Khi nhận hàng, thuyền trưởng có thể có những phê chú (dự kháng) về tình trạng hàng hóa và/hoặc bao bì. Phê chú là căn cứ quan trọng để quy trách nhiệm cho các bên. Phê chú có thể làm cho vận đơn trở nên hoàn hảo và có thể trở nên không hoàn hảo. Trong thương mại và thanh toán quốc tế, do vai trò quan trọng của vận đơn, nên các bên tham gia bao gồm người gửi hàng, người nhận hàng, người chuyên chở, người bảo hiểm và ngân hàng phát hành L/C rất quan tâm đến những phê chú này.
Dự kháng là việc thuyền trưởng phê chú trên vận đơn khi thấy tình trạng bên ngoài của hàng hóa và/hoặc bao bì có khiếm khuyết khi bốc hàng lên tàu. Như vậy, nếu hàng hóa và bao bì được giao trong tình trạng tốt thì không cần có ghi chú gì; hay nói cách khác, nếu không có ghi chú gì về hàng hóa và/hoặc bao bì thì phải được xem là hàng hóa được giao trong tình trạng tốt, do đó, nếu có hư hỏng, tổn thất về hàng hóa trong quá trình chuyên chở, thì trách nhiệm trước hết thuộc về người chuyên chở, còn người gửi hàng được miễn trách.
Khi thuyền trưởng đã có phê chú xấu trên vận đơn về tình trạng hàng hóa và/hoặc bao bì, thì mọi hư hỏng, tổn thất về hàng hóa trong quá trình chuyên chở do các nguyên nhân đã được phê chú gây ra, trước hết thuộc về người gửi hàng, còn người chuyên chở được miễn trách.
Trên thực tế, có những phê chú làm mất tính hoàn hảo của vận đơn, nhưng cũng có những phê chú không làm cho vận đơn trở nên không hoàn hảo. Cụ thể như sau:
Vận đơn hoàn hảo là vận đơn không có phê chú xấu về hàng hóa và/hoặc bao bì.
Vận đơn không hoàn hảo là vận đơn có phê chú xấu về hàng hóa và/hoặc bao bì.
Chỉ những phê chú thể hiện rõ ràng về tình trạng khiếm khuyết của hàng hóa và/hoặc bao bì mới làm cho vận đơn trở nên không hoàn hảo; ví dụ, các phê chú xấu rõ ràng sau đây sẽ làm cho vận đơn trở nên không hoàn hảo: Bao bì không đáp ứng cho vận tải biển; Một thùng bị vỡ; Hàng bị ướt; Hàng có mùi hôi; Ký mã hiệu không rõ ràng.
Những phê chú không rõ ràng về tình trạng khiếm khuyết của hàng hóa và/hoặc bao bì không làm cho vận đơn trở nên không hoàn hảo, ví dụ: Bao bì có thể không bảo đảm cho chuyên chở bằng đường biển; Bao bì dùng lại; Thùng được đóng đinh lại; Hàng hóa hình như bị ẩm; Hàng hóa có vẻ cồng kềnh…
Vận đơn hoàn hảo không cần phải ghi từ “Hoàn hảo – Clean”. Ngay cả khi trên vận đơn có ghi chữ hoàn hảo, thì vận đơn vẫn thuộc loại không hoàn hảo, nếu trên vận đơn có phê chú xấu rõ ràng về hàng hóa và/hoặc bao bì. Tương tự, nếu từ hoàn hảo đã được ghi trên vận đơn, nhưng sau đó lại gạch bỏ, nhưng trên vận đơn không có phê chú xấu về hàng hóa và/hoặc bao bì thì vận đơn vẫn được xem là hoàn hảo. Thậm chí, ngay cả khi vận đơn có ghi là không hoàn hảo (unclean), nhưng trên vận đơn không có phê chú xấu thì cũng không bị xem là không hoàn hảo. Như vậy, để phân biệt vận đơn hoàn hảo và không hoàn hảo ta phải căn cứ vào phê chú về hàng hóa và/hoặc bao bì trên vận đơn, chứ không căn cứ vào việc có ghi hay không ghi từ hoàn hảo (không hoàn hảo) trên vận đơn.