Tính hợp pháp và tính hợp lý là yêu cầu hết sức quan trọng đối với một quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tính hợp pháp là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế, còn tính hợp lý là yêu cầu của nghệ thuật quản lý.
1. Yêu cầu về tính hợp pháp của quyết định hành chính
Quyết định hành chính hợp pháp trước hết phải được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quyết định hành chính không trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên:
Quyết định hành chính có hiệu lực pháp lý thấp phải phù hợp với các quyết định có hiệu lực pháp lý cao hơn. Phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước ký kết, gia nhập.
Nội dung quyết định hành chính phải hài hòa, thống nhất với các quyết định hành chính có cùng hiệu lực pháp lý.
Các quyết định hành chính trong cùng một loại phải thống nhất với nhau.
Quyết định hành chính phải được ban hành đúng hình thức do pháp luật quy định: Đúng yêu cầu về tên loại, thể thức, bố cục của quyết định hành chính.
Quyết định hành chính cần được ban hành đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
2. Yêu cầu về tính hợp lý của quyết định hành chính
Một quyết định hành chính được xem là hợp lý khi nó phù hợp với thực tế cuộc sống, phù hợp với lẽ phải, với lẽ tự nhiên, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng và mục đích quản lý. Tính hợp lý của quyết định hành chính phải đảm bảo các yêu cầu sau:
– Yêu cầu quyết định hành chính phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.
– Yêu cầu quyết định hành chính phải bảo đảm tính hệ thống, toàn diện. Tính hệ thống đòi hỏi không chỉ ở các biện pháp được đưa ra trong cùng một quyết định mà cả trong các quyết định liên quan đều phải phù hợp. Tính toàn diện nghĩa là nội dung của quyết định phải tính hết các đặc điểm của các ngành, lĩnh vực, các tác động trực tiếp và gián tiếp của quyết định, các mục tiêu trước mắt và lâu dài.
– Yêu cầu về ngôn ngữ của quyết định hành chính phải dễ hiểu, ngắn gọn, thể hiện nội dung một cách chính xác.
– Yêu cầu về tính kịp thời và khả thi của quyết định hành chính
Tóm lại, tính hợp pháp và hợp lý luôn gắn bó và bổ sung, hỗ trợ cho nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất mà nếu thiếu một trong các yêu cầu đó thì việc ban hành quyết định hành chính sẽ không đạt được mục đích. Tuy nhiên, tính hợp pháp không đồng nhất với tính hợp lý, trên thực tế, quyết định hành chính được ban hành chứa đựng tính hợp pháp nhưng chưa chắc chứa đựng tính hợp lý và ngược lại.