Điều 186 Bộ luật Hình sự quy định, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
1. Căn cứ pháp lý
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm quyền được nuôi dưỡng của người khác, vi phạm trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại các điều từ Điều 107 đến Điều 120 Chương VII của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa:
– Vợ và chồng;
– Cha, mẹ và con;
– Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu;
– Anh chị em với nhau.
Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Trốn tránh là việc tìm mọi thủ đoạn để thoái thác, lảng tránh, tri hoãn việc cấp dưỡng hoặc đưa tiền cấp dưỡng rất không đáng kể so với mức cấp dưỡng được ấn định trong quyết định của Tòa án.
Hành vi từ chối thể hiện việc phù nhận một cách công khai, rõ ràng, không lẩn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể là sau thời hạn bao lâu mà hết thời hạn đó người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện việc cấp dưỡng toàn bộ hay định kỳ nhưng không thực hiện thì bị coi là trốn tránh hoặc từ chối cấp dưỡng.
Điều cần lưu ý là người phạm tội phải có khả năng thực tế để cấp dưỡng. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương. Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dường đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ như: ốm đau, bệnh tật…). Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này cần lưu ý, nếu đã có bản án, quyết định của Toà án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cùa mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cường chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 380 Bộ luật Hình sự về tội không chấp hành án.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đã thành niên.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
3. Hình phạt
Người phạm tội đăng ký kết hôn trái pháp luật có thể phải chịu hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.