Vạch 7.6: Vạch chỉ dẫn sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường sử dụng để báo hiệu sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường.
1. Vạch kẻ đường là gì?
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.
Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.
Vạch kẻ đường phải bảo đảm cho xe chạy trên đường êm thuận, đảm bảo độ bám giữa lốp xe và mặt đường, không bị trơn trượt, không cao quá mặt đường 6 mm.
2. Vạch 7.6: Vạch chỉ dẫn sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường
2.1. Ý nghĩa sử dụng
Vạch 7.6: Vạch chỉ dẫn sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường sử dụng để báo hiệu sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường; đặc biệt đối với các chỗ bố trí vạch đi bộ qua đường ở giữa đoạn đường nối hai nút để cảnh báo người lái xe phải nhường đường cho người đi bộ qua đường.
2.2. Quy cách
Vạch có dạng hình thoi, màu trắng. Kích thước như hình minh họa trên.
3. Lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường bị phạt bao nhiêu?
Lỗi không tuân thủ biển báo giao thông, vạch kẻ đường được quy định trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP với tên gọi đầy đủ là “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường được quy định như sau:
– Đối với ô tô: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe;
– Đối với xe máy: Phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe;
– Đối với xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
– Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.