Quyền sở hữu là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội cũng như trong pháp luật dân sự. Vậy quyền sở hữu và giải quyết xung đột về quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế sẽ được điều chỉnh thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm về quyền sở hữu
Quyền sở hữu là một chế định pháp luật quan trọng được quy định nhằm xác định nội dung về sở hữu tài sản của các đối tượng có quyền với tài sản đó. Pháp Luật dân sự quy định: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung cơ bản của quyền sở hữu.
Quyền chiếm hữu: đây là quyền năng của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình đồng thời có quyền kiểm soát, chi phối tài sản tài sản theo ý mình, không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian. Thông thường, chủ sở hữu tự mình thực hiện quyền chiếm hữu đối với tài sản như nắm giữ tài sản trong phạm vi kiểm soát vật chất của mình hoặc thực hiện quyền kiểm soát sự tồn tại của tài sản, tiến hành kiểm kê, định giá… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ sở hữu có thể trao quyền chiếm hữu này cho người khác thông qua một hợp đồng dân sự phù hợp với ý chí của họ như cho vay, cho thuê, cho mượn tài sản. Ví dụ: B thuê nhà của A. Việc A cho B thuê nhà là một trong những hình thức chuyển giao quyền chiếm hữu cho B cũng để thể hiện việc A kiểm soát và chi phối tài sản theo ý muốn.
Quyền sử dụng: đây là quyền năng giúp chủ sở hữu khai thác lợi ích vật chất từ tài sản trong khuôn khổ pháp luật để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần gồm: quyền dùng tài sản và quyền khai thác hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Đây là một trong những quyền năng quan trọng và có ý nghĩa thực tế. Trong thực tế, có nhiều người tuy không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn có quyền sử dụng tài sản nếu họ được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng (ví dụ trường hợp ông B thuê phòng trọ, ông B được gọi là có quyền sử dụng đối với phòng trọ đã thuê) hoặc những trường hợp theo quy định của pháp luật. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác lợi ích vật chất từ tài sản theo quy định của pháp luật.
Quyền định đoạt: đây là quyền năng của chủ sở hữu trong việc quyết định số phận tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Chủ sở hữu có thể thực hiện quyền định đoạt của mình bằng hai phương thức:
– Định đoạt số phận thực tế của tài sản như tiêu dùng hết hoặc huỷ bỏ tài sản.
– Định đoạt số phận pháp lý của tài sản như chuyển giao quyền sở hữu cho người khác thông qua các giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu như bán, trao đổi, tăng cho, cho vay, để thừa kế…
2. Khái niệm quyền sở hữu trong Tư pháp quốc tế
Cũng tương tự định nghĩa về quyền sở hữu nêu tại mục 1, quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế là tổng hợp các quyền năng của các chủ thể được pháp luật thừa nhận trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản. Nhưng yếu tố khác biệt với khái niệm ở mục 1 đó là quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế là quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài trong quan hệ sở hữu được thể hiện ở những điểm sau:
– Chủ thể tham gia quan hệ sở hữu là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, nhà nước nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…Ví dụ: Người nước ngoài muốn được sở hữu nhà hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc nhận thừa kế bất động sản hoặc động sản ở Việt Nam.
– Khách thể của quan hệ sở hữu là tài sản tồn tại ở nước ngoài. Ví dụ: Trường hợp di sản thừa kế là bất động sản hoặc động sản ở nước ngoài.
– Sự kiện pháp lý làm phát sinh thay đổi chấm dứt quan hệ sở hữu xảy ra ngay ở nước ngoài. VD: Một công ty XNK Việt Nam kí một hợp đồng mua bán ngoại thương với một pháp nhân nước ngoài về việc nhập khẩu linh kiện máy móc về Việt Nam. Hợp đồng này được kí trên lãnh thổ nước ngoài và đã phát sinh hiệu lực pháp lý, hàng hóa đang tồn tại trên lãnh thổ nước ta. Vậy trong trường hợp này, quyền sở hữu của công ty Việt Nam sẽ được xác định như thế nào sẽ dựa vào các quy phạm tư pháp quốc tế. Quan hệ sở hữu này cũng được gọi là quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài.
3. Xung đột pháp luật về quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế là gì?
Tương tự khái niệm chung về xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế, xung đột pháp luật về quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ sở hữu phát sinh khi đó có thể sẽ xảy ra các kết quả không giống nhau, phụ thuộc vào việc hệ thống luật pháp nào được áp dụng.
Ví dụ: Pháp luật Việt Nam quy định về việc tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân có thể là tài sản riêng của vợ chồng nếu chứng minh được nó hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng và khi ly hôn không phải chia đôi. Nhưng pháp luật một số nước trên thế giới quy định cứ tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, khi ly hôn sẽ chia đôi.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật:
Hiện tượng xung đột pháp luật về quyền sở hữu nói trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
– Trên thực tế, mỗi nước có điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, bởi vậy pháp luật của các nước được xây dựng trên các nền tảng đó cũng có sự khác nhau.
– Các điều kiện khác nhau về chính trị, kinh tế – xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử thậm chí là sự khác nhau về đặc điểm thể chất, tâm lý của công dân cũng dẫn đến sự khác nhau trong các quy định pháp luật cùng điều chỉnh một vấn đề.
4. Giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế của các nước trên thế giới
Về vấn đề giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các nguyên tắc giải quyết sau:
Thứ nhất, áp dụng nguyên tắc luật nơi có tài sản tức là tài sản thực tế đang ở đâu sẽ áp dụng pháp luật của nước đó. Pháp luật nơi có tài sản còn được áp dụng để xác định quyền sở hữu đối với tài sản đang trên đường vận chuyển: tài sản quá cảnh quốc gia.
Hệ thuộc luật nơi có tài sản còn được áp dụng người thủ đắc trung thực: người chiếm hữu vật ngay tình: Việc bảo hộ người chiếm hữu vật ngay tình trước yêu cầu đòi lại tài sản của chủ sở hữu pháp luật đã quy định rõ nước áp dụng: luật nơi có tài sản vào thời điểm thủ đắc hoặc luật nơi có tài sản đang tranh chấp.
Thứ hai là không những quy định nội dung quyền sở hữu mà còn ấn định cả điều kiện phát sinh, chấm dứt chuyển dịch quyền sở hữu cụ thế trong các đạo luật quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ liên quan đến tàu bay, tàu biển, tài sản pháp nhân, tài sản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Phương pháp giải quyết xung đột về quyền sở hữu trên thế giới hiện đang sử dụng là phương pháp căn cứ vào các điều luật thực chất để trực tiếp giải quyết vấn đề hoặc nếu không có điều luật thực chất thì sử dụng phương pháp xung đột – áp dụng các điều luật xung đột để chỉ dẫn đến hệ thống pháp luật của nước sẽ được áp dụng.
5. Giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế tại Việt Nam
Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự với nguyên tắc giải quyết của hầu hết các quốc gia trên thế giới đó là áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản. Cụ thể, Điều 677 và Điều 678 quy định như sau:
Điều 677. Phân loại tài sản
Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản.
Điều 678. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quy định tại khoản 2 Điều 678 thực chất là một quy định khá có lợi Việt Nam vì thực trạng hiện nay, nước ta là một nước nhập siêu (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu).
Nguyên tắc luật nơi có tài sản cũng được pháp luật Việt Nam áp dụng định danh tài sản theo Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản. Theo quy định pháp luật Việt Nam, bất động sản: đất, nhà ở, công trình gắn liền với đất đai; tài sản gắn liền với đất; tài sản trong lòng đất. Phân biệt bất động sản hoặc động sản: không căn cứ vào giá trị tài sản mà căn cứ vào tính chất cơ học của tài sản, di chuyển hay không di chuyển.
Các trường hợp ngoại lệ liên quan đến tàu bay, tàu biển, tàu hàng không dân dụng, khi xảy ra xung đột pháp luật về quyền sở hữu được xác định theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2014 như sau:
Điều 4. Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật
1. Pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay được áp dụng đối với quan hệ xã hội phát sinh trong tàu bay đang bay và áp dụng để xác định các quyền đối với tàu bay.
2. Pháp luật của quốc gia nơi ký kết hợp đồng liên quan đến các quyền đối với tàu bay được áp dụng để xác định hình thức của hợp đồng.
Ngoài ra trong hệ thuộc luật nơi có tài sản cũng không được áp dụng để điều chỉnh quan hệ sở hữu phát sinh trong một số lĩnh vực như:
– Các quan hệ về tài sản của pháp nhân nước ngoài khi pháp nhân đó giải thể: trường hợp này phải áp dụng theo pháp luật của nước pháp nhân mang quốc tịch.
– Quan hệ về tài sản liên quan đến tài sản của quốc gia đang ở nước ngoài.
– Các quan hệ về sở hữu đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp mang tính lãnh thổ;
– Các quan hệ tài sản liên quan đến đối tượng của các đạo luật quốc hữu hoá áp dụng theo đạo luật quốc hữu hoá: xuất phát từ quyền định đoạt tài sản của quốc gia mình.