Tội phạm là hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, có tính nguy hiểm cao nên cần có các biện pháp phòng chống. Vì thế nhà nước ở các thời kì lịch sử đã quy định trong pháp luật những hành vi nào là tội phạm cùng với một hệ thống hình phạt, và khi một tội phạm được thực hiện sẽ có cơ sở pháp lý để trừng phạt, răn đe. Mặt khác, để tất cả các tội phạm được thực hiện đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, nhà nước còn quy định các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xét xử tội phạm và cải tạo người phạm tội.
Nghiên cứu về tội phạm và phòng chống tội phạm ở khía cạnh pháp lý hình sự và có tính cưỡng chế này là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành khoa học pháp lý: khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự, khoa học cải tạo… Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả các tội phạm được thực hiện đều bị phát hiện, xử lý cũng như không phải bất kỳ người nào có ý định phạm tội cũng e ngại bị áp dụng hình phạt, vì thế tình hình tội phạm cũng như tái phạm tội vẫn tồn tại. Như vậy, công tác phòng chống tội phạm cần được mở rộng theo một hướng khác: hướng “ngăn ngừa” tội phạm.
Phòng ngừa kết hợp với phát hiện, xử lý tội phạm, trong đó lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm sẽ đảm bảo hơn việc đạt được mục tiêu hạn chế và loại trừ tội phạm ra khỏi xã hội. Nghiên cứu tội phạm và phòng chống tội phạm ở khía cạnh này là nhiệm vụ của một ngành khoa học, độc lập với các khoa học pháp lý khác, đó là tội phạm học.
Tội phạm học được xác định là đã ra đời từ giữa thế kỷ XVIII với những nghiên cứu của hai học giả có tinh thần cải cách là Cesare Beccaria (1738 – 1794) và Jeremy Bentham (1748 – 1832) mà ngày nay được biết đến với tên gọi Tội phạm học cổ điển (Classical Criminology). Tác phẩm kinh điển đánh dấu sự ra đời của tội phạm học cổ điển có tên là “Tội phạm và hình phạt” (“Dei delitti e delle pene”), Tiếng Anh: “On Crimes and Punishments”), xuất bản năm 1764 của Beccaria’. Cho đến năm 1885, giáo sư luật người Ý tên là Raffaele Garofalo lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Tội phạm học” (tiếng Ý: Criminologia) đặt tên cho tác phẩm của mình. Người thứ hai là nhà nhân chủng học Paul Topinard đã sử dụng thuật ngữ này lần đầu ở Pháp vào năm 1887 (tiếng Pháp: Criminologie). Thuật ngữ “Tội phạm học” đã nhanh chóng được chấp nhận trên toàn thế giới và trở thành môn học được giảng dạy tại nhiều trường đại học”.
Thuật ngữ “Tội phạm học” thích hợp với việc chỉ một khoa học (hay học thuyết) nghiên cứu về tội phạm. Nó có nguồn gốc từ tiếng La tinh: “Crimen”- có nghĩa là tội phạm và tiếng Hy Lạp: “Logos” – có nghĩa là học thuyết, lý luận. Ngày nay, tội phạm học phát triển thành một khoa học có tên tiếng Anh là “Criminology”, tiếng Đức là “Kriminologie”. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở mức độ giải thích trực tiếp ngữ nghĩa thì khó có thể nhận thức đầy đủ tinh thần của tội phạm học. Hơn nữa, khi định nghĩa chi tiết hơn về tội phạm học, quan điểm của các nhà nghiên cứu cũng không có sự thống nhất. Có thể chia thành ba nhóm:
Nhóm thứ nhất đưa ra định nghĩa khá khái quát về tội phạm học với sự nhấn mạnh một hoặc một số vấn đề cốt lõi thuộc đối tượng nghiên cứu của khoa học này, đó là tội phạm, nguyên nhân của tội phạm và biện pháp phòng chống tội phạm. Một số nhà tội phạm học nước ngoài đã định nghĩa như sau: “Tội phạm học là khoa học nghiên cứu về tội phạm”, hay “Tội phạm học là sự nghiên cứu về nguyên nhân của tội phạm”. Theo Tiến sỹ Can Ueda (Nhật Bản): “Tội phạm học là khoa học nghiên cứu tội phạm và đề ra các biện pháp đấu tranh phòng chống”. B. Nhóm thứ hai đã chỉ ra cụ thể hơn những vấn đề nghiên cứu của tội phạm học trong định nghĩa tội phạm học. Hai nhà tội phạm học Mỹ Edwin Sutherland và Donald Cressey quan niệm: “Tội phạm học là lĩnh vực tri thức về tội phạm như một hiện tượng xã hội. Phạm vi nghiên cứu của nó bao gồm các quá trình làm luật, sự vi phạm luật và sự phản ứng trước các vi phạm pháp luật... Mục tiêu của tội phạm học là phát triển một hệ thống các nguyên tắc chung đã được kiểm nghiệm và những tri thức khác về quá trình pháp luật này, tội phạm và xử lý (tội phạm)”. Trong một cuốn sách tội phạm học, các tác giả Adler, Mueller và Laufer cũng đưa ra định nghĩa tương tự: “Tội phạm học là khoa học nghiên cứu sự làm luật, sự vi phạm pháp luật và sự phản ứng xã hội đối với sự vi phạm pháp luật“.
Một số nhà nghiên cứu tội phạm học Việt Nam thường định nghĩa tội phạm học theo cách mô tả chi tiết những vấn đề nghiên cứu của tội phạm học. Đó là bốn vấn đề cơ bản: tình hình tội phạm tội phạm), nguyên nhân, điều kiện tình hình tội phạm (tội phạm), người phạm tội (nhân thân người phạm tội) và biện pháp (giải pháp) phòng ngừa tội phạm. Điển hình là định nghĩa tội phạm học của một số tác giả:
Tội phạm học là ngành khoa học nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tình trạng phạm tội và tội phạm, sự biến động của từng loại tội phạm trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương hay trong phạm vi toàn quốc ở từng giai đoạn nhất định; nghiên cứu về nhân thân người phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, và những biện pháp phòng ngừa tội phạm nhằm từng bước ngăn chặn, hạn chế tội phạm trong cuộc sống xã hội”.
“Tội phạm học là ngành khoa học nghiên cứu tội phạm, tình hình tội phạm, các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, nghiên cứu cá nhân kẻ phạm tội và những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nhằm ngăn chặn, tiến tới loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội”.
“Tội phạm học là ngành khoa học nghiên cứu tình hình tội phạm, các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, nhân thân người phạm tội và phương hướng cũng như các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm trong xã hội”.
Nhóm thứ ba, trước khi đề cập chi tiết đến những vấn đề thuộc đối tượng (hoặc khách thể) nghiên cứu của tội phạm học, đồng thời các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra tính chất của khoa học này, đó là khoa học xã hội, khoa học pháp lý hay khoa học đa ngành (liên ngành):
“Tội phạm học là ngành khoa học pháp lý – xã hội học nghiên cứu nguồn gốc, bản chất và các hình thức biểu hiện của tình hình tội phạm, các nguyên nhân, điều kiện và quy luật xuất hiện, tồn tại và thay đổi của tình hình tội phạm và các biểu hiện của nó; nhân thân người phạm tội, các biện pháp, phương pháp phòng ngừa và khắc phục tình hình tội phạm xảy ra trong xã hội”.
“Tội phạm học (Việt Nam) là khoa học pháp lý hình sự phi quy phạm, nghiên cứu các khách thể như tội phạm với tính cách là hành vi phạm tội và tình hình tội phạm; nhân thân người phạm tội; nạn nhân (bị hại) của tội phạm; thiệt hại của tội phạm cũng như những biện pháp phòng ngừa tội phạm vốn đang tồn tại trong xã hội và bản thân lịch sử phát triển của khoa học này nhằm tìm ra bản chất của hiện tượng phạm tội trong xã hội cũng như tìm ra nguyên nhân phát sinh và biến đổi của hiện tượng này vì mục đích phòng ngừa và đẩy lùi tội phạm khỏi đời sống tội phạm”.
“Tội phạm học là ngành khoa học xã hội đa ngành nghiên cứu về tội phạm với tính chất là hiện tượng cá nhân và xã hội bao gồm tình hình tội phạm, nguyên nhân và hậu quả của tội phạm, phòng ngừa tội phạm, quy định của pháp luật, quy tắc của xã hội, phản ứng của chính phủ và xã hội đối với tội phạm để kiểm soát cũng như đẩy lùi tội phạm”?.
“Tội phạm học là khoa học liên ngành, thực nghiệm nghiên cứu về tội phạm (hiện thực), nguyên nhân của tội phạm và kiểm soát tội phạm”.
Như vậy, những định nghĩa khác nhau về tội phạm học cũng đã phản ánh khái quát khái niệm tội phạm học. Bên cạnh một số điểm chưa thống nhất, phần lớn các nhà khoa học đều thừa nhận: tội phạm (tình hình tội phạm), nguyên nhân (và điều kiện) của tội phạm (tình hình tội phạm), con người phạm tội (nhân người phạm tội) và biện pháp phòng ngừa tội phạm (và chống, phản ứng xã hội, kiểm soát tội phạm) là những vấn đề cơ bản thuộc đối tượng nghiên cứu của tội phạm học. Mặt khác, tính chất pháp lý, xã hội hay đa ngành, liên ngành, thực nghiệm của tội phạm học đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập nhưng chưa rõ. Trước hết, có thể khẳng định tội phạm học là ngành khoa học (độc lập) chứ không phải là lĩnh vực trị thức hay phân ngành (nhánh) của một khoa học lớn. Năm 1994, ở Việt Nam, tính chất pháp lý – xã hội học của tội phạm học đã được nêu ra trong định nghĩa tội phạm học. Thế nhưng những giáo trình, tài liệu chuyên khảo về tội phạm học được công bố sau đó không còn đề cập đến tính chất của tội phạm học. Có ý kiến cho rằng đây là “thiếu sót mà gốc rễ của nó nằm ở việc chưa thấy được sự khác nhau cơ bản giữa tội phạm học và các khoa học pháp lý hình sự khác”, đồng thời khẳng định “Tội phạm học là một khoa học pháp lý hình sự phi quy phạm…”. Ý kiến khác xem tội phạm học có tính chất “đa ngành”, “liên ngành” nhưng chưa cụ thể về giới hạn mối quan hệ liên ngành đó. Biết rằng, không phải ngành khoa học nào cũng liên quan đến tội phạm học và được tội phạm học nghiên cứu hoặc kế thừa. Tính chất pháp lý – xã hội học đã phản ánh đúng về tội phạm học Việt Nam. Tuy nhiên, để cho có nghĩa tổng quát và chính xác hơn, nên sửa lại là tính chất “xã hội – pháp lý của tội phạm học. Tội phạm học có liên quan mật thiết với các khoa học xã hội và các khoa học pháp lý. Tội phạm học không hoàn toàn là khoa học pháp lý hoặc xã hội học, mà nó vừa có tính chất pháp lý, vừa có tính xã hội. Tính chất liên ngành của tội phạm học chủ yếu trong phạm vi các khoa học pháp lý và các khoa học xã hội. Sự liên quan này bắt nguồn từ tính chất và mối quan hệ về đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu của tội phạm học với hai nhóm ngành khoa học trên.
Như vậy, tội phạm học là khoa học xã hội – pháp lý nghiên cứu về tình hình tội phạm, nguyên nhân và điều kiện tình hình tội phạm, nhân thân người phạm tội và các biện pháp phòng ngừa tội phạm.