Phương pháp là cách thức tiến hành để có hiệu quả cao. Phương pháp giải quyết xung đột pháp luật là cách thức giải quyết vấn đề khi có tình huống hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế. Để giải quyết thực tế hết sức phức tạp này, mỗi phương pháp cần thiết phải có các công cụ nhất định, và công cụ của luật pháp chính là các quy phạm pháp luật. Như vậy có nghĩa là các phương pháp điều chỉnh khác nhau sẽ sử dụng các loại quy phạm pháp luật không giống nhau.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thì xung đột pháp luật sẽ được giải quyết bằng các phương pháp sau:
1. Phương pháp thực chất – xây dựng và áp dụng các quy phạm thực chất
Phương pháp thực chất là phương pháp dùng quy phạm thực chất, trực tiếp điều chỉnh quan hệ mà không cần qua bất kì một khâu trung gian nào.
Quy phạm thực chất là loại quy phạm pháp luật quy định cụ thể cách thức ứng xử của các chủ thể tham gia quan hệ, hay quy phạm này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, trực tiếp điều chỉnh quan hệ, trực tiếp tác động tới quan hệ, quy phạm này chính là câu trả lời cho câu hỏi quan hệ này được giải quyết cụ thể như thế nào. Khi có quy phạm thực chất thì quan hệ có thể được giải quyết mà không phải dẫn chiếu đến pháp luật của bất kì một nước nào nên có thể giải quyết nhanh chóng, kịp thời lại đơn giản hơn, tránh được những khó khăn khi xử lí tranh chấp. Vì vậy, quy phạm thực chất được coi là loại quy phạm dễ áp dụng và phương pháp thực chất là phương pháp đơn giản nhất, nhanh chóng nhất trong việc giải quyết xung đột pháp luật.
Quy phạm thực chất có hai loại:
– Quy phạm thực chất thống nhất là loại quy phạm thực chất nằm trong các điều ước quốc tế.
Xuất phát từ việc các quan hệ tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, nên các quan hệ này luôn có sự liên quan đến hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Mà bản thân nội tại các hệ thống pháp luật luôn tồn tại sẵn các yếu tố tạo nên sự khác biệt. Vì vậy, để giải quyết các quan hệ phức tạp này bằng một loại quy phạm quy định rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia quan hệ, vẫn đảm bảo sự chấp nhận được của hai/nhiều hệ thống pháp luật khác nhau thì gần như tất yếu các quy phạm thực chất này phải là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng giữa các quốc gia, và đó chính là các điều ước quốc tế. Có thể nói các quy phạm thực chất thống nhất chủ yếu tồn tại trong các điều ước quốc tế.
Ví dụ: Các quy định trong Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 4ter: Tác giả sáng chế có quyền được nêu tên với danh nghĩa là tác giả sáng chế trong patent); Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả (khoản 1 Điều 7: Thời hạn bảo hộ theo Công tước này sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết); Công ước Vienna 1980 của Liên hợp quốc về mua bán hàng hoá quốc tế (Điều 11: Hợp đồng mua bán không cần phải được kí kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả những lời khai của nhân chứng)...
Khi có các quy phạm thực chất thống nhất thì các cơ quan giải quyết cũng như các bên tham gia quan hệ có thể căn cứ vào đó để giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, mà không cần phải xem xét đến các phương pháp giải quyết khác. Vì vậy, quy phạm thực chất thống nhất được coi là sự lựa chọn đầu tiên cho việc giải quyết các quan hệ tư pháp quốc tế, chỉ khi không có loại quy phạm này thì các quy phạm khác của tư pháp quốc tế mới được xem xét đến.
– Quy phạm thực chất thông thường là loại quy phạm thực chất nằm trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Quy phạm này có đặc điểm giống với quy phạm thực chất thống nhất đã trình bày ở trên, đó là nó cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ, nó cũng điều chỉnh trực tiếp quan hệ tư pháp quốc tế. Chỉ có một điểm khác biệt giữa quy phạm thực chất thống nhất và quy phạm thực chất thông thường là quy phạm thực chất thống nhất nằm trong các điều ước quốc tế, còn quy phạm thực chất thông thường nằm trong các văn bản pháp luật của quốc gia.
Chính sự khác biệt này mà có những quan điểm cho rằng đây không phải là quy phạm của tư pháp quốc tế, song nếu căn cứ vào bản chất của quy phạm, nó được xây dựng để trực tiếp điều chỉnh các quan hệ về dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thì cần thiết phải coi đây là một loại quy phạm của ngành luật này. Ở Việt Nam, có thể tìm thấy các quy phạm loại này trong Luật đầu tư 2014, Luật nhà ở 2014, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014…
Còn một vấn đề nữa là giữa quy phạm thực chất thông thường, là một loại quy phạm của tư pháp quốc tế, với quy phạm của một ngành luật trong nước có gì khác biệt? Bởi cả hai loại quy phạm này đều được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, cả hai loại quy phạm này đều quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ. Rõ ràng là các quy phạm này có nhiều điểm giống nhau, thậm chí rất khó phân biệt nếu chúng cùng nằm trong một văn bản. Nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất, quyết định quy phạm nào là quy phạm thực chất thông thường của tư pháp quốc tế, quy phạm nào là quy phạm của ngành luật trong nước của quốc gia, chính là ở chỗ các quy phạm đó điều chỉnh loại quan hệ nào. Quy phạm của tư pháp quốc tế trực tiếp điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài trong khi đó các quy phạm của ngành luật trong nước (như các ngành luật dân sự, lao động, thương mại...) không bao giờ trực tiếp điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế được, chúng chỉ điều chỉnh các quan hệ quốc nội. Trong trường hợp các quy phạm này được sử dụng để điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế thì sự điều chỉnh chỉ có thể là gián tiếp mà không phải là điều chỉnh trực tiếp như quy phạm của tư pháp quốc tế, bởi chúng được áp dụng theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột.
Phương pháp thực chất được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết xung đột pháp luật, nhưng nó không phải là phương pháp duy nhất. Do phương pháp này sử dụng các quy phạm thực chất mà phần lớn là các quy phạm thực chất thống nhất, như đã trình bày ở trên đó là các quy phạm tồn tại trong các điều ước quốc tế, mà không phải lĩnh vực nào cũng có điều ước quốc tế, và đôi khi trong quá trình đàm phán, thương lượng để xây dựng điều ước quốc tế thì để thống nhất được các quy phạm thực chất cũng rất khó khăn, có nhiều trường hợp đã không thực hiện được. Vì vậy, bên cạnh phương pháp thực chất, để giải quyết xung đột pháp luật, tư pháp quốc tế còn sử dụng một phương pháp nữa đó là phương pháp xung đột.
2. Phương pháp xung đột – xây dựng và áp dụng các quy phạm xung đột
Nói một cách phổ quát, phương pháp xung đột là phương pháp sử dụng các quy phạm xung đột để giải quyết xung đột pháp luật.
Khi không có quy phạm thực chất thống nhất, để điều chỉnh quan hệ, các cơ quan có thẩm quyền phải tìm đến hệ thống các quy phạm khác – các quy phạm xung đột. Đây là các quy phạm pháp luật đặc biệt, nó không quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, không quy định các hình thức và biện pháp chế tài có thể được áp dụng đối với bên vi phạm. Nhiệm vụ của quy phạm xung đột chỉ là xác định hệ thống pháp luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ, còn bản thân quan hệ lại chưa được giải quyết, muốn giải quyết vấn đề thì cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào quy phạm xung đột, áp dụng hệ thống pháp luật mà quy phạm xung đột đã dẫn chiếu tới. Từ đó sẽ căn cứ vào các quy định thực định trong hệ thống pháp luật được dẫn chiếu tới để giải quyết vấn đề.
Ví dụ: Điều 677 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản”, đây là một quy phạm xung đột, quy phạm này xác định luật áp dụng để định danh tài sản là luật nơi có tài sản, còn tài sản cụ thể trong một tình huống cụ thể đang xem xét là động sản hay bất động sản thì quy phạm này không làm rõ được.
Phương pháp xung đột là phương pháp điều chỉnh gián tiếp bởi phương pháp này chỉ lựa chọn hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng chứ không có giải pháp nội dung cụ thể để giải quyết trọn vẹn vấn đề. Vấn đề chỉ thực sự được giải quyết triệt để khi cơ quan có thẩm quyền theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột, tìm ra được các quy định thực định của pháp luật được dẫn chiếu đến, và dùng các quy định đó để điều chỉnh quan hệ.
Tuy nhiên, có một thực tế là có thể có trường hợp (không phổ biến) phương pháp xung đột được sử dụng để giải quyết các quan hệ không có xung đột pháp luật nhưng thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế (ví dụ như trong các quan hệ sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài). Cụ thể, Điều 679 Bộ luật dân sự 2015 là một quy phạm xung đột, quy phạm này quy định “Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ”. Việc xây dựng một quy phạm xung đột trong lĩnh vực này chỉ có ý nghĩa là Nhà nước Việt Nam muốn quy phạm hoá nguyên tắc trên mà thôi, tức là chỉ áp dụng luật của nước nơi đối tượng có yêu cầu bảo hộ mà không áp dụng luật nước ngoài, điều đó phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia khác.
Hơn nữa, sự tồn tại của quy phạm xung đột không phải là minh chứng cho việc có xung đột pháp luật, đấy là công cụ của một trong hai phương pháp điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế, bao gồm cả các quan hệ có lẫn các quan hệ không có xung đột pháp luật.
Phương pháp xung đột là phương pháp phổ biến và đặc thù của tư pháp quốc tế được hầu hết các quốc gia áp dụng. So với phương pháp thực chất thì phương pháp xung đột phức tạp hơn nhiều. Để hiểu rõ và vận dụng đúng phương pháp xung đột nhất thiết phải nắm được các vấn đề cơ bản liên quan đến quy phạm xung đột – quy phạm đặc thù của tư pháp quốc tế.
3. Áp dụng tập quán quốc tế hoặc “pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tương tự”
Hai phương pháp thực chất và xung đột nêu trên là hai phương pháp điều chỉnh cơ bản của tư pháp quốc tế. Tuy nhiên thực tiễn vô cùng phong phú và đa dạng, nên cũng có trường hợp không có cả quy phạm thực chất lẫn quy phạm xung đột để điều chỉnh quan hệ. Trường hợp này, để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các đường sự, củng cố và thúc đẩy giao lưu giữa các nước thì cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cần tìm một giải pháp khác để giải quyết vấn đề. Cách thức thường được áp dụng là sử dụng tập quán quốc tế hoặc “pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tương tự” trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia mình cũng như đường lối, chính sách đối ngoại của nhà nước.
Tại Việt Nam, việc áp dụng tập quán được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật quy định: “Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán...”; và tại Điều 666 Bộ luật quy định áp dụng tập quán quốc tế như sau: “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này...”.
Tuy nhiên, trong trường hợp không có các quy định của pháp luật cũng như không có tập quán thì việc áp dụng tương tự pháp luật là cần thiết. Bộ luật dân sự 2015 quy định tại Điều 6 như sau:
“1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Cả ba phương pháp giải quyết xung đột nêu trên đều được vận dụng trong thực tế phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể. Trong các phương pháp trên, phương pháp hiệu quả nhất và dễ áp dụng nhất là phương pháp thực chất, còn phương pháp phổ biến nhất, bao quát nhất là phương pháp xung đột. Phương pháp thứ ba tuy không là phương pháp điều chỉnh thường xuyên nhưng trong những trường hợp nhất định khi hai phương pháp trên không thực hiện được thì phương pháp thứ ba này lại là phương pháp lựa chọn tất yếu.