Sơ yếu lý lịch xin việc là giấy tờ quen thuộc nhưng nhiều người vẫn băn khoăn sơ yếu lý lịch xin việc xác nhận ở đâu, cùng tìm câu trả lời tại bài viết ngay dưới đây của LawFirm.Vn.
1. Sơ yếu lý lịch xin việc xác nhận ở đâu?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về địa điểm chứng thực như sau:
-
Việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.
-
Khi thực hiện chứng thực phải ghi rõ địa điểm chứng thực; trường hợp chứng thực ngoài trụ sở phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) chứng thực.
-
Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực phải bố trí người tiếp nhận yêu cầu chứng thực các ngày làm việc trong tuần; phải niêm yết công khai lịch làm việc, thẩm quyền, thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí, chi phí chứng thực tại trụ sở của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, người có nhu cầu xin các nhận sơ yếu lý lịch xin việc có thể đến các địa điểm như: Uỷ ban nhân dân cấp xã; Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng; Phòng tư pháp cấp huyện.
2. Văn phòng công chứng có xác nhận sơ yếu lý lịch không?
Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực như sau:
-
Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).
-
Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Cùng với đó, theo khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thì thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân.
Có thể thấy, theo quy định hiện nay thì việc công chứng sơ yếu lý lịch không phải công chứng toàn bộ thông tin trên sơ yếu lý lịch mà chỉ công chức xác nhận chữ ký, vì thế văn phòng công chứng được phép công chứng chữ ký trên hồ sơ, Ngoài ra, quy định hiện nay không bắt buộc người có nhu cầu công chứng phải đến đúng nơi cư trú mà có thể đến bất kỳ văn phòng công chứng nào cũng được.
3. Giấy tờ cần chuẩn bị khi chứng thực sơ yếu lý lịch
Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu chứng thực chữ ký cần chuẩn bị:
-
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
-
Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
Như vậy, người có nhu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch cần phải chuẩn bị bản chính hoặc bản sao đã được chứng thực của giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu và sơ yếu lý lịch cần chứng thực.
4. Các trường hợp không được chứng thực sơ yếu lý lịch
Các trường hợp không được chứng thực sơ yếu lý lịch theo Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP gồm:
-
Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
-
Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.
-
Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
-
Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, hiện nay có 04 trường hợp không được chứng thực sơ yếu lý lịch theo quy định mà người có nhu cầu chứng thực cần phải lưu ý.