1. Tính ổn định của pháp luật là gì?
Tính ổn định của pháp luật là một yêu cầu quan trọng trong các tiêu chuẩn của pháp luật và hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Tính ổn định được giải thích theo hướng các văn bản quy phạm pháp luật phải ổn định ở mức đủ để công chúng có thể nắm vững được hành vi nào được phép và hành vi nào bị cấm và không được sửa đổi hoặc bị làm lệch một cách bí mật hoặc bằng quyết định hành chính.
2. Pháp luật mang tính ổn định tuyệt đối?
=> Đây là nhận định sai. Tính ổn định của pháp luật chỉ là ổn định tương đối, vì nếu tuyệt đối hóa tính ổn định của pháp luật chúng ta sẽ có một hệ thống văn bản xơ cứng, lạc hậu quá xa so với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội; từ đó làm suy giảm vai trò tích cực của pháp luật (vai trò mở đường, thúc đẩy phát triển) và tính khả thi của chính các quy định trong hệ thống pháp luật.
Tính ổn định của pháp luật không nhất thiết phải thể hiện ở việc hệ thống pháp luật ấy là nhất thành bất biến, không có sự thay đổi qua thời gian.
3. Tính ổn định của pháp luật thể hiện ở 3 khía cạnh
Thứ nhất, tính ổn định của pháp luật được thể hiện ở sự ổn định (không thay đổi) về nội dung chính sách mà pháp luật theo đuổi, đặc biệt là rõ và ổn định về mục tiêu, định hướng và hệ giá trị nền tảng cùng các nguyên tắc chi phối. Việc tiếp tục duy trì các chính sách có lợi cho sự phát triển của đất nước được xem là góp phần bảo đảm tính ổn định của pháp luật. Tuy nhiên, điều này không loại trừ việc sửa đổi, bổ sung nhằm cải thiện chất lượng của chính sách, chất lượng của pháp luật; thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Thứ hai, khi việc thay đổi quy định của pháp luật được thực hiện theo cách thức minh bạch, có thể dự báo trước, có sự giải trình rõ ràng, thuyết phục thì mặc dù có việc sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, thì sự thay đổi pháp luật như vậy cũng ít bị xem là biểu hiện của sự không ổn định của pháp luật.
Thứ ba, bảo đảm tuổi thọ của các văn bản quy phạm pháp luật một cách hợp lý. Tất nhiên, rất khó để xác định tuổi thọ của một văn bản mấy năm thì được xem là dài. Đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư thì không nhất thiết yêu cầu độ dài về tuổi thọ là giống nhau. Tuy nhiên, theo nguyên lý chung, Hiến pháp cần có tính ổn định hơn đạo luật; đạo luật cần có tính ổn định hơn nghị định và thông tư. Một văn bản luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải mang ra sửa đổi, bổ sung cũng dẫn đến sự không ổn định của pháp luật.