1. Hình phạt là gì?
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phân hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Đây là trường hợp tổng hợp trong khi người phạm tội đang phải chấp hành một bản án mà sẽ tiếp tục xét xử để ra thêm một bản án khác do một tội phạm đã thực hiện trước khi có bản án đang chấp hành hoặc trong khi đang chấp hành bản án đó.
Đối với 2 trường hợp này (phạm tội trước và sau thời điểm có bản án đầu tiên) sẽ có 2 cách tổng hợp khác nhau và đương nhiên hậu quả pháp lý cũng hoàn toàn khác nhau. Chúng ta sẽ cùng phân tích 2 trường hợp này qua một ví dụ sau để thấy sự khác biệt:
Ví dụ 1: A bị tuyên án 20 năm tù và đã chấp hành hình phạt được 10 năm. Sau đó A bị phát hiện đã thực hiện một tội phạm khác trước thời điểm có bản án đầu tiên và Tòa tuyên mức án với Tội đó là 15 năm. Tổng hợp hình phạt sẽ là 30 năm (mức tối đa đối với hình phạt tù). Do A đã chấp hành được 10 năm nên thời hạn chấp hành còn lại sẽ là 20 năm.
Ví dụ 2: A bị tuyên án 20 năm tù và đã chấp hành hình phạt được 10 năm. Sau đó A thực hiện hành vi phạm tội mới và Tòa tuyên mức án với Tội đó là 15 năm. Do A đã chấp hành hình phạt đầu tiên được 10 năm nên thời gian còn lại là 10 năm, cộng với hình phạt mới là 15 năm. Tổng hợp hình phạt, A phải chấp hành hình phạt là 25 năm.
Như vậy điểm khác biệt lớn nhất của 2 trường hợp này chính là thời điểm thực hiện tội phạm, nếu trước khi có bản án đang chấp hành thì sẽ tổng hợp trước rồi sẽ trừ thời gian chấp hành sau (theo hướng lỗi thuộc về cơ quan công quyền do không phát hiện tội phạm). Nếu tội phạm mới được thực hiện sau khi đã có bản án thì sẽ trừ thời gian chấp hành trước khi thực hiện việc tổng hợp bản án (theo hướng lỗi thuộc về người phạm tội đã không thực hiện cải tạo tốt). Do đó hậu quả pháp lý theo cách này sẽ nặng nề và bất lợi hơn so với cách tổng hợp đầu tiên. Theo như ví dụ sự chênh lệch đó là 05 năm tù.
Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, nhưng khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện như thế nào? Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 (Điều 51 BLHS năm 1999) như đối với trường hợp người đã đủ 18 tuổi. Nguồn: Công văn 01/GĐ-TANDTC ngày 25/07/2016 về việc giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự |
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung