Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự mới nhất

2 32.169

Quy trình giải quyết vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. LawFirm.Vn sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn các giai đoạn này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.


1. Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự

Trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án hình sự có 04 giai đoạn chính bao gồm: giai đoạn khởi tố, giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử.

Quy trình giải quyết vụ án hình sự
Hình minh họa. Quy trình giải quyết vụ án hình sự

2. Các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự

2.1. Giai đoạn khởi tố vụ án

Trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền xác định sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định khác theo quy định của pháp luật.

2.1.1. Căn cứ để khởi tố vụ án

Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

– Tố giác của cá nhân (thông qua đơn tố giác của cá nhân);

– Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

– Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

– Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

– Người phạm tội tự thú.

2.1.2. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự

Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết.

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:

+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

2.1.3. Tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

2.2. Giai đoạn điều tra

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, tiến hành thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ làm rõ đối tượng chứng minh để ra kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra; quyết định tạm đình chỉ điều tra và các quyết định khác theo quy định của pháp luật.

2.2.1. Thẩm quyền điều tra

Cơ quan điều tra của Công an nhân dân: Điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân: Điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương: Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015 xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Lưu ý: Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

2.2.2. Thời hạn điều tra

Loại tội phạmThời hạn điều traGia hạn điều traTổng thời gian điều tra
Tội phạm ít nghiêm trọngKhông quá 02 thángĐược gia hạn một lần: không quá 02 thángKhông quá 04 tháng
Tội phạm nghiêm trọngKhông quá 03 thángĐược gia hạn hai lần:

– Lần một: không quá 03 tháng

– Lần hai: Không quá 02 tháng

Không quá 08 tháng
Tội phạm rất nghiêm trọngKhông quá 04 thángĐược gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;Không quá 12 tháng
Tội phạm đặc biệt nghiệm trọngĐược gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.Không quá 16 tháng
Lưu ý:

– Thời hạn trên được xác định kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra;

– Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra;

– Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

– Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

– Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, nhập vụ án thì tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định trên.

Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

2.3. Giai đoạn truy tố

Trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát tiến hành các hoạt động cần thiết để truy tố bị can trước toà án bằng bản cáo trạng hoặc ra những quyết định tố tụng khác để giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.

Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

– Truy tố bị can trước Tòa án;

– Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

– Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

2.4. Giai đoạn xét xử

– Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, toà án cấp sơ thẩm (cấp xét xử thứ nhất) tiến hành giải quyết và xử lí vụ án bằng việc ra bản án hoặc các quyết định tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

– Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: Trong giai đoạn này, toà án cấp trên trực tiếp (cấp xét xử thứ hai) của tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật (cũng có quan điểm cho rằng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm là một giai đoạn).

2.5. Thi hành án

Trong giai đoạn này, cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật (Hiện nay, có quan điểm cho rằng thi hành án không phải là một giai đoạn của tố tụng hình sự nhưng trong BLTTHS năm 2015 vẫn quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam vẫn xem thi hành án là một giai đoạn của tố tụng hình sự).

Lưu ý: Giai đoạn đặc biệt: Đây là giai đoạn xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Trong giai đoạn này, toà án xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án (giám đốc thẩm – Điều 370 BLTTHS năm 2015) hoặc có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà toà án không biết được khi ra bản án, quyết định đó (tái thẩm – Điều 397 BLTTHS năm 2015). Ngoài thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, giai đoạn này còn có thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Xem: Chương 27 BLTTHS năm 2015).

4.8/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
2 Bình luận
  1. Ngọc hân bình luận

    Cho em xin tài liệu quy trình giải quyết vụ án hình sự với ạ. Em cảm ơn nhiều ạ

    1. Admin bình luận

      Hiện tại bên mình chưa có tài liệu về chủ đề này!

Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap