Việc xác nhận thông tin cư trú là để cập nhật các thông tin quê quán, chỗ ở,.. của cá nhân. Vậy thủ tục xác nhận thông tin cư trú của công dân như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Khi nào cần xác nhận thông tin cư trú của công dân?
Theo Thông tư 66/2023/TT-BCA, Xác nhận thông tin cư trú là việc xác thông tin về nơi cư trú hiện tại hoặc các nơi cư trú trước đây, thời gian ở từng nơi đó của công dân.
Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, thì sau khi sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bị loại bỏ thì một số giấy tờ sau được sử dụng để xác định thông tin cư trú trong các thủ tục hành chính bao gồm: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Giấy các nhận thông tin cư trú, Số định danh và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như vậy, đối với các thủ tục hành chính hoặc các công việc khác cần chứng minh thông tin về nơi cư trú thì công dân có thể sử dụng Giấy các nhận thông tin cư trú.
Một số thủ tục có thể cần sử dụng giấy xác nhận cư trú như: thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, thủ tục miễn giảm hỗ trợ học phí, thủ tục đăng ký nuôi con nuôi…

2. Thủ tục yêu cầu xác nhận thông tin cư trú của công dân
2.1. Hồ sơ yêu cầu xác nhận thông tin cư trú của công dân
Căn cứ vào Quyết định số 320/QĐ-BCA ngày 16/01/2024 hồ sơ xác nhận thông tin cư trú của công dân thì chỉ cần 01 Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA).
Để điền chính xác và đầy đủ thông tin trong tờ khai nói trên thì cần lưu một số điểm sau:
(1) Kính gửi: Cơ quan công an cấp xã nơi đăng ký cư trú
(2) Nội dung đề nghị: Ghi rõ nội dung đề nghị là “Xác nhận thông tin cư trú của công dân”
(3) Phần ý kiến của chủ hộ: Đối với thủ tục xác nhận thông tin cư trú của công dân thì không cần phải xác lấy ý kiến chủ hộ (Phần này áp dụng cho trường hợp tại Khoản 2,3,5,6 Điều 20 và khoản 1 Điều 25 Luật cư trú 2020)
(4) Phần ý kiến của chủ sở hữu hợp pháp: Không phải kê khai (Phần này áp dụng cho trường hợp tại Khoản 2,3,5,6 Điều 20 và khoản 1 Điều 25 Luật cư trú 2020)
(5) Phần ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ: áp dụng trong trường hợp người xin xác nhận thông tin cư trú là người chưa thành niên, người không có NLHVDS hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Lưu ý ghi rõ nội dung là “Đồng ý”, ký và ghi rõ họ tên.
(6) Phần ký của người kê khai: Người kê khai ký và ghi rõ họ tên
(7) Phần này áp dụng cho người kê khai qua VNeID.
2.2. Các bước tiến hành yêu cầu xác nhận thông tin cư trú của công dân
Để xác minh thông tin cư trú cần thực hiện theo trình tự sau:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định
– Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan công an cấp xã. Có 2 phương thức nộp hồ sơ bao gồm:
+ Nộp hồ sơ trực tiếp;
+ Nộp hồ sơ trực tuyến: qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Công dịch vụ công của Bộ Công an hoặc ứng dụng VneID
Lưu ý thời gian nhận hồ sơ là từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày nghỉ, lễ)
– Bước 3: Chờ xử lý hồ sơ. Khi cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ hợp lệ sẽ tiến hành xử lý.
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Cơ quan công an sẽ cấp phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu CT04
+ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cần sửa đổi, bổ sung thì Cơ quan Công an sẽ cấp Phiếu hướng dẫn theo mẫu CT05
+ Trường hợp từ chối yêu cầu thì thì Cơ quan Công an cấp phiếu từ chối theo mẫu CT06
– Bước 4: Nhận kết quả
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ Cơ quan công an sẽ cấp xác nhận theo mẫu CT07
+ Trường hợp hồ sơ không được giải quyết Cơ quan công an sẽ trả phiếu từ chối giải quyết hồ sơ theo mẫu CT06.
3. Lệ phí, thời hạn giải quyết xác nhận thông tin cư trú
Theo quy định tại Quyết định số 320/QĐ-BCA thì thủ tục xác nhận thông tin cư trú cho công dân không mất phí.
Thời gian xử lý là 1/2 ngày làm việc trong trường hợp có thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 03 ngày làm việc trong trường hợp không có dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.