Bài viết dưới đây sẽ đề cấp đến các vấn đề: Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) cùng với bài viết về vụ tranh chấp liên quan đến vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading) và Thuật ngữ “Surrendered” ghi trên vận đơn được hiểu như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu nhé.
1. Vận đơn theo quy định của pháp luật hiện hành
– Cơ sở pháp lý: Điều 148 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015
“Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.”
Theo đó:
– Chứng từ vận chuyển bao gồm vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển và chứng từ vận chuyển khác. Mẫu vận đơn, vận đơn suốt đường biển do doanh nghiệp phát hành và phải được gửi, lưu tại cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải;
– Vận đơn sẽ được dùng làm bằng chứng về việc người vận chuyển (là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển/ Người vận chuyển thực tế là người được người vận chuyển ủy thác thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển) đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng;
– Vận đơn sẽ được dùng làm bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
2. Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading)
Căn cứ vào khả năng chuyển nhượng (hay còn gọi là khả năng lưu thông) của vận đơn thì vận đơn gồm có ba loại:
a. Vận đơn theo lệnh (Order B/L) là vận đơn mà tại ô “Người nhận hàng” (Consignee) không ghi tên người nhận hàng, mà ghi hai chữ “Theo lệnh” (To order) hoặc theo lệnh của một người nào đó được người giao hàng (Shipper) chỉ định phát lệnh trả hàng.
b. Vận đơn đích danh (Straight B/L) là vận đơn mà trên đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng, không giống vận đơn theo lệnh ta vừa phân tích là chỉ ghi chung chung nhất có thể. Theo đó, vận đơn đích danh chỉ có người nhận hàng có tên ghi trên vận đơn mới được nhận hàng đã đích danh chính người đó nhận. Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu.
c. Vận đơn vô danh (Bearer B/L) Đây là vận đơn trên đó ô “Người nhận hàng” bỏ trống, không ghi gì. Vận đơn này hoàn lại hoàn toàn trái ngược với vận đơn đích danh ở trên, chỉ đích danh một chủ thể nhạn hàng. Theo đó, người vận chuyển giao hàng sẽ cho bất kỳ người nào xuất trình vận đơn cho họ. Vận đơn vô danh được chuyển nhượng bàng cách trao tay.
=> Như vậy, vận đơn đích danh (Straight B/L) là loại vận đơn có ghi rõ tên và địa chỉ người nhận hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vận đơn này không thể chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu chuyển nhượng và chỉ người có tên trên vận đơn mới được phép nhận hàng.
Hiện nay các trường hợp vận chuyển hàng hoá bằng vận đơn đích danh có thể kể đến như:
– Vận đơn liên quan đến quà biếu;
– Vận đơn của một cá nhân gửi cho một cá nhân khác;
– Vận đơn của hàng hoá vận tải trọng nội bộ công ty; và
– Vận đơn hàng hoá dùng để triển lãm…