1. Phân biệt công ty nước ngoài và công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Hiện nay, vẫn còn một số nhà đầu tư chưa nắm rõ được khái niệm và có sự nhầm lẫn giữa công ty nước ngoài và công ty có vốn đầu tư nước ngoài dẫn đến không xác định được hoặc xác định không đúng những chính sách pháp luật của Việt Nam áp dụng đối với từng loại hình doanh nghiệp.
Công ty nước ngoài là một loại hình tổ chức nước ngoài và được định nghĩa tại Khoản 32 Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“32. Tổ chức nước ngoài là tổ chức được thành lập ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài.
Mặt khác, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là một loại hình tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam dưới các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh và có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Từ đó có thể thấy hai loại hình công ty này có sự khác biệt lớn dựa trên pháp luật điều chỉnh quy trình thành lập của mỗi loại hình. Cụ thể, công ty nước ngoài được thành lập theo những thủ tục, quy trình theo quy định pháp luật nước ngoài, còn công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là công ty được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào giới thiệu về quy trình, thủ tục và chính sách pháp luật hiện hành với việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
2. Điều kiện để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cá nhân và tổ chức nước ngoài, được thành lập công ty tại Việt Nam theo quy định pháp luật, trước khi thành lập công ty, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật. Ngoài ra, nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế, trừ các trường hợp sau:
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc hai trường hợp trên thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài có được thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay không cũng sẽ phụ thuộc vào ngành nghề mà nhà đầu tư dự định kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn với ngành nghề kinh doanh hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhà đầu tư không được phép thành lập công ty có vốn nước ngoài để kinh hoạt động này vì pháp luật hiện hành quy định chỉ doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam mới được cấp phép hoạt động (theo Điều 6 Nghị định 38/2020/NĐ-CP). Hay với hoạt động kinh doanh dịch vụ sản xuất phim, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam để thành lập công ty và phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 51% vốn điều lệ của công ty (theo điểm a Phân ngành D. Dịch vụ nghe nhìn, Mục 2. Các dịch vụ thông tin, Cam kết 318/WTO/CK dịch vụ).
Xem thêm: Các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư 2020
Xem thêm: Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp