1. Căn cứ pháp lý
Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ được quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Phân tích quy định về rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật
Đây là trường hợp mới được đưa vào danh sách những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Theo đánh giá chủ quan đây là một trường hợp thể hiện rất sâu sắc tinh thần vực dậy thúc đẩy nền kinh tế của đất nước chúng ta. Có thể thấy chính sách kinh tế đã ảnh hưởng không chỉ đến hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự thương mại mà còn ảnh hưởng cả đến những quy định của pháp luật hình sự. Trong phát triển kinh tế việc đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới là điều tất yếu và có thể nói là ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam một đất nước mà cơ cấu thành phần kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nông nghiệp thuần túy (chưa áp dụng được nhiều những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại), công nghiệp và dịch vụ còn nhiều hạn chế. Chúng ta đều biết đã là nghiên cứu, thử nghiệm thì khả năng rủi ro rất cao đôi khi phải trả giá bằng chính sức khỏe thậm chí là mạng sống của con người như việc nghiên cứu chế tạo các loại thuốc, vắc xin mới trong lĩnh vực y tế v.v…Do đó nguy cơ chủ thể thực hiện những nghiên cứu thử nghiệm xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ là đúng.
Tuy nhiên điều luật trên vẫn còn một vài điểm chưa ổn cần phải làm rõ:
Thứ nhất, tên điều luật và nội hàm quy định tại Khoản 1 không thống nhất. Cụ thể Điều 25 chỉ nêu …nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong khi đó Khoản 1 lại quy định…nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới… Vậy một câu hỏi đặt ra mới ở đây là mới hoàn toàn hay chỉ cần có yếu tố mới? Và nếu nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ không mới thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 25 hay không?
Thứ hai, ranh giới giữa được loại trừ trách nhiệm và không loại trừ trách nhiệm đó là việc người thực hiện đã áp dụng đúng quy trình, quy phạm, đầy đủ biện pháp phòng ngừa hay chưa? Vậy trong trường hợp bản thân quy trình không đảm bảo, vốn dĩ đã có khiếm khuyết thì người thực hiện đã áp dụng đúng nhưng vẫn gây ra thiệt hại thì có được miễn trách nhiệm hay không, thêm vào đó vấn đề trách nhiệm của những người ban hành quy trình quy phạm khiếm khuyết đó ở chỗ nào?
Hai câu hỏi trên bản thân tác giả hay bạn đọc cũng khó mà đưa ra một câu trả lời hợp lý nhất. Vậy nên đành chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền hoặc sửa đổi nếu có của các nhà lập pháp.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung