Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại là hành vi của người có thẩm quyền cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật đối với chất thải nguy hại; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
1. Căn cứ pháp lý
Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Điều 236 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
Điều 236. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
1. Người nào có thẩm quyền mà cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chất thải nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất thải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 5.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
b) Có tổ chức;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc trường hợp chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất thải phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy 10.000 kilôgam trở lên; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình the Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về quản lí chất thải nguy hại thì mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại xâm phạm đến các quy định của nhà nước về quản lý chất thải nguy hại.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại.
Các dấu hiệu khách quan khác:
Cũng như đối với các tội phạm về môi trường nói chung, bên cạnh yếu tố hành vi, nhà làm luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: tiêu chuẩn cho phép hoặc cấm đối với các loại chất thải. Một trong các tiêu chuẩn được sử dụng là Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Bên cạnh đó là các yếu tố định lượng đối với lượng chất thải thải ra.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, ngoài các dấu hiệu về năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của BLHS, chủ thể phải là người có thẩm quyền quản lý chất thải nguy hại.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
– Lỗi cố ý.
– Các dấu hiệu tăng nặng còn có thể là:
+ Có tổ chức
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
3. Hình phạt
– Khung cơ bản: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Khung tăng nặng:
+ Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
+ Khung tăng nặng thứ hai: phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.