1. Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính là gì?
Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính là làm cho những quy định của pháp luật trở thành hoạt động thực tế của chủ thể pháp luật, tức là đưa pháp luật vào đời sống thực tiễn.
2. Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Có hai hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính cơ bản sau:
2.1. Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính
Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là việc cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi cá nhân triệt để làm theo yêu cầu của quy phạm pháp luật hành chính. Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính thể hiện dưới các dạng:
2.1.1. Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính
Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính là hình thức thực hiện quy phạm pháp luật mà trong đó các chủ thể kiềm chế không thực hiện những điều pháp luật ngăn cấm.
Ví dụ: Người điều khiển phương tiện giao thông không vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông đường bộ.
2.1.2. Thi hành quy phạm pháp luật hành chính
Thi hành quy phạm pháp luật hành chính là hình thức các chủ thể quan hệ pháp luật thực hiện nghĩa vụ một cách tích cực.
Ví dụ: Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.
2.1.3. Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính
Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính là hình thức thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép.
Ví dụ: Công dân có quyền khiếu nại.
2.2. Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật hiện hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là sự kiện pháp lý trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể.
Việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính trực tiếp liên quan tới việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ quản lý hành chính nhà nước. Do vậy, khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải đảm bảo những yêu cầu sau:
+ Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải đúng với nội dung, mục đích của quy phạm pháp luật hành chính, nếu sai nội dung là vi phạm pháp luật, sai mục đích thì không đạt được kết quả mong muốn.
+ Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải đúng trình tự theo quy định của pháp luật.
+ Áp dụng quy phạm pháp luật phải được tiến hành nhanh chóng trong thời hạn pháp luật quy định, phải trả lời công khai, chính thức kết quả giải quyết cho các đối tượng liên quan.
Ví dụ: Khi công dân khiếu nại lần đầu quyết định hành chính, cơ quan tiếp nhận đơn phải giải quyết trong vòng không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, nếu vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
+ Kết quả áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thể hiện bằng văn bản (trừ trường hợp có quy định khác).
+ Quyết định áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được đảm bảo thực hiện trong thực tế, nếu không được thực thi thì việc ban hành văn bản luật trở thành vô nghĩa.
2.3. Mối quan hệ giữa hoạt động chấp hành quy phạm pháp luật hành chính và áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính tạo điều kiện cho việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, ngược lại, việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính cũng tạo điều kiện cho việc thực hiện pháp luật.