Từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm phân chia di sản, di sản cần được bảo quản khỏi bị hư hỏng, mất mát. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Vì vậy, sau khi người có tài sản chết, di sản thuộc quyền sở hữu của người thừa kế kể từ thời điểm người thừa kế nhận di sản. Trường hợp di sản là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì sau khi đăng ký có quyền sở hữu thì người thừa kế có quyền sở hữu. Như vậy cần phân biệt hai trường hợp di sản là tài sản đăng ký quyền sở hữu:
– Về nguyên tắc người thừa kế thể hiện nhận di sản thì di sản thực tế của họ (chiếm hữu thực tế).
– Người thừa kế là chủ sở hữu tài sản đó kể từ khi được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu.
Vấn đề trên sẽ liên quan đến thời hiệu của việc thừa kế và quyền sở hữu phát sinh theo thời hiệu. Kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế nhận di sản nhưng không yêu cầu chia di sản, nếu người nào chiếm hữu ngay tình di sản đó 30 năm sẽ có quyền sở hữu (Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015).
Sau khi mở thừa kế, việc giao di sản chưa chia cho ai bảo quản, do những người thừa kế quyết định (trừ trường hợp trong di chúc người để lại di sản chỉ định người quản lý di sản và phân chia tài sản). Có những tài sản do người thừa kế sử dụng (như cha, mẹ đã cho con sử dụng một ngôi nhà hoặc có những tài sản chưa được giao cho ai sử dụng, quản lý). Những người thừa kế có thể cho người đang sử dụng được tiếp tục sử dụng tài sản cho đến khi chia di sản, nhưng đối với tài sản chưa giao cho người nào quản lý thì những người thừa kế thỏa thuận giao cho ai quản lý phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Khi có yêu cầu chia di sản thừa kế sẽ chia nhưng cần phải thanh toán các chi phí bảo quản di sản, các nghĩa vụ của người chết chưa thực hiện.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu thì tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khi có yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp. Trường hợp những vụ tranh chấp về di sản mà thời điểm mở thừa kế xảy ra cách đây trên 30 năm mà các bên tranh chấp không yêu cầu áp dụng thời hiệu về thừa kế thì tòa án áp dụng các quy định về thừa kế giải quyết tranh chấp và thanh toán cho người đang quản lý di sản một khoản thù lao hợp lý nếu có yêu cầu của người đó.
1. Thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại
Người hưởng thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng với phần tài sản mà mình đã nhận. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp người chết để lại nhiều nghĩa vụ mà di sản thừa kế không đủ để thanh toán. Vì vậy, theo Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
– Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
– Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
– Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
– Tiền công lao động;
– Tiền bồi thường thiệt hại;
– Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;
– Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;
– Tiền phạt;
– Các chi phí khác.
Sau khi đã thanh toán nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại theo thứ tự ưu tiên và các khoản chi phí khác liên quan đến thừa kế, số tài sản còn lại sẽ được phân chia cho những người thừa kế.
2. Phân chia di sản thừa kế
2.1. Phân chia di sản theo di chúc
Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác của những người thừa kế.
2.2. Phân chia tài sản theo pháp luật
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia (khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015).
Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng (khoản 1 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015).
3. Hạn chế phân chia di sản
Theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia. Việc hạn chế phân chia di sản có thể theo di chúc của người để lại di sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp nếu có yêu cầu chia di sản thừa kế, mà hậu quả của việc chia đó sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu tòa án xác định phần di sản của mỗi người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia trong một thời hạn nhất định. Thời hạn hạn chế phân chia di sản thừa kế không quá ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu bên còn sống đã kết hôn với người khác hoặc thời hạn hạn chế phân chia di sản do tòa án xác định đã hết thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu toà án cho chia di sản thừa kế. Theo quy định tại Điều 661, thời hạn chưa cho chia di sản không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
4. Phân chia di sản trong một số trường hợp cụ thể
Theo quy định tại Điều 662 Bộ luật Dân sự 2015, việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì được giải quyết như sau:
– Trường hợp di sản đã được chia thừa kế mà xác định được thêm người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, những người thừa kế đã nhận phần di sản được chia có nghĩa vụ thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm mở thừa kế theo tỉ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
– Trường hợp di sản thừa kế đã được phân chia mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thoả thuận khác.