Dưới đây là một số Đề thi môn Luật Lao động do LawFirm.Vn tổng hợp (có đáp án) xin chia sẻ để các bạn tham khảo, ôn tập.
1. Đề thi môn Luật Lao động số 01
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý:
1. Nếu người lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 07 tháng tuổi thì doanh nghiệp không được sử dụng người đó làm thêm giờ.
=> Nhận định sai. Doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng người lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 07 tháng tuổi làm thêm giờ nếu được người lao động đồng ý.
Căn cứ pháp lý: Điểm b khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019
2. Hàng năm người sử dụng lao động phải tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
=> Nhận định đúng. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 60 Bộ luật Lao động 2019
3. Hội đồng trọng tài lao động không có thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền.
=> Nhận định sai. Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 1 Điều 191 Bộ luật Lao động 2019
Tình huống
Sinh viên trình bày ngắn gọn không quá 50 dòng:
Ngày 10/09/2022, Công ty Thiên Thanh thông báo tuyển dụng 01 kế toán, với yêu cầu tối thiểu phải có bằng cử nhân kinh tế, sức khỏe tốt. Mặc dù mới có trình độ trung cấp nhưng do sử dụng bằng cử nhân kinh tế giả cho nên ông Trí được Công ty Thiên Thanh ký hợp đồng lao động 36 tháng có hiệu lực từ ngày 01/10/2022. Nay, Công ty Thiên Thanh mong muốn tuyên bố hợp đồng lao động trên vô hiệu do lừa dối.
Từ tình huống trên, anh chị hãy cho biết quan điểm của mình về phạm vi điều chỉnh các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu và điểm khác biệt giữa hợp đồng lao động vô hiệu với hợp đồng dân sự vô hiệu.
Bài tập
Bà Lan được Công ty X ký kết hợp đồng thử việc nhân viên kế toán từ ngày 10/05/2023 với thời hạn là 30 ngày và mức lương là 3.400.000 đồng/tháng. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, bà Lan được nhận tiền lương 4.000.000 đồng/tháng. Đây là mức lương đã được công ty X cam kết khi được ký hợp đồng lao động. Đến ngày 01/07/2023, bà Lan mới được công ty ký hợp đồng lao động 12 tháng và mỗi tháng làm việc 26 ngày.
Tháng 08/2023, Công ty X phát hiện bà Lan có hành vi tham ô gây thiệt hại cho Công ty 5.000.000 đồng. Dựa trên biên bản cuộc họp ngày 21/08/2023, mỗi tháng Công ty sẽ trừ 1.500.000 đồng tiền lương hàng tháng để khắc phục thiệt hại mà bà Lan đã gây ra và việc trừ tiền lương này bắt đầu từ tháng 09/2023.
Ngày 14/10/2023, bà Lan có đơn xin nghỉ việc từ ngày 30/10/2023 vì phải về quê để giải quyết việc gia đình. Tuy nhiên, giám đốc Công ty X không đồng ý vì cho rằng bà Lan vẫn còn phải bồi thường thiệt hại và Công ty chưa tìm được người khác thay thế. Ngày 28/10/2023, bà Lan lại gửi đơn xin nghỉ việc. Thực tế bà Lan đã không đến công ty làm việc từ ngày 30/11/2023.
Hỏi:
1 – Việc Công ty X trừ tiền lương hàng tháng của bà Lan như trên là đúng hay trái pháp luật? Vì sao?
2 – Việc chấm dứt hợp đồng lao động của bà Lan như trên là đúng hay trái pháp luật? Vì sao?
3 – Bà Lan có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Biết rằng: Bà Lan đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/07/2023, từ khi ký hợp đồng lao động đến khi nghỉ việc, tiền lương theo công việc của bà Lan là 4.000.000 đồng/tháng và tổng các khoản phụ cấp là 1.400.000 đồng/tháng./.
2. Đề thi môn Luật Lao động số 02
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý
1. Doanh nghiệp Việt Nam có thể ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động tại Việt Nam.
=> Nhận định sai. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm. Do đó, khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn, không được ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 151, Điều 155 Bộ luật Lao động 2019
2. Trong mọi trường hợp, khi xử lý kỷ luật lao động, bắt buộc phải có sự tham gia của người lao động.
=> Nhận định đúng. Khi xử lý kỷ luật lao động, bắt buộc phải có sự tham gia của người lao động. Đối với người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật (người lao động trong trường hợp này vẫn phải có mặt).
Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019
3. Chủ tịch UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của một trong các bên quan hệ lao động mang tính tập thể.
=> Nhận định đúng. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của một trong các bên quan hệ lao động mang tính tập thể bao gồm: Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động;Tòa án nhân dân.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019
Lý thuyết
Sinh viên trình bày ngắn gọn không quá 50 dòng.
Khoản 2 Điều 23 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ”.
Anh chị hãy cho 01 ví dụ để minh họa quy định trên và cho biết cơ sở lý luận của quy định này.
Bài tập
Công ty X được thành lập từ tháng 04/2012 và đã ban hành nội quy lao động từ ngày 01/03/2013. Điều 20 của nội quy lao động quy định: “Áp dụng hình thức kỷ luật sa thải khi người lao động vi phạm một trong các quy định sau… Đem tài sản của công ty đặt cọc, cầm đồ, tự ý cho mượn, sử dụng cho mục đích riêng cá nhân. Lợi dụng các dịch vụ của công ty để mưu lợi riêng cá nhân (lần thứ 2)…”.
Căn cứ vào nội quy lao động, ngày 10/09/2013, Công ty X tiến hành mở phiên họp xử lý kỷ luật lao động đối với ông Thanh vì lý do ông Thành đã có hành vi lợi dụng dịch vụ của Công ty để mưu lợi cá nhân.
Tuy nhiên, do ông Thành mới vi phạm lần đầu nên Công ty chỉ áp dụng hình thức kỷ luật chuyển làm công việc khác 06 tháng.
Đến ngày 27/10/2013, ông Thành bị lập biên bản lần thứ hai về việc lợi dụng dịch vụ của Công ty để mưu lợi cá nhân.
Ngày 28/10/2013, trong buổi họp tổng kết cuối tháng, Giám đốc công ty X đã thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với ông Thành từ 30/11/2013 với lý do ông Thành đã tái phạm nội quy lao động. Ngày 30/11/2013, ông thành được gọi lên phòng hành chính để thanh lý hợp đồng và được yêu cầu bàn giao toàn bộ tài sản, hồ sơ liên quan đến công việc.
Không đồng ý với quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty, ngày 20/12/2013, ông Thành đã khởi kiện yêu cầu Công ty:
1 – Hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và nhận ông làm việc trở lại;
2 – Bồi thường thiệt hại về danh dự 03 tháng tiền lương;
3 – Trả tiền đi du lịch tại Đà Lạt 5.000.000 đồng. Đây là khoản tiền mà Công ty đã hỗ trợ cho mỗi người lao động tham gia đi du lịch cùng Công ty. Do Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông từ ngày 30/11/2013 cho nên ông không thể đi du lịch cùng tập thể người lao động của Công ty.
Nếu là người có thẩm quyền giải quyết vụ việc này, anh chị có chấp nhận các yêu cầu trên của ông Thành hay không? Vì sao?
3. Đề thi môn Luật Lao động số 03
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý
1 – Đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng thì không bắt buộc phải giao kết bằng hình thức văn bản.
2 – Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên trong đơn vị từ đủ 12 tháng trở lên.
3 – Hợp đồng lao động phải do chính người lao động giao kết và thực hiện.
Lý thuyết
Tại sao nói kỷ luật lao động có ý nghĩa quan trọng để tổ chức quá trình lao động trong doanh nghiệp?
Bài tập
Tranh chấp giữa:
Nguyên đơn: Ông Huỳnh Dũng
Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Lộc – Chủ Doanh nghiệp tư nhân khách sạn X
Ngày 18/04/2013 ông Huỳnh Dũng vào làm việc tại Doanh nghiệp tư nhân khách sạn X (do bà Nguyễn Thị Lộc làm chủ doanh nghiệp).
Hai bên có thỏa thuận miệng về hợp đồng lao động, không lập văn bản hợp đồng với công việc chính ông Dũng phải làm là dọn phòng, mức lương 2.200.000 đồng/tháng, thời giờ làm việc từ 18 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau.
Hai bên không thỏa thuận thời hạn hợp đồng.
Sáng ngày 27/05/2014, khách thuê phòng tại tầng lầu ông phụ trách báo mất điện thoại di động và đã đánh ông gây thương tích.
Ông đã tự đi điều trị vết thương, chiều cùng ngày ông khiếu nại sự việc đến Công an phường 26, Quận Bình Thạnh.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Lộc đến giải quyết và giao cho ông 3.000.000 là tiền thuốc và tiền lương.
Theo biên bản lấy lời khai ngày 10/06/2014, ông Dũng trình bày: “… Tôi có hỏi chị Lộc là tôi có đến khách sạn làm việc nữa không? Thì chị Lộc nói là cho tôi nghỉ việc luôn, tôi đồng ý vì nghĩ người ta không cho mình làm nữa thì thôi. Sau đó, chị Lộc đưa cho tôi 3.000.000 đồng bao gồm 1.000.000 đồng tiền thuốc, 08 ngày lương là 586.666 đồng và tiền cho tôi thêm vào lương cộng lại là 2.000.000 đồng…”.
Sau buổi làm việc tại Công an phường 26 ngày 27/05/2014, chủ doanh nghiệp tư nhân khách sạn X đã cho ông Dũng nghỉ việc vì không muốn có những vụ tương tự xảy ra.
Ông cho rằng Doanh nghiệp tư nhân khách sạn X chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật nên yêu cầu chủ Doanh nghiệp tư nhân khách sạn X phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hỏi:
1 – Doanh nghiệp tư nhân khách sạn X cho ông Dũng thôi việc có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?
2 – Theo anh chị tranh chấp trên được giải quyết như thế nào?
(Trích Bản án số 1038/2012/LĐPT ngày 28/08/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
4. Đề thi môn Luật Lao động số 04
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý
1 – Người lao động bị áp dụng trách nhiệm vật chất phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra.
2 – Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động đủ 12 tháng thì mới được nghỉ hằng năm..
3 – Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, mỗi bên không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào đối với bên kia.
Lý thuyết
Tại sao nói hợp đồng lao động là hình thức chủ yếu làm phát sinh quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường?
Bài tập
Tranh chấp giữa:
Nguyên đơn: Bà Lâm Thị Bích Liễu
Bị đơn: Công ty Y
Bà Liễu bắt đầu thử việc tại Công ty Y từ ngày 01/11/2013 đến ngày 16/12/2013 đến ngày 16/12/2013, với chức danh giám đốc nhân sự. Ngày 17/12/2013 giữa bà Liễu và Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ ngày 17/12/2013 đến ngày 16/12/2014; công việc phải làm là giám đốc nhân sự, mức lương chính: 90.000.000 đồng/tháng. Ngày 29/03/2014 Ban giám đốc Công ty Y gồm có Chủ tịch Hội đồng quản trị, phó chủ tịch và Tổng giám đốc đã tiến hành họp và quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức mới của công ty trong đó cắt giảm vị trí giám đốc nhân sự ra khỏi cơ cấu tổ chức của Công ty Y, chuyển bộ phận nhân sự sang báo cáo trực tiếp cho vị trí giám đốc công ty các bộ phận hỗ trợ.
Ngày 08/04/2014, giữa Ban chấp hành công đoàn Công ty Y với Tổng giám đốc công ty có cuộc họp thống nhất việc thay đổi cơ cấu tổ chức như trên của công ty.
Ngày 13/04/2014, 14/04/2014 và 27/04/2014 công ty đã tiến hành tiến hành họp và làm việc với bà Lâm Thị Bích Liễu để thông báo việc giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động với thời hạn báo trước 30 ngày.
Ngày 27/04/2014 Công ty Y ban hành quyết định số Y/QĐTV/11/15 chấm dứt hợp đồng lao động với bà Lâm Thị Bích Liễu, ngày chính thức chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31/05/2014, công ty thanh toán cho bà Liễu các khoản: Tiền lương tháng 05/2014 (từ 01/05/2014 đến 31/05/2014) là 90.000.000 đồng, số giờ phép còn lại (tính từ 01/01/2017 đến 31/12/2014) 120 giờ là 61.363.636 đồng, hỗ trợ thêm hai tháng tiền lương là 180.000.000 đồng, tổng cộng là 228.519.213 đồng, thực hiện đầy đủ bảo hiểm xã hội – y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Liễu cho rằng việc công ty đơn phương cho bà thôi việc là chưa đảm bảo trình tự thủ tục và không đúng với quy định của pháp luật nên bà Liễu yêu cầu công ty phải nhận bà trở lại làm việc và phải bồi thường cho bà theo đúng quy định của pháp luật.
Hỏi:
1 – Công ty cho bà Liễu thôi việc trong trường hợp này có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?
2 – Theo anh chị tranh chấp trên được giải quyết như thế nào?
(Trích Bản án số 1046/2012/LĐPT ngày 31/08/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
5. Đề thi môn Luật Lao động số 05
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý
1 – Mọi doanh nghiệp trong ngành đều phải tuân theo thỏa ước lao động tập thể ngành.
2 – Người sử dụng lao động không có quyền xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nữ đang có thai.
3 – Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi người lao động đồng ý.
Lý thuyết
Anh chị hãy phân tích và giải thích vì sao Nội dung lao động được xem là nguồn bổ sung của Luật Lao động?
Bài tập
Nguyễn Lam được tuyển dụng vào công ty X làm cán bộ kỹ thuật theo HĐLĐ không xác định thời hạn từ ngày 01/01/2001 ở TPHCM.
Tháng 02/2002, anh Lâm được bổ nhiệm làm phó phòng kinh doanh chi nhánh công ty tại Đồng Nai với mức lương là 12.000.000 đồng/tháng.
Tháng 02/2004, theo yêu cầu công việc, Lam được cử đi học nâng cao tay nghề tại Philipin 01 năm với cam kết sau khi học xong sẽ làm cho công ty ít nhất 05 năm.
Tháng 08/2006 trong thời gian đi học nghề, chi nhánh ký thỏa ước lao động tập thể có quy định chế độ tăng lương 3 năm/lần với mức tăng là 10% mức lương cũ. Sau khi quay trở lại làm việc được 3 năm với mức lương cũ Lam vẫn không thấy được tăng lương. Khi hỏi trưởng phòng nhân sự thì được biết Lam không có trong danh sách tăng lương vì không tham gia ký kết thỏa ước và chưa cam kết thời gian làm việc sau khi học nghề. Cho rằng DN đã trả lương thấp và quá khắt khe với mình, Lam tỏ thái độ tiêu cực, làm việc đối phó và liên tục vi phạm kỷ luật.
Cụ thể trong tháng 10/2008 Lam nghỉ việc không lý do chính đáng 4 ngày, đi làm muộn 5 ngày và nhiều lần bị giám đốc chi nhánh nhắc nhở về thái độ làm việc không nghiêm túc.
Ngày 20/11/2008 giám đốc chi nhánh triệu tập phiên họp kỷ luật theo đúng quy định. Mặc dù không được đại diện công đoàn nhất trí nhưng sau 20 ngày giám đốc chi nhánh vẫn ra quyết định sa thải Lam và yêu cầu bồi thường toàn bộ chi phí học nghề. Lam không đồng ý vì cho rằng công ty sa thải bất hợp pháp. Lam đã thực hiện hết thời gian cam kết làm việc (tính ngày từ 02/2002) và không chấp nhận bồi thường. Sau yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp, ngày 01/01/2009 Lam được quay lại làm việc theo biên bản hòa giải ngày 20/12/2008.
Song ngày 01/01/2009 Lam không trở lại làm việc mà thực tế đã xin được việc làm ở nơi khác với mức lương cao hơn.
Căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động 2012, anh chị hãy giải quyết các vấn đề sau:
1 – Nhận xét về hợp đồng học nghề và việc giải quyết chế độ tăng lương của Lam?
2 – Việc kỷ luật sa thải Lam có hợp pháp không? Vì sao?
3 – Xác định trách nhiệm và quyền lợi của Lam khi công ty ra quyết định sa thải? Tư vấn cho Lam đạt được quyền lợi hợp pháp ở mức cao nhất trong trường hợp không muốn trở lại làm việc?
4 – Trong trường hợp Lam không trở lại làm việc theo biên bản hòa giải thành, giám đốc chi nhánh công ty phải làm gì? Xác định quyền lợi trách nhiệm của Lam trong trường hợp Lam không trở lại làm việc?./.
6. Đề thi môn Luật Lao động số 06
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý
A – Khi thương lượng tập thể để giải quyết tranh chấp lao động tập thể, bắt buộc phải có hòa giải viên lao động tham gia.
B – Khi xây dựng thang lương, bảng lương, người sử dụng lao động phải tổ chức thương lượng tập thể với đại diện tập thể người lao động tại Công ty.
C – Nếu công ty nhận người vào đào tạo để sau đó làm việc tại Công ty thì không được thu học phí.
Tự luận
(Sinh viên trình bày ngắn gọn không quá 50 dòng)
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 BLLĐ 2012 : “Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.
Anh chị hãy cho 01 ví dụ để minh họa quy định trên đây và hãy cho biết quy định trên có tác động như thế nào đến quyền, lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động khi thanh toán trợ cấp thôi việc, bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Bài tập
Ông Quang bắt đầu làm việc tại Công ty Tân Quý từ ngày 01/06/2009 theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, vị trí làm việc là nhân viên kỹ thuật. Ngày 19/10/2013, trong buổi họp hàng tuần của công ty, ông Quang bị Giám đốc công ty nhắc nhở về việc ngày 12/10/2013 và 16/10/2013 vắng mặt tại nơi làm việc mà không được người có thẩm quyền cho phép. Ngày 21/11/2013, theo thư phản ánh của khách hàng, trong tháng 11 năm 2013, ông Quang đã đòi tiền hoa hồng của khách hàng mà không có lý do chính đáng.
Căn cứ vào nội quy lao động của Công ty (Điều 10 của Nội quy lao động quy định, người lao động sẽ bị sa thải nếu nhận tiền bất hợp pháp của khách hàng từ lần thứ hai trở lên), biên bản cuộc họp ngày 19/10/2013 và thử phản ánh của khách hàng, ngày 09/12/2013, Giám đốc công ty Tân Quý đã mở phiên họp xử lý kỷ luật lao động đối với ông Quang (đúng theo trình tự, thủ tục, thành phần luật định) và đã ra quyết định sa thải đối với ông Quang kể từ ngày 10/12/2013).
Không đồng ý với quyết định trên, ông Quang đã gửi đơn kiện yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp lao động giữa mình với Công ty Tân Quý. Tại phiên tòa, đại diện của Công ty Tân Quý cho rằng mặc dù ông Quang chỉ mới nhận tiền hoa hồng bất hợp pháp của khách hàng lần thứ nhất nhưng ông Quang đã tái phạm khi thường xuyên vi phạm nội quy lao động của Công ty. Vì vậy, việc Công ty sa thải ông Quang là phù hợp.
Theo anh chị:
1 – Quyết định sa thải của Công ty Tân Quý là đúng hay trái pháp luật? Vì sao?
2 – Giả sử, từ ngày 25/11/2013 đến ngày 10/12/2013, Công ty Tân Quý đã triệu tập ông Quang đến 03 lần để xử lý kỷ luật lao động nhưng cả 03 lần ông Quang đều vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Vậy, Công ty Tân Quý nên xử lý sự việc như thế nào? Vì sao?./.
7. Đề thi môn Luật Lao động số 07
Nhận định
Nhận định đúng sai, giải thích ngắn gọn và nêu cơ sở pháp lý
1 – Trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể bắt buộc phải có sự tham gia của đại diện tổ chức công đoàn.
2 – Người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức khiển trách, đồng thời trừ tiền thưởng của người lao động khi xử lý kỷ luật đối với người đó.
3 – Hợp đồng lao động được ký kết với người lao động là công dân nước ngoài khi người đó chưa có giấy phép lao động (trừ trường hợp quy định tại Điều 172 Bộ Luật lao động năm 2012) thì sẽ bị tuyên bố vô hiệu theo pháp luật lao động.
Lý thuyết
Sinh viên trả lời ngắn gọn không quá 50 dòng
Theo anh chị, tại sao Nhà nước khống chế thời gian làm thêm tối đa của người lao động như quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 BLLĐ 2012? Hãy cho 01 ví dụ minh họa quy định tại khoản 3 Điều 97 BLLĐ 2012.
Bài tập
Ông Tiến được Công ty Q nhận vào làm việc từ ngày 20/08/2011 theo hợp đồng lao động 06 tháng. Sau khi hợp đồng này hết hạn, hai bên ký tiếp 02 hợp đồng lao động mùa vụ, mỗi hợp đồng có thời hạn 6 tháng, với mức lương 3.500.000 đồng/tháng. Từ tháng 02/2013, Công ty Q hoạt động kinh doanh không hiệu quả và có nguy cơ giải thể chấm dứt hoạt động. Do đó, tháng 10/2013 Công ty Q tiến hành thay đổi cơ cấu, tổ chức một số bộ phòng, ban của Công ty. Dựa vào thâm niên làm việc và kết quả đánh giá năng lực, thái độ làm việc của từng người lao động, Công ty Q đã chấm dứt hợp đồng lao động với 60 người lao động từ ngày 01/11/2013, trong đó có ông Tiến.
Ngày 16/12/2013, ông Tiến và 24 người lao động khác thống nhất cử ông Tiến thay mặt 25 người viết một đơn khiếu nại gửi đến Giám đốc Công ty nhằm khiếu nại đối với quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Giám đốc Công ty và yêu cầu Công ty phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Hỏi: Theo anh chị, tranh chấp trên có phải là tranh chấp lao động tập thể hay không? Vì sao?
Ngày 23/12/2013, ông Tiến có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp lao động giữa ông và Công ty Q với các yêu cầu như sau:
1 – Công ty Q phải thanh toán trợ cấp mất việc làm cho ông 03 tháng tiền lương;
2 – Trả 1,5 tháng tiền lương thay cho việc Công ty đã thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động;
3 – Trả lương lương của 12 ngày nghỉ hàng năm của năm 2013 do ông chưa được nghỉ phép ngày nào.
Theo anh chị, các yêu cầu trên của ông Tiến có được chấp nhận hay không? Vì sao?./.
8. Đề thi môn Luật Lao động số 08
Tự luận
Công ty X có trụ sở tại Quận 4 TPHCM, với lĩnh vực hoạt động sản xuất quần áo. Hãy cho biết các nhận định sau đây liên quan đến quan hệ lao động tại Công ty X là đúng hay sai? Hãy cho biết cơ sở pháp lý và giải thích ngắn gọn:
1 – Khi thuê mướn lao động thông qua hợp đồng bằng văn bản, quan hệ lao động giữa Công ty X và người lao động sẽ được điều chỉnh bởi BLLĐ 2012.
2 – Thời giờ làm việc của bà A (đang nuôi con nhỏ 8 tháng tuổi) tối đa là 8 giờ/1 ngày.
3 – Mức lương theo công việc của ông B (kế toán kho) thấp nhất là 3.100000 đồng/tháng.
Lý thuyết
Hãy cho biết vai trò của tổ chức công đoàn trong quá trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật lao động hiện hành. Theo bạn, những điều kiện quan trọng nào để thương lượng tập thể diễn ra thực chất.
Bài tập
Theo Thông báo tuyển dụng lao động ngày 20/12/2013 (thay hợp đồng lao động thử việc) và Quyết định số 03/QĐBT-01 ngày 02/01/2014 của Công ty cổ phần Ga Li bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Hoàng làm Giám đốc Chi nhánh Công ty tại Hà Nội với mức lương chính thức 10.000.000 đồng/tháng, mức lương thử việc 7.500.000 đồng/tháng, thời gian thử việc 02 tháng tính từ ngày bắt đầu làm việc từ ngày 02/01/2014 đến ngày 02/03/2014. Hết thời gian thử việc ông Hoàng vẫn tiếp tục làm việc và được hưởng mức lương chính thức là 10.000.000 đồng/tháng và các chế độ khác của Công ty cho đến ngày 30/07/2014 Công ty Cổ phần Ga Li ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao đọng trước thời hạn số 0808/QĐNV-GLC đối với ông Nguyễn Huy Hoàng từ ngày 01/08/2014.
Hội đồng xét xử cho rằng, “do sau khi hết thời gian thử việc từ ngày 03/03/2014 đến ngày 30/07/2014 giữa Công ty Cổ phần Ga Li với ông Nguyễn Huy Hoàng không tiến hành ký kết hợp đồng lao động mới nên căn cứ tính chất công việc ông Hoàng làm Giám đốc chi nhánh là ổn định, thường xuyên, mà các bên không có cam kết khác về loại hay thời hạn của Hợp đồng lao động giữa Công ty cổ phần Ga Li với ông Nguyễn Huy Hoàng được xác định là loại Hợp đồng xác định thời hạn 36 tháng”.
Quyết định số 0808/QĐNV-GLV, ngày 30/07/2008 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Nguyễn Huy Hoàng của Công ty cổ phần Ga Li không nêu lý do và căn cứ pháp luật để chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với ông Hoàng. Tuy nhiên, tại các văn bản tự khai, biên bản hòa giải và các chứng cứ mà Công ty cổ phần Ga Li xuất trình, Công ty cho rằng ông Hoàng đã mắc nhiều sai phạm trong hoạt động của Chi nhánh Công ty tại Hà Nội như: Không làm đúng giờ, ông Hoàng có dấu hiệu tham ô tiền của Công ty, gây mâu thuẫn nội bộ và quan trọng nhất ông Hoàng đã tự ý bỏ việc 06 ngày cộng dồn trong tháng 06/2014 nên Công ty đã căn cứ vào khoản 3 Điều 15, chương VII Nội quy lao động của Công ty (về hình thức kỷ luật sa thải) và căn cứ vào Điều 126 Bộ luật lao động để chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với ông Hoàng.
Hãy cho biết:
1 – Quan điểm của anh chị về kết luận của Tòa án khi xác định loại hợp đồng lao động giữa các bên là hợp đồng xác định thời hạn 36 tháng.
2 – Quyết định số 0808/QĐNV-GLC ngày 30/07/2008 của Công ty Cổ phần Ga Li là đúng hay trái pháp luật?
3 – Các khoản tiền lương mà Công ty Cổ phần Ga Li phải thanh toán cho ông Hoàng.
9. Đề thi môn Luật Lao động số 09
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Quan hệ giữa người cai thầu và người lao động là quan hệ phát sinh trên cơ sở hợp đồng lao động.
2 – Khi người lao động đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ thì quan hệ lao động đương nhiên chấm dứt.
3 – Các bên chỉ được giao kết tối đa hai lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Lý thuyết
Phương pháp mệnh lệnh được biểu hiện như thế nào trong Luật Lao động? Phân biệt giữa phương pháp mệnh lệnh được sử dụng trong Luật Lao động đối với phương pháp mệnh lệnh được sử dụng trong Luật Hành chính.
Bài tập
Ngày 01/05/2013 ông Trần Hoàng Dũng và Công ty Trí Thức ký hợp đồng thử việc với công việc là lái xe 16 chỗ để đưa rước học sinh, thời hạn hợp đồng là 01 tháng, mức lương thử việc là 3.000.000 đồng/tháng. Sau 01 tháng thử việc, ông Dũng ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/06/2013, mức lương là 3.500.000 đồng/tháng. Ngày 01/06/2014 hai bên tiếp tục ký hợp đồng không xác định thời hạn, mức lương là 3.800.000 đồng/tháng. Kể từ ngày 01/09/2014 ông Dũng được nâng lương chính lên 4.000.000 đồng/tháng.
Ngày 22/09/2014 Giám đốc Công ty Trí Thức có mời ông Dũng lên và thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông kể từ ngày 10/10/2014 với lý do cần điều chỉnh lại nhân sự tài xế, đồng thời đưa ra một biên bản đánh máy sẵn rồi đề nghị ông Dũng ký tên vào biên bản đó. Trong biên bản ký tên có ghi là ông Dũng nhất trí thôi việc. Ông Dũng ký tên vào biên bản theo yêu cầu nhưng thực tế ông Dũng không muốn nghỉ việc tại Công ty.
Ngày 30/09/2014, Phòng nhân sự Công ty Trí Thức có mời ông Dũng lên và giao cho ông Dũng một Quyết định số 05/07-12/QĐNS-PKT ngày 30/09/2014 của Công ty Trí Thức về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Dũng kể từ ngày 10/10/2014. Ông Dũng cho rằng ông chưa làm đơn xin thôi việc và ông cũng không muốn nghỉ việc. Do đó, Công ty Trí Thức chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái pháp luật. Nay ông yêu cầu Công ty phải hủy bỏ Quyết định số 05/07-12/QĐNS-PKT ngày 30/09/2014, nhận ông trở lại làm việc và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hỏi:
1 – Yêu cầu của ông Dũng có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?
2 – Theo anh chị tranh chấp trên được giải quyết như thế nào?./.
10. Đề thi môn Luật Lao động số 10
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động trong vòng 30 ngày sau khi hợp đồng hết hạn.
2 – Số giờ làm thêm không được quá 50% số giờ làm việc bình thường khi làm thêm trong ngày nghỉ lễ.
3 – Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải sẽ không phải hoàn trả khoản chi phí đào tạo cho doanh nghiệp (nếu có).
Lý thuyết
Hãy phân tích giới hạn của quyền đình công theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam.
Bài tập
Vào ngày 05/03/2014, Công ty TNHH T.Y.A Việt Nam (“Công ty”) có thư mời ông N.V.K (“ông K”) vào làm việc tại Công ty với chức danh Giám đốc kinh doanh và Chăm sóc khách hàng; thời gian làm việc tính từ ngày 12/03/2014, có hai tháng thử việc với mức lương 35.000.000 đồng/tháng. Sau khi hoàn tất thời gian thử việc, căn cứ vào năng lực công tác, Công ty sẽ chính thức tuyển dụng ông K vào làm việc với thời hạn hợp đồng là 1 năm.
( Trích Bản án số 644/2014/LĐ-PT của TAND TPHCM)
Hết thời gian thử việc, vào ngày 04/06/2014 Công ty có gửi cho ông K bản thảo hợp đồng lao động (bản thảo hợp đồng lao động ghi ngày 12/05/2014), nội dung thể hiện: Ông K được bổ nhiệm chức danh là Tổng Giám đốc kinh doanh và chăm sóc khách hàng; lương thực lãnh là 40.000.000 đồng/tháng.
Sau khi nhận bản thảo hợp đồng, vào ngày 06/06/2014 thông qua hộp thư điện tử, ông K gửi trả lại Công ty bản thảo hợp đồng lao động đã được ông chỉnh sửa một số nội dung. Tuy nhiên, Công ty không chấp nhận những sửa đổi của ông K trong bản dự thảo hợp đồng. Vì thế, vào ngày 13/06/2014, Công ty đã ban hành kết quả tuyển dụng, trong đó nêu rõ ông K không đạt yêu cầu và quyết định chấm dứt thương lượng hợp đồng lao động với ông K.
Ông K cho rằng việc ông tiếp tục làm việc tại Công ty sau khi kết thúc thời gian thử việc thể hiện ông là người lao động chính thức tại Công ty. Do đó, việc Công ty không ký kết hợp đồng lao động với ông hoặc không tiếp tục tuyển dụng đối với ông sau thời gian thử việc thành công là hình thức đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Trên cơ sở đó, ông K yêu cầu công ty:
Hỏi:
1 – Nhận ông K trở lại làm việc tại Công ty với vị trí công việc như đã nêu trong thư mời làm việc ngày 05/03/2014.
2 – Ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông theo đúng quy định của Luật lao động;
3 – Thanh toán cho ông K, số tiền lương còn lại của 12 ngày làm việc từ ngày 26 tháng 05 năm 2014 đến ngày 12 tháng 06 năm 2014 là 14.268.000 đồng.
4 – Bồi thường cho ông K một khoản tiền tương đương với tiền lương cho khoảng thời gian không được làm việc, tính từ ngày 13 tháng 06 năm 2014 đến ngày nhận ông K trở lại làm việc và bồi thường cho ông K thêm 02 tháng tiền lương, mỗi tháng là 40.000.000 đồng;
5 – Đóng cho ông K các khoản bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) kể từ ngày 14 tháng 05 năm 2014 theo đúng quy định.
Hãy cho biết:
A – Công ty có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với ông K không? Vì sao/
B – Các yêu cầu của ông K có hợp lý không? Vì sao?./.
11. Đề thi môn Luật Lao động số 11
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Luật Lao động không điều chỉnh quan hệ giữa tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở và người sử dụng lao động.
2 – Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền tham gia vào mọi quan hệ lao động cá nhân được xác lập và thực hiện tại Việt Nam.
3 – Trong một ngày, người lao động chỉ được làm việc tối đa là 10 tiếng.
4 – Người lao động làm công việc độc hại thì phải được trả phụ cấp độc hại.
5 – Hội đồng trọng tài lao động chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Bài tập
Ngày 01/09/2012 ông Trần Bảo bắt đầu làm việc tại Khách sạn ĐK theo hợp đồng lao động số 434/2012 với thời hạn 13 tháng kể từ ngày 01/09/2012 đến ngày 30/09/2013. Sau khi hợp đồng này hết hạn, ông Bảo và khách sạn ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn số 434/2013. Ngày 14/02/2014, ông Bảo được bổ nhiệm là Trưởng bộ phận lễ tân.
Ngày 12/02/2015, Ban giám đốc triển khai công tác phục vụ kinh doanh Tết. Do ngày 14/02/2015 là ngày lễ tình nhân trùng vào ngày 01 tết âm lịch, nên Giám đốc yêu cầu ban giám đốc và các trưởng phòng phải đi làm đầy đủ. Tất cả đều đồng ý, riêng ông Bảo không đồng ý vì lý do việc gia đình. Giám đốc đã động viên, giải thích và không giải quyết cho ông Bảo vắng mặt. Nhưng ông Bảo đã bỏ họp, tự ý ra về không xin phép. Sau đó ông Bảo không quay lại làm việc và cũng không thông báo lý do cho Khách sạn. Bộ phận an ninh tại Khách sạn đã lập biên bản sự việc.
Ngày 15/03/2015 Khách sạn ĐK có mời ông Bảo đến để giải quyết thủ tục nghỉ việc. Tại buổi làm việc này, hai bên chỉ giải quyết vấn đề cho ông Bảo nghỉ việc và các vấn đề liên quan khác nhưng không lập biên bản ghi nhận sự việc. Sau buổi làm việc này, ngày 30/03/2015 ông Bảo đã nộp đơn xin nghỉ việc.
Ngày 06/04/2015, Khách sạn ĐK mời ông Bảo đến để giải quyết đơn xin nghỉ việc của ông Bảo. Lần mời này ông Bảo không đến nhưng Khách sạn ĐK cũng không lập biên bản ghi nhận ông Bảo vắng mặt.
Ngày 12/04/2015 Khách sạn có mời ông Bảo đến để xem xét kỷ luật ông Bảo về hành vi tự ý bỏ việc. Ông Bảo có đến theo giấy mời nhưng các bên không lập biên bản. Tại buổi làm việc này Khách sạn ĐK chỉ yêu cầu ông Bảo nghỉ việc thì trả lại cho Khách sạn các khoản tiền còn thiếu là tiền tạm ứng làm thẻ visa và tiền chi phí đào tạo lớp học CEP, nhưng ông Bảo không đồng ý trả các khoản tiền này nên sự việc chưa được giải quyết.
Ngày 18/05/2015, Khách sạn tiếp tục gửi giấy mời ông Bảo đến tham dự phiên họp xử lý kỷ luật vào ngày 24/06/2015. Lần này ông Bảo vắng mặt nên Khách sạn đã tiến hành xử lý kỷ luật vắng mặt ông Bảo. Tại phiên họp, Giám đốc khách sạn đã ra Quyết định số 167/2015/QĐKL-ĐK về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông Bảo với hình thức sa thải vì ông Bảo tự ý bỏ việc quá 05 ngày cộng dồn trong một tháng.
Hỏi:
A – Quyết định bổ nhiệm ông Bảo làm trưởng bộ phận lễ tân có đúng quy định của pháp luật không? Tại sao?
B – Việc Khách sạn yêu cầu ông Bảo đi làm vào ngày 14/02/2015 (mùng 1 tết âm lịch), ông Bảo có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh này không? Tại sao?
C – Việc xử lý kỷ luật của Khách sạn đối với ông Bảo là đúng hay sai? Hậu quả của Quyết định kỷ luật này được giải quyết như thế nào?
D – Nếu không đồng ý với quyết định sai thải, ông Bảo có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức nào giải quyết tranh chấp trên?./.
12. Đề thi môn Luật Lao động số 12
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Quan hệ giữa nhân viên và trưởng phòng tại một doanh nghiệp là quan hệ lao động cá nhân do luật lao động điều chỉnh.
2 – Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì phải giao kết hợp đồng lao động.
3 – Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động.làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động.
4 – Người lao động đi làm vào ngày lễ thì được trả ít nhất 400% lương.
5 – Tranh chấp về việc toàn bộ công nhân của một phân xưởng yêu cầu Giám đốc công ty hủy bỏ quyết định sa thải đối với Phân xưởng trưởng là tranh chấp lao động tập thể.
Bài tập
Ông Nguyễn Thành được Công ty LA tuyển vào làm nhân viên kế toán từ ngày 01/04/2012 với thời gian thử việc 01 tháng. Hết thời gian thử việc, Công ty chính thức ký hợp đồng lao động với ông từ ngày 01/05/2012, thời hạn 1 năm. Đến ngày 01/05/2013 ông được tái ký hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm. Ngày 12/04/2014 Công ty ra quyết định bổ nhiệm và bố trí ông làm Phó phòng tài chính kế toán của Công ty.
Ngày 30/03/2015 Công ty ra quyết định số 105/QĐ-LV thanh lý hợp đồng lao động đối với 89 nhân viên (trong đó có ông Thanh) kể từ ngày 01/05/2015 với lý do tái cơ cấu doanh nghiệp. Thực tế, Công ty đã sáp nhập phòng tài chính kế toán và Phòng hành chính tổng hợp, đồng thời sắp xếp lại nhân sự ở một số phòng ban khác dẫn đến dôi dư 89 nhân viên. Vì Công ty chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở nên công ty không thực hiện được phương án sử dụng lao động mà thay vào đó, công ty đã triệu tập toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Công ty để giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến quyết định số 105/ADD-LV. Ngày 11/04/2015 Công ty ra quyết định số 206-3/QĐ-LV chấm dứt hợp đồng lao động với ông Thanh và những người lao động dôi dư kể từ ngày 01/05/2015.
Ông Thanh cho rằng Công ty đã cho ông thôi việc không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định. Ngày 15/11/2015. Ông làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty nhận ông trở lại làm việc, bồi thường lương những ngày ông không được làm việc từ ngày 01/05/2015 cho đến khi Công ty nhận ông trở lại làm việc cộng với 02 tháng lương theo quy định của pháp luật.
1 – Theo bạn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên không? Tại sao?
2 – Nếu là thẩm phán được phân công giải quyết tranh chấp trên, bạn sẽ giải quyết các yêu cầu của ông Thanh như thế nào?
3 – Bạn có nhận xét gì về các quy định của pháp luật lao động được áp dụng để giải quyết tranh chấp trên./.
13. Đề thi môn Luật Lao động số 13
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Thời gian làm việc của người lao động vượt quá 8 giờ/ngày được tính là thời gian làm thêm.
2 – Quan hệ lao động cá nhân chỉ có một cơ sở phát sinh duy nhất là hợp đồng lao động.
3 – Hội đồng trọng tài lao động chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Lý thuyết
Hãy phân tích thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động của doanh nghiệp? Ý nghĩa của việc ký kết thỏa ước lao động tập thể và ban hành nội quy lao động?
Bài tập
Ngày 01/04/2015 bà Thủy vào làm việc tại Công ty Khương Nam tại bộ phận nhân sự, thời gian thử việc là 02 tháng. Sau hai tháng thử việc, bà Thủy được Công ty Khang Nam nhận vào làm việc chính thức với chức vụ là nhân viên nhân sự, hợp đồng lao động là 12 tháng (kể từ ngày 01/06/2015 đến ngày 31/05/2016) với mức lương chính là 2.200.000 đồng x 2.34 = 5.148.000 đồng/tháng, khoản tiền lương ngoài lương chính là 2.500.000 đồng/tháng.
Tổng cộng mỗi tháng bà Thủy được lĩnh là 7.648.000 đồng.
Sau khi ký hợp đồng lao động, do kỹ năng sử dụng vi tính văn phòng quá kém nên công ty Khang Nam đã ra quyết định số 10/15/QĐTV-KN để cho thôi việc đối với bà Thủy kể từ ngày 27/07/2015. Bà Thủy sẽ được Công ty trợ cấp một tháng lương người lương thực tế bà Thủy nhận được cho thời gian làm việc tại Công ty.
Trên thực tế ngày 31/07/2015 bà Thủy đã ký nhận số tiền trên (tương ứng hai tháng lương). Sau đó, bà Thủy nhận thấy quyết định cho thôi việc của Công ty là trái pháp luật nên khởi kiện yêu cầu Công ty phải trả cho bà tiền lương tương ứng với những ngày không được làm việc từ ngày 27/07/2015 đến 10/12/2015.
Hỏi:
1 – Yêu cầu của bà Thủy có được chấp nhận không? Xác định cụ thể quyền lợi mà người lao động có thể được hưởng?
2 – Giả sử công ty có căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 38 BLLĐ. Giữa bà Thủy và công ty thỏa thuận rằng bà Thủy sẽ được công ty trả tiền thay cho việc báo trước thì thỏa thuận đó có được chấp nhận không? Tại sao?./.
14. Đề thi môn Luật Lao động số 14
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Chỉ có người sử dụng lao động mới có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động.
2 – Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động thời quan hệ lao động chấm dứt.
3 – Khi việc sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả và người lao động hoàn thành tốt công việc được giao thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thưởng cho người lao động.
Lý thuyết
Hãy phân biệt giữa thương lượng tập thể với đối thoại tại nơi làm việc? Ý nghĩa của đối thoại tại nơi làm việc đối với quan hệ lao động?
Bài tập
Ngày 01/03/2003 bà Ngô Thị Quy và Công ty TNHH Hymon SG ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công việc của bà Quy là công nhân sản xuất, mức lương 1.000.000 đồng/tháng.
Tháng 06/2015 bà Quy nộp đơn xin nghỉ việc, thời gian báo trước từ ngày 03/06/2015, thời hạn chấm dứt hợp đồng là 18/07/2015.
Trong thời gian báo trước, bà Quy vẫn đi làm đầy đủ, tiền lương của bà từ tháng 01/2015 đến khi chấm dứt quan hệ lao động là 8.200.000 đồng/tháng.
Ngày 18/07/2015 Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Quy nhưng không tống đạt quyết định cho bà. Do vậy, bà Q vẫn tiếp tục đi làm tại Công ty đến ngày 09/08/2015.
Công ty cho rằng bà vẫn muốn tiếp tục làm việc nên yêu cầu bà ký hợp đồng lao động khác với mức lương 8.500.000 đồng/tháng, bà Q không đồng ý nên Công ty lại ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Quy ngày 9/08/2015 với lý do bà Quy tự ý chấm dứt hợp đồng lao động vi phạm thời hạn báo trước và buộc bà Q phải bồi thường cho Công ty 45 ngày lương.
Không đồng ý với Quyết định cho thôi việc của Công ty, bà Quy khởi kiện yêu cầu:
1 – Công ty phải trả tiền trợ cấp thôi việc đối với toàn bộ khoảng thời gian bà làm việc tại Công ty.
2 – Bồi thường thiệt hại do Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với bà.
3 – Bà không yêu cầu Công ty phải nhận bà trở lại làm việc.
Công ty không đồng ý với yêu cầu của bà Quy. Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành hãy cho biết:
A – Quyết định chấm dứt quan hệ lao động của Công ty có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?
B – Xác định các quyền lợi mà bà Quy có thể được hưởng khi chấm dứt quan hệ lao động?./.
15. Đề thi môn Luật Lao động số 15
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Luật Lao động chỉ điều chỉnh các quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
2 – Người lao động được đi học bằng kinh phí của người sử dụng lao động, nếu vi phạm cam kết về thời gian làm việc cho người sử dụng lao động thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo.
3 – Người lao động vào làm việc sau khi thỏa ước đã được ký kết thì không phải tuân theo thỏa ước.
Lý thuyết
Anh chị hãy chứng minh nhận định sau đây: Nội quy lao động là nguồn bổ sung của luật lao động.
Bài tập
Chị A làm việc cho công ty X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 01/12/2014. Trong hợp đồng có thỏa thuận các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động sẽ do công ty đóng.
Ngày 05/11/2013, Giám đốc công ty và Đại diện ban chấp hành công ty đã ký được Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn 03 năm, trong đó có các nội dung sau:
1 – Hàng tháng, Công ty sẽ trích từ quỹ lương của công ty và trích từ lương của người lao động các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật.
2 – Công ty có quyền yêu cầu Người lao động nghỉ hàng năm vào thời điểm công ty không sắp xếp được công việc vì những lý do khách quan. Người lao động đi nghỉ hàng năm trong trường hợp thăm thân nhân: bố, mẹ (cả bên vợ, bên chồng), vợ hoặc chồng, con thì công ty sẽ thanh toán tiền lương và tiền tàu xe trong những ngày đi đường, nhưng chỉ được thanh toán 01 lần trong năm.
Hỏi:
A – Anh chị có nhận xét gì về các nội dung của Thỏa ước lao động tập thể nói trên?
B – Sau khi thỏa ước có hiệu lực, thì nội dung về bảo hiểm xã hội trong trường hợp lao động của chị A được thực hiện như thế nào?./.
16. Đề thi môn Luật Lao động số 16
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Các bên chỉ có thể giao kết tối đa hai lần hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn 12 tháng.
2 – Trọng tài lao động chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
3 – Chỉ có Ban chấp hành công đoàn cơ sở mới có thể đại diện cho tập thể lao động trong thương lượng tập thể ở phạm vi doanh nghiệp.
Lý thuyết
Nguyên tắc bảo vệ người lao động thể hiện như thế nào trong chế định hợp đồng lao động.
Bài tập
Ngày 01/06/2007 giữa bà Đoàn Thị Cẩm Thanh và Công ty TNHH MTV DHS (Gọi tắt là Công ty DHS) do ông Sean Francis Martin là đại diện theo pháp luật đã ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 09/DHS/2007.
Chức vụ: Quản lý Công ty.
Mức lương: 9.000.000 đồng/tháng, phụ cấp 480.000 đồng/tháng, tiền thưởng cuối năm là 01 tháng lương. Do trong quá trình làm việc có những mâu thuẫn phát sinh nên ngày 27/11/2014, bà Thanh đã gửi thư điện tử với nội dung: “Tôi thôi việc kể từ ngày hôm nay, yêu cầu được nhận tất cả các khoản trợ cấp trong những năm làm việc và được nghỉ việc sớm nhất có thể” do ông Sean thông qua địa chỉ email của ông Sean (thời điểm này ông Sean đang ở Canada).
Ngày 01/12/2014, bà Thanh gửi thư cho ông Sean thông địa chỉ email của ông Sean, ngoài ra bà còn gửi trực tiếp tại Công ty và gửi theo đường bưu điện để đề nghị rút đơn xin thôi việc.
Tuy nhiên, ngày 02/12/2014 khi bà Thanh trở lại Công ty DHS để làm việc thì bà bị bảo vệ ngăn cản với lý do đã xin thôi việc và Công ty ban hành Quyết định thôi việc ngày 30/11/2014 do bà Võ Thị Thùy Dương ký (theo sự ủy quyền của ông Sean) và gửi đến bà Thanh. Bà Thanh đã gửi thư đến ông Sean và Công ty để yêu cầu được tiếp tục làm việc lại nhưng vẫn không được giải quyết.
Theo bà Thanh, việc công ty DHS ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngày 30/11/2014 với bà là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Công ty DHS thì cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Thanh là sự thỏa thuận có sự đồng ý của cả hai bên, nên Công ty xác định không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với và Thanh, đồng thời đã chi trả mọi quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật cho bà Thanh nên Công ty không đồng ý bất kỳ yêu cầu nào của bà Thanh.
(Trích Bản án số 636/2014/LĐ-PT ngày 14/05/2014 của Tòa án nhân dân thành phố H)
Hỏi:
A – Hãy đưa ra những lập luận để bảo vệ cho bên nguyên đơn hoặc bị đơn.
B – Theo anh chị tranh chấp trên sẽ được giải quyết như thế nào?
17. Đề thi môn Luật Lao động số 17
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Trong mọi trường hợp, khi bị NSDLĐ trả lương không đúng thời hạn theo hợp đồng, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2 – Khi khấu trừ tiền lương của NLĐ, NSDLĐ phải trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
3 – Người lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước không được đình công.
Lý thuyết
Anh chị hãy so sánh trách nhiệm vật chất trong pháp luật lao động với trách nhiệm vật chất trong pháp luật dân sự.
Bài tập
Ông Nguyễn Văn Đắc ký HĐLĐ với Công ty TNHH vận tải biển Hải Tiên ( Gọi tắt là Công ty Hải Tiên) với thời hạn 06 tháng từ ngày 10/11/2011 đến ngày 11/05/2012 để thuê ông làm thuyền trưởng với mức lương 40.000.000 đồng/tháng. Khi tàu còn ở Thái Lan ông nhận được lệnh điều động của giám đốc bàn giao tàu và trở về công ty nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 15/02/2012 ông trở về Việt Nam và có đến công ty nhiều lần nhưng không gặp được giám đốc và công ty cũng không bố trí việc làm khác cho ông vì lý do trong thời gian làm việc ông Đắc đã có nhiều sai phạm như: để tàu xả nước thải bẩn ra cảng tại Bangkok – Thái Lan, tàu bị phạt 1.500USD; không vệ sinh tàu trong khi neo đậu bị chủ hàng bắt công ty làm vệ sinh dẫn đến kéo dài thời gian neo tàu chủ hàng từ chối trả chi phí 13.200USD… Tuy nhiên, công ty không lập biên bản, không yêu cầu ông Đắc làm bản tường trình và không tiến hành xử lý kỷ luật ông Đắc.
Do những sai phạm trên của ông Đắc vào ngày 20/02/2012 công ty đã ra quyết định số 04/2012 buộc ông Đắc thôi việc từ ngày 20/02/2012 và yêu cầu ông bồi thường thiệt hại. Sau khi ban hành quyết định này, công ty không gửi cho ông Đắc nhưng đại diện của Công ty có thừa nhận quyết định buộc thôi việc này có giá trị pháp lý vì ông Đắc có sai phạm nên công ty cho nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng.
Cho rằng quyết định thôi việc của công ty Hải Tiên là trái pháp luật, ông Đắc đã nộp đơn ra Tòa án yêu cầu công ty phải trả tiền lương còn thiếu trong thời gian làm việc từ ngày 10/11/2011 đến ngày 14/02/2012 là: 57.500.000 đồng (3 ngày 3 ngày vì Công ty mới chỉ trả cho ông 69.000.000 đồng); bồi thường tiền lương của những ngày tháng còn lại theo hợp đồng mà công ty chưa bố trí công việc là: 115.000.000 (2 tháng 27 ngày).
Hỏi:
1 – Quyết định buộc thôi việc số 04/2012 của công ty có đúng quy định pháp luật không? Giải thích và nêu cơ sở pháp lý?
2 – Yêu cầu về đòi bồi thường về tiền lương của ông Đắc có được công ty chấp nhận chi trả không? Tại sao?./.
18. Đề thi môn Luật Lao động số 18
Lý thuyết
1 – Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động?
2 – Mỗi khẳng định sau đây đúng hay sai? Tại sao?
a – Hợp đồng lao động chấm dứt khi người sử dụng lao động chết.
b – Khi xử lý kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động bắt buộc phải tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn.
c – Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Bài tập
Trần B làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại công ty Y từ năm 2005. Ngày 15/12/2014, Trần B gửi đơn xin thôi việc tới Giám đốc công ty Y với lý do: Công ty trả lương cho anh quá thấp, không đảm bảo đời sống cho bản thân anh. Vì vậy anh xin chấm dứt hợp đồng lao động để đi làm việc ở nơi khác.
Giám đốc công ty Y cho rằng: lý do xin thôi việc của anh B không chính đáng nên đã không chấp nhận và hứa sẽ tăng 15% lương cho anh kể từ ngày 01/3/2015.
Ngày 10/1/2015, Giám đốc công ty Y nhận được thông báo của Trần B với nội dung anh B sẽ chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 25/02/2015.
Hỏi:
1 – Việc chấm dứt hợp đồng lao động của Trần B đúng hay sai? Tại sao?
2 – Nếu tranh chấp giữa công ty Y và anh Trần B xảy ra thì cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết?
3 – Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, anh chị hãy giải quyết quyền lợi cho anh Trần B?
Lưu ý: Sinh viên được sử dụng văn bản pháp luật.
19. Đề thi môn Luật Lao động số 19
Nhận định
Công ty T.H có trụ sở tại TP. Vũng Tàu và hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động. Hãy cho biết các nhận định sau đây liên quan đến các quan hệ lao động tại Công ty này là đúng hay sai? Vì sao?
1 – Tháng 11/2016, tiền lương của người lao động đang làm việc cho Công ty này ít nhất bằng 3.500.000 đồng/tháng.
2 – Công ty T.H có quyền điều chuyển, sử dụng người lao động đã ký hợp đồng lao động với mình.
3 – Thương lượng tập thể tại Công ty T.H phải được tiến hành 03 tháng một lần.
4 – Tranh chấp lao động giữa tập thể lao động với Công ty T.H về chế độ tiền thưởng phải được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động.
Tự luận
Sinh viên không viết quá 400 từ
Theo anh chị, để việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp diễn ra thực chất hơn, quy định pháp luật hiện hành về tổ chức công đoàn cần sửa đổi, bổ sung như thế nào?
Bài tập
Ông Phạm Bảo Quân làm việc tại Công ty B.T (có quy mô hơn 80 lao động) kể từ ngày 01/9/2001 với hợp đồng lao động có thời hạn đến hết ngày 01/11/2003, công việc phải làm là lập trình viên và tiền lương là 5.200.000 đồng/tháng. Hết thời hạn của hợp đồng, hai bên không ký kết hợp đồng mới, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty với công việc là trưởng phòng kiểm soát và phát triển công nghệ thông tin. Mức lương của ông Quân từ ngày 01/01/2014 là 12.800.000 đồng/tháng và các khoản hỗ trợ khác là 2.600.000 đồng/tháng.
Đến cuối năm 2015, ông bị bệnh lao phổi phải chữa trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và có làm đơn xin phép công ty cho nghỉ bệnh không hưởng lương trong thời gian 06 tháng kể từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2015, nhưng đến 01/6/2015 do sức khỏe chưa hồi phục nên ông làm đơn xin nghỉ tiếp và được công ty đồng ý. Tháng 7/2015, Công ty thông báo cho ông vào để ký biên bản họp kỷ luật lao động, nhưng ông không đồng ý ký. Đến ngày 03/8/2015, ông nhận được quyết định sa thải ông với lý do: không có năng lực quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Công ty. Nay ông yêu cầu Công ty phải hủy bỏ quyết định sa thải trái pháp luật, thay thế bằng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc Công ty phải hủy quyết định sa thải và buộc Công ty phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
1 – Bạn đánh giá như thế nào về quyết định trên đây của Tòa án cấp sơ thẩm?
2 – Hãy giải quyết các quyền, lợi ích mà ông Quân nhận được? Biết rằng: ngày 20/8/2016, Công ty đã ban hành lại quyết định chám dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; ông Quân đã được Công ty đóng tất cả các chế độ bảo hiểm theo đúng quy định.
20. Đề thi môn Luật Lao động số 20
Nhận định
Nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Cá nhân là công chức, viên chức nhà nước mới được bổ nhiệm làm hòa giải viên lao động.
2 – Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn lãnh đạo.
3 – Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu và người lao động cao tuổi không đủ sức khỏe thì quan hệ lao động chấm dứt.
Lý thuyết
So sánh vai trò của thỏa ước lao động tập thể với nội quy, quy chế của doanh nghiệp?
Bài tập
Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa:
Nguyên đơn: Bà Ngô Thị Thúy Na, sinh năm 1977
Bị đơn: Công ty TNHH A-Sonic Logistics (Việt Nam)
Công ty TNHH A-Sonic Logistics (Việt Nam) mời bà Ngô Thị Thúy Na vào làm việc tại Công ty với chức vụ là kế toán trưởng. Thời gian thử việc là 2 tháng tính từ 19/6/2013, tổng mức lương là 28.500.000 đồng, thời giờ làm việc là 44 giờ/tuần. Đến 19/8/2013 hai bên ký hợp đồng lao động thời hạn là 12 tháng (từ ngày 19/8/2013 đến 19/82014) và bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội, mức lương và Na được hưởng là 33.301.667 đồng, sau khi khấu trừ các khoản thuế, đóng bảo hiểm bà Na được nhận lương 28.500.000 đồng. Trong thời gian làm việc bà Na thường đi muộn và không hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi nhắc nhở nhiều lần bà Na vẫn không sửa chữa khuyết điểm của mình, lãnh đạo Công ty đã thông báo cho bà Na biết sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với bà Na sau 30 ngày. Đúng 30 ngày theo thông báo nêu trên công ty đã làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với bà Na. Quyết định thôi việc do ông Say Guan (Tổng Giám đốc – Đại diện theo pháp luật của công ty) ký ngày 16/3/2014 với nội dung công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà Na kể từ ngày 16/3/2014, lúc này bà Na đang mang thai 7 tháng, bà Na sanh con vào ngày 10/5/2014. Bà Na cho rằng mình bị cho thôi việc trái pháp luật nên yêu cầu công ty phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
Trả tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 17/3/2014 cho đến ngày 19/11/2014.
Bồi thường 3 tháng lương do công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Trợ cấp thôi việc: 1.5 tháng lương.
Hỏi:
1 – Quyết định cho thôi việc của Công ty TNHH A-Sonic Logistics (Việt Nam) đối với bà Ngô Thị Thúy Na có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành không? Vì sao?
2 – Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, anh chị hãy cho biết yêu cầu của bà Na có cơ sở để chấp nhận không? Tại sao?
21. Đề thi môn Luật Lao động số 21
Nhận định
Nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn và nêu rõ cơ sở pháp lý?
1 – Luật lao động không điều chỉnh quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở.
2 – Người lao động là công chức nhà nước thì không áp dụng các quy định của Luật Lao động.
3 – Người lao động đi làm vào ngày nghỉ bù lễ thì được trả lương như đi làm vào ngày lễ.
4 – Người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với người lao động nữ trong thời gian mang thai.
5 – Tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc chia cổ tức tại Công ty là tranh chấp lao động cá nhân.
Bài tập
Sau khi thử việc 2 tháng. Bà Trần Thị Bé và Công ty TNHH May Tấn Phát (sau đây gọi tắt là “Công ty” ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng (từ ngày 01/02/2014 đến 31/01/2015). Trong hợp đồng có một số nội dung cơ bản sau: công việc phải làm là công nhân may, mức lương cơ bản là 4.100.000 đồng/tháng, tiền cơm trưa là 250.000 đồng/tháng, tiền xăng xe là 120.000 đồng/tháng… Bà được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kể từ khi ký hợp đồng lao động chính thức. Hết thời hạn lao động này, bà vẫn tiếp tục làm việc nhưng bà và Công ty không ký hợp đồng lao động mới.
Vào tháng 8/2016, Công ty thường tổ chức làm thêm vào ban đêm. Do sức khỏe không được tốt nên bà B không đồng ý đi làm thêm. Để bảo đảm tiến độ sản xuất của bộ phận may, Công ty đã chuyển bà B sang làm việc tại bộ phận đóng gói thành phẩm 02 tháng.
Ngày 27/8/2016, bà B làm đơn đề nghị Công ty thanh lý hợp đồng với lý do công việc mới không phù hợp với chuyên môn của bà, nhưng Công ty yêu cầu bà phải thông báo trước 45 ngày thì mới được nghỉ.
Hỏi:
1 – Thỏa thuận thử việc giữa Công ty và bà Bé có đúng pháp luật không? Tại sao?
2 – Việc bà B không đi làm thêm giờ theo kế hoạch tổ chức làm thêm giờ của Công ty có đúng pháp luật không? Tại sao?
3 – Việc Công ty điều chuyển bà B sang làm việc ở bộ phận đóng gói thành phẩm 02 tháng có đúng pháp luật không? Tại sao?
4 – Việc Công ty yêu cầu bà B thông báo trước 45 ngày mới được nghỉ việc có đúng pháp luật không? Tại sao?
5 – Nếu bà Bé làm theo yêu cầu của Công ty là báo trước 45 ngày rồi nghỉ việc thì Công ty phải trả các chế độ gì cho bà?
22. Đề thi môn Luật Lao động số 22
Nhận định
Công ty Y có trụ sở tại TPHCM và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hãy cho biết các nhận định sau đây liên quan đến các quan hệ lao động tại Công ty này là đúng hay sai? Vì sao
1 – Bên cạnh hợp đồng lao động, Công ty Y có thể được sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo nhiều hình thức khác.
2 – Công ty Y không thể điều chuyển người lao động nữ sang làm công việc khác nếu chưa lấy ý kiến của tổ chức công đoàn.
3 – Tranh chấp về việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa 11 người lao động với Công ty Y có thể được giải quyết bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.
4 – Người lao động làm việc theo ca từ 14 giờ đến 22 giờ được nghỉ giữa ca ít nhất là 30 phút và nghỉ giải lao ít nhất là 05 phút.
Lý thuyết
Sinh viên không được viết quá 400 từ
Hãy đưa ra những luận điểm để làm sáng tỏ nhận định: “Nhà nước cần phải sửa đổi các quy định pháp luật về các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ và thẩm quyền xử lý hợp đồng lao động vô hiệu trong Bộ luật Lao động năm 2012”.
Bài tập
Ngày 01/7/2013, ông Kha làm việc tại công ty Taicera Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh với hợp đồng lao động được ký kết là 6 tháng. Sau đó, liên tiếp ký 3 hợp đồng, thời hạn mỗi hợp đồng là 01 năm. Hợp đồng sau cùng được ký vào ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016, công việc là nhân viên bảo vệ, mức lương chính là 3.073.800 đồng/ tháng và tiền cơm mỗi ngày đi làm là 14.000 đồng.
Ngày 12/5/2016, trong giữa ca trực, người quản lý của Chi nhánh Công ty theo lệnh của Giám đốc chi nhánh yêu cầu ông Kha bàn giao ca trực và cùng ngày ông Kha nhận được quyết định điều động số 40D6.003 sang làm việc tại kho của Chi nhánh tại TP.HCM với công việc là bốc xếp kho. Ông Kha không đồng ý với quyết định điều động trên và đã viết đơn đến các cơ quan chức năng. Ngày 23/5/2016, công ty Taicera Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định sa thải số 01/CV-06 ngày 23/5/2016 sa thải ông Kha với lý do “Không thực hiện điều động, tự ý bỏ việc kể từ ngày 13/5/2016 đến ngày 23/5/2016”. Tháng 01/2017, tranh chấp giữa các bên sẽ được giải quyết bởi Tòa án.
1 – Quan điểm của bạn về việc giao kết các hợp đồng lao động nêu trên?
2 – Lý do mà công ty Taicera Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra để sa thải ông Kha là đúng hay trái pháp luật?
3 – Các yêu cầu sau đây của ông Kha được giải quyết như thế nào nếu việc sa thải trái pháp luật:
Nhận ông trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký ngày 01/01/2016;
Trả tiền lương của những ngày không được làm việc kể từ ngày 12/5/2016 đến khi được nhận lại làm việc và tiền thưởng các ngày lễ tết (2/9/2016, 01/01/2017).
Tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày của các ngày 29/4/2016 (4 giờ) và 30/4/2016 (8 giờ). Theo bản chấm công của Công ty, tháng 4/2016 ông đi làm đủ 26 ngày theo quy định.
23. Đề thi môn Luật Lao động số 23
Nhận định
Những nhận định sau đây đúng hay sai?. Giải thích ngắn gọn tại sao?.
1 – Khi người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ ba tháng tiền lương của người lao động.
2 – Chỉ có hợp đồng lao động mới là cơ sở phát sinh quan hệ lao động.
3 – Các bên chỉ được giao kết tối đa hai lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
4 – Người lao động làm việc không đúng thời gian cam kết trong hợp đồng đào tạo nghề thì phải hoàn trả chi phí đào tạo.
Lý thuyết
Hãy phân tích các nguyên nhân dẫn đến đình công?. Từ thực trạng đình công hiện nay, anh chị hãy nêu các biện pháp để phòng ngừa và hạn chế đình công?.
Bài tập
Ngày 01/9/2001, ông Lê Viết Thanh vào làm việc tại Phòng khám GĐ Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là phòng khám) với vị trí điều dưỡng theo hợp đồng lao động xác định thời hạn đến ngày 31/12/2002.
Ngày 01/01/2003, hai bên ký tiếp hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng cũng với vị trí điều dưỡng. Hết hạn hợp đồng ông Thanh tiếp tục làm việc tại phòng khám đến ngày 01/01/2009 thì ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Ngày 09/10/2016, phòng khám đã thông báo tạm đình chỉ công việc của ông Thanh đến khi công an điều tra xong, trong thời gian này ông Thanh vẫn được hưởng nguyên lương, do ông Thanh có hành vi không đúng mực với khách hàng nữ người Nhật.
Phòng khám xét thấy hành động của ông Thanh gây thiệt hại nghiêm trọng đến danh tiếng của phòng khám trong cộng đồng người Nhật, do đó phòng khám đã thông báo và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Thanh từ ngày 21/01/2017.
Ông Thanh cho rằng phòng khám đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật.
Do đó, yêu cầu phòng khám phải có nghĩa vụ: Trả lương, phụ cấp trong thời gian không được làm việc từ tháng 01/2017 đến tháng 05/2017 (tức ngày xét xử sơ thẩm). Bồi thường hai tháng tiền lương và phụ cấp.
Trả tiền trợ cấp thôi việc từ 01/9/2001 đến 05/2017. Yêu cầu nhận ông Thanh trở lại làm việc. Nếu không đồng ý thì phải bồi thường thêm 02 tháng lương, phụ cấp.
Đại diện phòng khám xác định việc ông Thanh nghỉ việc là đúng luật nên không chấp nhận các yêu cầu của ông Thanh.
Ông Thanh đã đi làm việc cho nơi khác từ tháng 01/2017 và nhận lương ở đó nên phòng khám không đồng ý trả lương thời gian không được làm việc.
- Anh chị hãy tư vấn để ông Thanh bảo vệ quyền lợi của mình?
- Giả sử hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động ngày 01/5/2017, hãy giải quyết các quyền lợi của ông Thanh.
có đáp án các đề thi này không ạ
Hiện tại bên mình chưa cập nhật đáp án cho tài liệu bạn đề cập trên!