Trọng tài Thương mại có nhiều ưu điểm: tính bảo mật, giải quyết nhanh chóng, và phán quyết của Trọng tài Thương mại có tính chung thẩm thì giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài Thương mại là sự lựa chọn của các bên. Việc thỏa thuận chọn Trọng tài Thương mại giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết để phát sinh thẩm quyền giải quyết của Trọng tài Thương mại. Bài viết này LawFirm.Vn sẽ chia sẻ quy định pháp luật hiện hành về thỏa thuận trọng tài.
1. Trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài (Arbitration); cụ thể hơn là trọng tài thương mại (Commercial Arbitration) là một phương thức giải quyết tranh chấp (có thể về kinh doanh, lao động, thương mại). Trọng tài do các bên thỏa thuận, có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án.
Theo Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp rất đơn giản, thủ tục linh hoạt, tiết kiệm thời gian. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai. Điều này giúp Doanh nghiệp giữ bí mật kinh doanh; tránh ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động động sản xuất.
2. Thỏa thuận trọng tài là gì?
Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là nền tảng cho giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nó là sự thống nhất của các bên nhằm đưa vụ tranh chấp ra trọng tài. Sự đồng thuận đóng vai trò lớn trong phương thức này.
Về mặt pháp lý, Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Thoả thuận trọng tài thể hiện ý chí; nguyện vọng; thể hiện quyển tự do của các bên trong việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, quyển tự do này cũng phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật. Khuôn khổ của pháp luật ở đây chính là những quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực; vô hiệu của thoả thuận trọng tài.
3. Đặc điểm của Thỏa thuận trọng tài
3.1. Đặc điểm chung
Thỏa thuận trọng tài là một thỏa thuận dân sự. Nghĩa là thỏa thuận này cần thể hiện sự thống nhất ý chí của các bên về việc đưa tranh chấp ra Trọng tài Thương mại. Thỏa thuận trọng tài được xác lập khi các bên đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
3.2. Hình thức thỏa thuận
Về hình thức thể hiện, thỏa thuận đưa tranh chấp ra trọng tài hầu hết được thể hiện bằng văn bản.
Việc thể hiện bằng văn bản giúp hạn chế các rủi ro cho các bên khi xảy ra tranh chấp. Văn bản sẽ có giá trị như chứng cứ cho việc xác định ý các các bên, mong muốn trong việc đưa tranh chấp ra Trọng tài.
Thực tế, pháp luật dân sự có cho phép hình thức thỏa thuận bằng lời nói. Tuy nhiên, hành vi này ít được sử dụng trên thực tế, vì chứa đựng nhiều rủi ro.
3.3. Cách thức thỏa thuận
Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, có hai loại thỏa thuận trọng tài cơ bản:
- điều khoản trọng tài;
- thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã phát sinh bằng trọng tài.
Điều khoản trọng tài là loại thỏa thuận thông dụng nhất. Thường được bao gồm trong thỏa thuận chính giữa các bên và là thỏa thuận sẽ đưa một tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai ra trọng tài. Còn thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã phát sinh là thỏa thuận đưa một tranh chấp đang tồn tại ra trọng tài.
3.4. Nội dung thỏa thuận
Về nội dung, thỏa thuận phải đảm bảo về tính rõ ràng; sự chính xác; đúng pháp luật. Điều này nhằm dễ dàng xác định được thẩm quyền xét xử của hội đồng trọng tài cụ thể.
3.5. Hiệu lực của thỏa thuận
Thỏa thuận có hiệu lực với hợp đồng; dù thỏa thuận được thể hiện dưới một điều khoản của hợp đồng; hoặc dưới hình thức văn bản riêng. Điều này cũng cho phép thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu dù văn bản chính vô hiệu.