Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư. Đăng ký hộ tịch trái pháp luật là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật.
1. Căn cứ pháp lý
Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật được quy định tại Điều 336 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
Điều 336. Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật
1. Người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên;
b) Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội đăng kí hộ tịch trái pháp luật thì mức phạt tù cao nhất lên đến 02 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật
2.1. Mặt khách thể
Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về hộ tịch do Nhà nước quy định thông qua hành vi vi phạm những quy định của Luật hộ tịch, xâm phạm trực tiếp việc thực hiện đăng ký hộ tịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.2. Mặt khách quan
– Hành vi vi phạm các quy định về đăng ký hộ tịch như:
+ Xác nhận vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch: khai sinh; khai tử; kết hôn; giám hộ; nhận cha mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch trái pháp luật;
+ Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trái pháp luật;
+ Ghi vào sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trái pháp luật.
– Cơ sở pháp lý để xác định hành vi vi phạm thuộc tội này là quy định của Luật hộ tịch. Những hành vi nêu trên chỉ bị coi là tội phạm khi đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
2.3. Mặt chủ quan
Là lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
2.4. Mặt chủ thể
Người có chức vụ quyền hành trong việc đăng ký hộ tịch tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
3. Về hình phạt
– Người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
– Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên;
– Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.