Quyền định đoạt là một quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của vật. Chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt biểu hiện ở hai khía cạnh (góc độ):
– Định đoạt về số phận thực tế của các vật (tức là làm cho vật không còn trong thực tế nữa) như: tiêu dùng hết, huỷ bỏ, hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với vật.
– Định đoạt về số phận pháp lý của vật là việc làm chuyển giao quyền sở hữu đối với vật từ người này sang người khác.
Thông thường, định đoạt về số phận pháp lý của vật phải thông qua các giao dịch phù hợp với ý chí của chủ sở hữu như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế... thông qua việc định đoạt mà chủ sở hữu có thể tiêu dùng hết; chuyển quyền chiếm hữu tạm thời (trong hợp đồng gửi giữ); quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời hạn (trong hợp đồng cho thuê, cho mượn) hoặc chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác bằng hợp đồng bán, đổi, cho…
Việc một người thực hiện quyền định đoạt đối với vật sẽ làm chấm dứt hoặc thay đổi các quan hệ pháp luật liên quan đến vật đó.
Ví dụ: Tiêu dùng hết tài sản sẽ làm chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản đó. Khi bán tài sản sẽ làm chấm dứt quyền sở hữu của người đã bán nhưng lại làm phát sinh quyền sở hữu về tài sản đó đối với người mua.
Ở hai hình thức định đoạt trên, chúng ta thấy rằng, trong việc định đoạt số phận thực tế của vật, chủ sở hữu chỉ cần bằng hành vi của mình tác động trực tiếp đến vật. Trong việc định đoạt về số phận pháp lý chủ sở hữu phải thiết lập với chủ thể khác một quan hệ pháp luật dân sự. Đối với hình thức định đoạt này, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: Người định đoạt tài sản phải là người có năng lực hành vi dân sự. Nghĩa là, người đó phải có đầy đủ tư cách chủ thể. Trong những trường hợp tài sản ít giá trị (chủ yếu là động sản), việc thực hiện quyền định đoạt có thể bằng phương thức giản đơn như: Thỏa thuận miệng, chuyển giao ngay tài sản... nhưng trong những trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục thì phải tuân theo những quy định đó (Điều 193 Bộ luật Dân sự 2015).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu khi định đoạt tài sản, BLDS đã quy định việc uỷ quyền định đoạt. Chủ sở hữu có thể uỷ quyền cho người khác định đoạt tài sản, người được uỷ quyền phải thực hiện việc định đoạt theo phương pháp, cách | thức phù hợp với ý chí và lợi ích của chủ sở hữu. Ngoài ra, vì lợi ích chung của xã hội và để bảo đảm ổn định giao lưu dân sự trong những trường hợp nhất định, Điều 196 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định việc hạn chế quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Theo đó, quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu sẽ bị hạn chế khi có quy định cụ thể của luật. Khi những tài sản đem bán, đổi là cổ vật, là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho tổ chức, cá nhân đó.
Trong thực tế, có những trường hợp tuy không phải là chủ sở hữu, chủ sở hữu không uỷ quyền, việc định đoạt có thể không theo ý chí của chủ sở hữu nhưng theo quy định của pháp luật những người đó vẫn có quyền định đoạt. Đó là việc cơ quan, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật, chấp hành viên ký hợp đồng bán đấu giá để thi hành án; hiệu cầm đồ được quyền bán tài sản nếu hết thời hạn đã thỏa thuận mà người vay không trả được tiền vay.
Trong nội dung của quyền sở hữu, từng quyền năng có thể do người không phải là chủ sở hữu thực hiện nhưng việc thực hiện đó chủ yếu không mang tính chất độc lập mà phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu. Chỉ có chủ sở hữu mới có quyền thực hiện một cách độc lập không phụ thuộc vào người khác. Việc quy định quyền của người không phải là chủ sở hữu nói lên tính năng động của quyền sở hữu luôn ở trong thế vận động trong những trường hợp nhất định. Chế định quyền sở hữu với ba quyền năng cơ bản không chỉ được xây dựng trên nguyên tắc quyền của chủ sở hữu chiếm vị trí trung tâm, là xuất phát điểm để quy định các quy chế pháp lý tương ứng mà còn có cả những quy định với những xuất phát điểm từ góc độ tài sản.
Cả ba quyền năng cụ thể tạo thành một thể thống nhất trong nội dung của quyền sở hữu, chúng có mối liên quan mật thiết với nhau nhưng mỗi quyền năng lại mang một ý nghĩa khác nhau. Cụ thể, quyền chiếm hữu là tiền đề quan trọng cho hai quyền kia nhưng quyền sử dụng lại có ý nghĩa thiết thực, vì chỉ có thông qua quyền năng này chủ sở hữu mới khai thác được lợi ích, công dụng của vật để thỏa mãn các nhu cầu cho mình, còn quyền định đoạt lại xác định ý nghĩa pháp lý quan trọng nhất của chủ sở hữu.