Người ta ví ngân hàng như là trái tim của nền kinh tế thị trường. Nhận thức được vị trí vai trò của ngân hàng trong quan hệ thương mại và trong sự duy trì thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, các quốc gia đều có những biện pháp để can thiệp vào hệ thống ngân hàng. Việc can thiệp của Nhà nước đối với Ngân hàng được thực hiện thông qua các phương diện sau:
1. Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Chính sách tiền tệ quốc gia có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội, tác động trực tiếp đến việc bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhà nước sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia nhằm đảm bảo cho ổn định và định hướng cho nền kinh tế phát triển đúng hướng, đồng thời bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển khác nhau mà Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ quốc gia cho phù hợp.
2. Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ quản lý và duy trì trật tự cho các hoạt động Ngân hàng trong nền kinh tế
Pháp luật được xem là công cụ hữu hiệu để quản lý Nhà nước nói chung và đối với các hoạt động kinh doanh Ngân hàng trong nền kinh tế nói riêng. Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật quy định các điều kiện hoạt động Ngân hàng; điều kiện trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng và giấy phép hoạt động Ngân hàng của các tổ chức khác quy định nhiệm vụ và quyền hạn quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… thông qua pháp luật: – Nhà nước xây dựng hệ thống Ngân hàng, tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. – Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh doanh Ngân hàng trong nền kinh tế vì hoạt động kinh doanh Ngân hàng còn tiềm ẩn những rủi ro cao: Nhà nước ban hành các quy định nhằm hạn chế và kiểm soát hoạt động kinh doanh Ngân hàng như hạn chế cấp tín dụng, quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc…
Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực Ngân hàng: Quy định về trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp… góp phần trong việc bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia các quan hệ xã hội trong lĩnh vực Ngân hàng trong nền kinh tế.
3. Nhà nước thành lập và sử dụng hệ thống Ngân hàng, tổ chức tín dụng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế
Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh sự cho phép mở rộng nhiều loại hình kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, nhà nước vẫn thiết lập và duy trì hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng nhà nước để làm cầu nối thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Thông qua việc thiếp lập Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại nhà nước, Ngân hàng đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách và các loại hình tổ chức tín dụng khác hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao đóng vai trò là công cụ của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng Ngân hàng của Nhà nước.
4. Nhà nước kích thích sự phát triển của các hệ thống Ngân hàng, tổ chức tín dụng
Thực hiện việc chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cùng với sự cho phép phát triển các thành phần kinh tế, Nhà nước tạo môi trường kinh tế, môi trường pháp lý thông qua việc thực hiện các tác động trực tiếp bằng chính sách thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi khác như chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách thuế, cho phép thiết lập các hệ thống ngân hàng có vốn đầu tư trong và ngoài nước với nhiều loại hình khác nhau nhằm tạo nhiều kênh đều thu hút vốn và tái đầu tư vốn cho nền kinh tế. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức tín dụng thu hút được nhiều khách hàng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngân hàng như mở rộng cơ chế lãi suất, thúc đẩy, tạo hàng cho sự phát triển của thị trường mở…