1. Khái niệm về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
Trong các quan hệ nghĩa vụ, để bên kia được hưởng một lợi ích nhất định, một bên phải thực hiện nghĩa vụ khi đến thời hạn. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ) thì phải gánh chịu những hậu quả bất lợi mà pháp luật đã dự liệu. Khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”.
Như vậy, các bên có nghĩa vụ đối với nhau kể từ khi quan hệ nghĩa vụ được xác lập nhưng trách nhiệm dân sự chỉ xuất hiện khi có một bên không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình.
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là một trong những loại trách nhiệm pháp lý nói chung nên giống như các loại trách nhiệm pháp lý khác, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ cũng có những đặc điểm chung sau đây:
– Chỉ được áp dụng khi có hành vi phạm pháp luật và chỉ. áp dụng đối với người có hành vi vi phạm đó;
– Là một hình thức cưỡng chế của Nhà nước và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng;
– Luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác, mỗi ngành luật đều mang tính độc lập tương đối, có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng nên ngoài những đặc điểm chung đã nêu trên, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ còn có những đặc điểm riêng biệt:
– Biểu hiện cụ thể của hành vi vi phạm pháp luật trong trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ;
– Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ bao giờ cũng liên quan trực tiếp (gắn liền) với tài sản. Lợi ích mà các bên hướng tới trong các quan hệ nghĩa vụ bao giờ cũng mang tính tài sản, vì vậy việc vi phạm nghĩa vụ của bên này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích vật chất của bên kia. Do đó, trách nhiệm dân sự của người vi phạm là phải bù đắp cho bên bị vi phạm những lợi ích vật chất;
– Trách nhiệm dân sự được áp dụng với người có hành vi vi phạm nhưng cũng có thể được áp dụng đối với người khác (người đại diện cho người chưa thành niên);
– Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại nhằm thoả mãn quyền lợi chính đáng và khôi phục, khắc phục những hậu quả vật chất cho người bị vi phạm.
Vì vậy, về mặt khách quan: Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể đang tham gia với nhau một nghĩa vụ khi có một bên vi phạm nghĩa vụ dân sự đó;
Về mặt chủ quan: Trách nhiệm dân sự được hiểu là việc gánh chịu một hậu quả mang tính tài sản của bên vi phạm nghĩa vụ, qua đó để khắc phục hậu quả cho bên bị vi phạm.
Ví dụ: Phải giao một vật, phải bồi thường thiệt hại v.v..
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là sự cưỡng chế của Nhà nước buộc bên vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra cho phía bên kia.
Trách nhiệm dân sự nói chung là một chế tài của ngành luật dân sự và trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là một chế tài trong nghĩa vụ. Đối với các chủ thể tham gia một quan hệ nghĩa vụ, bên cạnh việc để cho các bên tự giác thực hiện, pháp luật còn đặt ra các biện pháp cưỡng chế nhằm tác động đến ý thức tự giác của các chủ thể đồng thời để áp dụng khi có sự vi phạm nghĩa vụ dân sự.
2. Phân loại trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
Khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ phát sinh trách nhiệm dân sự với người có quyền. Tuy nhiên, nếu sự vi phạm này chưa gây ra thiệt hại thì người vi phạm chỉ có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ. Mặt khác, nếu sự vi phạm nghĩa vụ đã gây ra một thiệt hại cho người bị vi phạm thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Vì vậy, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của sự vi phạm nghĩa vụ mà trách nhiệm dân sự này được phân thành hai loại sau đây:
2.1. Trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ
Với trách nhiệm này, người vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên kia. Nếu bên có quyền đã yêu cầu mà bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện thì bên có quyền có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ.
Loại trách nhiệm này bao gồm:
– Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 356 Bộ luật Dân sự 2015);
– Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 358 Bộ luật Dân sự 2015);
– Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 355 Bộ luật Dân sự 2015).
2.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ đã gây ra một thiệt hại. Mặt khác, một người chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ phải dựa trên các cơ sở sau đây:
2.2.1. Có hành vi trái pháp luật
Là một loại trách nhiệm pháp lý, cho nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có hành vi trái pháp luật và chỉ áp dụng với người có hành vi đó. Về nguyên tắc, một người có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì bị coi là vi phạm pháp luật về nghĩa vụ. Vì chính nghĩa vụ đó là do pháp luật xác định hoặc do các bên thỏa thuận, cam kết nhưng đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thực hiện nghĩa vụ không bị coi là trái pháp luật. Vì vậy, người không thực hiện nghĩa vụ không phải bồi thường thiệt hại:
+ Nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của người có quyền;
+ Nghĩa vụ không thể thực hiện được do sự kiện bất khả kháng. Một sự kiện chỉ được coi là bất khả kháng nếu đó là sự kiện khách quan làm cho người có nghĩa vụ không biết trước và cũng không thể tránh được. Người có nghĩa vụ không thể khắc phục được khó khăn do sự kiện đó gây ra dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép.
2.2.2. Có thiệt hại xảy ra trong thực tế
Nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc người có nghĩa vụ phải bù đắp cho phía bên kia những tổn thất vật chất mà mình đã gây ra do việc vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, việc xác định có thiệt hại xảy ra hay không, thiệt hại bao nhiêu là việc làm cần thiết và hết sức quan trọng khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại là sự biến đổi theo chiều hướng xấu đi trong tài sản của một người thể hiện ở những tổn thất thực tế tính được thành tiền mà người đó phải gánh chịu.
Trong thực tế, thiệt hại xảy ra do vi phạm nghĩa vụ bao gồm: những tài sản bị mất mát hoặc bị huỷ hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút giá trị về tài sản, những chi phí mà người bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do người vi phạm nghĩa vụ gây ra, những tổn thất do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.
Về mặt lý luận, người ta chia những thiệt hại nói trên thành hai loại:
– Những thiệt hại trực tiếp: Là những thiệt hại đã xảy ra một cách khách quan trong thực tế mà mức thiệt hại dễ dàng xác định được như:
+ Chi phí thực tế và hợp lý: Là những khoản tiền hoặc những lợi ích vật chất khác mà người bị thiệt hại phải bỏ ra ngoài dự định của mình để khắc phục những tình trạng xấu do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia gây ra;
+ Tài sản bị hư hỏng, mất mát, huỷ hoại: Là sự giảm sút giá trị của một tài sản hoặc sự thiếu hụt về tài sản do người có nghĩa vụ gây ra.
– Những thiệt hại gián tiếp: Là những thiệt hại mà phải dựa trên sự suy đoán khoa học mới xác định được mức độ thiệt hại. Thiệt hại này còn được gọi là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2.2.3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra
Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, xét theo phép duy vật biện chứng là mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật hiện tượng. Trong khoa học pháp lý dân sự, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối liên hệ nội tại, tất yếu. Trong đó, hành vi vi phạm là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là kết quả. Chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại.
Nguyên nhân và kết quả có mối liên hệ nối tiếp nhau, nguyên nhân bao giờ cũng đi trước, là cái sinh ra kết quả. Vì vậy, hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra tất yếu phải là hai giai đoạn gắn bó nhau của một quá trình vận động.
Mặt khác, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và một nguyên nhân có thể làm phát sinh nhiều kết quả. Vì vậy, nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai, cần xem xét hành vi vi phạm của họ có quan hệ như thế nào đối với thiệt hại xảy ra. Nếu không xác định chính xác mối quan hệ này rất dễ dẫn đến những sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự.
2.2.4. Lỗi của người vi phạm nghĩa vụ
Theo nguyên tắc suy đoán người không thực hiện, thực không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì có lỗi trong việc vi phạm nghĩa vụ. Định nghĩa về lỗi quy định tại Điều 364 Bộ luật Dân sự 2015.
Người vi phạm nếu chứng minh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên có quyền thì không phải chịu trách nhiệm dân sự (Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015).