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, có thể thấy, việc vợ chồng tự thỏa thuận việc chia tài sản và quyền nuôi con một cách thuận tình và có sự đồng ý của cả hai bên trước khi gửi đơn ly hôn lên tòa là hoàn toàn chính đáng.Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề chia tài sản thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia để đảm bảo quyền lợi của các bên.
3. Sống chung như vợ chồng không kết hôn có được chia tài sản khi ly hôn?
Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết tài sản của nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Như vậy, trong trường hợp này, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sau khi chấm dứt việc sống chung thì tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận giữa hai bên hoặc chia theo nguyên tắc chia tài sản chung trong Bộ luật Dân sự có tính tới các yếu tố như: công sức đóng góp của mỗi người; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ…