Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là cách thức, biện pháp mà Nhà nước sử dụng pháp luật để tác động lên các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.
1. Phương pháp mệnh lệnh
Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật hành chính là phương pháp mệnh lệnh, mang tính bắt buộc. Phương pháp này xuất phát từ tính chất quyền lực, phục tùng trong mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý trong quan hệ quản lý nhà nước. Tính mệnh lệnh thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể quản lý, biểu hiện như sau:
Thứ nhất, chủ thể quản lý có quyền sử dụng quyền lực nhà nước, nhân danh Nhà nước để ban hành các quyết định quản lý mang tính đơn phương và có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với phía bên kia. Vì không phụ thuộc vào ý chí của đối tượng quản lý nên các quyết định đó có hiệu lực trực tiếp đối với đối tượng quản lý. Việc không chấp hành yêu cầu của quyết định quản lý có thể dẫn đến việc đối tượng quản lý phải chịu những hậu quả pháp lý nhất định.
Thứ hai, đối tượng quản lý được quyền đưa ra yêu cầu, kiến nghị và chủ thể quản lý có quyền xem xét những yêu cầu, kiến nghị đó và có thể ra quyết định đáp ứng hay bác bỏ những yêu cầu, kiến nghị đó. Tuy nhiên, quyết định xử lý cần phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của chủ thể quản lý thì đối tượng quản lý có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Thứ ba, các bên đều có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định theo quy định của pháp luật, nhưng việc phối hợp thực hiện các quyết định quản lý phải theo thứ bậc hành chính và phân công, phân cấp về thẩm quyền. Điển hình là các quan hệ hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp như giữa các Bộ, các Sở, Phòng với nhau khi cùng thực hiện một hoạt động quản lý. Dù cùng có vị trí ngang nhau nhưng trong quan hệ cụ thể thì cơ quan này trở thành đối tượng quản lý và phải chấp hành quyết định của bên còn lại. Chẳng hạn, giữa các cơ quan cùng cấp, cơ quan được giao chủ trì xây dựng đề án có quyền yêu cầu đối với các cơ quan khác, và yêu cầu này có tính bắt buộc. Trong thực tế, tuy cùng cấp nhưng Bộ Tài chính có quyền ra quyết định có tính mệnh lệnh về các vấn đề tài chính, kế toán đối với các bộ, ngành khác.
2. Phương pháp phối hợp hoạt động giữa các chủ thể mang quyền lực nhà nước
Bên cạnh phương pháp mệnh lệnh, thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể quản lý thì Luật hành chính còn áp dụng phương pháp phối hợp hoạt động giữa các chủ thể mang quyền lực nhà nước.
Ví dụ: Khi các Bộ thực hiện công tác đào tạo thì hình thức, quy mô đào tạo phải được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ quan niệm về đối tượng và phương pháp điều chỉnh nói trên, Luật hành chính Việt Nam được định nghĩa như sau: Luật hành chính là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và ổn định chế độ công tác nội bộ của mình, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân thực hiện hoạt động quản lý hành chính đối với các vấn đề cụ thể do pháp luật quy định.