Gia hạn giấy phép xây dựng/Cấp lại giấy phép xây dựng được thực hiện theo yêu cầu pháp luật tương ứng với từng đối tượng được áp dụng và phải được ghi lại trong giấy phép xây dựng.
1. Giấy phép xây dựng là gì?
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. (khoản 17 Điều 3 Luật xây dựng 2014)
2. Các loại giấy phép xây dựng
Theo quy định tại Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, giấy phép xây dựng bao gồm:
– Giấy phép xây dựng mới;
– Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
– Giấy phép di dời công trình;
– Giấy phép xây dựng có thời hạn.
3. Gia hạn giấy phép xây dựng
Trước thời điểm giấy phép xây dựng hết hiệu lực khởi công xây dựng, nếu công trình chưa được khởi công thì chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng. Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn tối đa 02 lần
Lưu ý: Thời gian gia hạn mỗi lần là 12 tháng. Khi hết thời gian gia hạn giấy phép xây dựng mà chưa khởi công xây dựng thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới.
– Hồ sơ gia hạn giấy phép xây dựng:
+ Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng;
+ Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;
– Thời hạn gia hạn giấy phép xây dựng được ghi trong giấy phép xây dựng được cấp.
– Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đã hết thời hạn tồn tại ghi trong giấy phép, nhưng quy hoạch chưa được thực hiện thì chủ sở hữu công trình hoặc người được giao sử dụng công trình đề nghị cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét gia hạn thời gian tồn tại cho đến khi quy hoạch được triển khai thực hiện. Thời hạn tồn tại công trình được ghi ngay vào giấy phép xây dựng có thời hạn đã được cấp.
4. Cấp lại giấy phép xây dựng
– Giấy phép xây dựng được cấp lại đối với các trường hợp bị rách, nát hoặc bị mất;
– Giấy phép xây dựng được cấp lại dưới hình thức bản sao;
– Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng gồm:
+ Đơn đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng, trong đó giải trình rõ lý do đề nghị cấp lại;
+ Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp (đối với trường hợp bị rách, nát).