Bảo lãnh ngân hàng là gì? Quy trình bảo lãnh ngân hàng hiện nay được thực hiện như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 thì bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thoả thuận.
2. Đặc điểm của Bảo lãnh ngân hàng
– Chủ thể là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng;
– Giao dịch bảo lãnh ngân hàng có mục đích và hệ quả tạo lập hai hợp đồng, gồm hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh/cam kết bảo lãnh. Hai hợp đồng này độc lập nhau về mặt chủ thể cũng như nghĩa vụ pháp lý của các bên trong hợp đồng;
– Giao dịch bảo lãnh ngân hàng là một giao dịch kép;
– Bảo lãnh ngân hàng được xác lập và thực hiện dựa trên chứng từ.
3. Quy trình bảo lãnh ngân hàng
Bên xây dựng, dự thầu, thanh toán,…(sau đây gọi là bên được bảo lãnh) trước khi ký hợp đồng với đối tác (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) phải có bảo lãnh ngân hàng .
3.1. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh
- Giấy đề nghị bảo lãnh
- Hồ sơ pháp lý
- Hồ sơ mục đích
- Hồ sơ tài chính kinh doanh
- Hồ sơ tài sản bảo đảm
3.2. Xem xét hồ sơ bảo lãnh
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, các tổ chức tín dụng (chủ yếu là các Ngân hàng) tiến hành thẩm định các nội dung như: Tính đầy đủ hợp pháp, khả thi của dự án bảo lãnh; năng lực của bên được bảo lãnh, hình thức bảo đảm; tình hình tài chính của bên được bảo lãnh.
Trong trường hợp các tổ chức tín dụng chấp thuận thì ký hợp đồng bảo lãnh với bên được bảo lãnh và cấp chứng thư bảo lãnh.
3.3. Thông báo cho bên nhận bảo lãnh
Ngân hàng thông báo thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh. Thư bảo lãnh quy định rõ ràng các nội dung cơ bản trong hợp đồng bảo lãnh, cách thức chi trả của tổ chức tín dụng cho bên nhận bảo lãnh ví dụ như: mở thư tín dụng, ký hối phiếu nhận nợ…
3.4. Trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh xảy ra
Tổ chức tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh nếu nghĩa vụ xảy ra.
Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã được bảo lãnh, tổ chức tín dụng tiến hành trả thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc đối với số tiền trả nợ thay theo lãi suất nợ quá hạn của của bên được bảo lãnh. Tổ chức tín dụng áp dụng biện pháp cần thiết để thu hồi nợ như phát mại tài sản bảo đảm, khởi kiện,…