Việc phân loại bất kì một đối tượng nào cũng cần phải dựa trên những căn cứ, tiêu chí nhất định về việc phân loại cũng nhằm hướng tới các mục đích nhất định. Vì vậy, có thể với cùng một đối tượng nhưng dưới góc độ này nó lại thuộc một loại và dưới một góc độ khác nó lại thuộc về một loại khác. Các quy phạm xung đột cũng tương tự như vậy, khi có các tiêu chí khác nhau, căn cứ khác nhau thì cũng có các loại quy phạm xung đột khác nhau.
1. Căn cứ vào kĩ thuật xây dựng quy phạm
Căn cứ vào kĩ thuật xây dựng quy phạm thì quy phạm xung đột được chia thành hai loại: Quy phạm xung đột một chiều (hay còn gọi là quy phạm xung đột một bên) và quy phạm xung đột hai chiều (hay quy phạm xung đột hai bên).
Quy phạm xung đột một chiều là quy phạm xung đột chỉ ra việc áp dụng luật của một nước cụ thể và đó chính là nước đã ban hành ra quy phạm. Ví dụ, khoản 2 Điều 674 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam”. Hệ thuộc luật được xác định trong quy phạm này là hệ thống pháp luật Việt Nam, do đó khi vận dụng quy phạm này cơ quan có thẩm quyền không có sự lựa chọn” nào khác ngoài pháp luật Việt Nam, nước đã ban hành ra quy phạm này.
Quy phạm xung đột hai chiều là quy phạm xung đột chỉ xác định về mặt nguyên tắc là luật áp dụng sẽ là luật nào, luật của nước đường sự là công dân, hay luật nước người đó cư trú, hay luật nước nơi có tài sản... Loại quy phạm này không chỉ đích danh sẽ là luật của Việt Nam (luật nước ban hành ra quy phạm), hay luật của nước cụ thể nào khác mà là nguyên tắc chung áp dụng luật mà thôi. Luật nước được áp dụng sẽ là hệ thống pháp luật thoả mãn tiêu chí mà quy phạm xung đột xác định. Như vậy, việc quy định của quy phạm xung đột hai chiều là sự thừa nhận cho việc không chỉ áp dụng luật nước mình mà còn áp dụng pháp luật nước ngoài nữa. Ví dụ, khoản 1 Điều 28 HĐTTTP giữa Việt Nam và Nga quy định: “Quan hệ pháp lí giữa cha mẹ và con được xác định theo pháp luật của Bên kí kết nơi họ cùng thường trứ”. Theo đó, nếu cha mẹ và con thường trú ở đâu, Việt Nam hay Nga, thì luật nước đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp lí giữa cha mẹ và con (trường hợp này chỉ là hoặc luật Việt Nam hoặc luật Nga, là luật của các nước tham gia xây dựng quy phạm). Ví dụ khác, khoản 3 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi li hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Trong ví dụ này, hệ thuộc luật nơi có bất động sản là tiêu chí cố định, bất động sản ở đâu thì luật nước đó sẽ được áp dụng, nếu bất động sản ở Việt Nam thì luật Việt Nam được áp dụng, bất động sản nước ngoài thì luật nước ngoài đó được áp dụng.
2. Căn cứ vào phạm vi áp dụng
Căn cứ vào phạm vi áp dụng có thể phân chia thành quy phạm xung đột về quyền sở hữu, quy phạm xung đột về hôn nhân, gia đình, quy phạm xung đột về hợp đồng...
3. Căn cứ vào hệ thuộc luật
Căn cứ vào hệ thuộc luật có thể có quy phạm xung đột áp dụng pháp luật quốc tịch, quy phạm xung đột áp dụng pháp luật nơi cư trú, quy phạm xung đột áp dụng pháp luật nơi giao kết hợp đồng...
Căn cứ vào tính chất của quy phạm xung đột có quy phạm xung đột mệnh lệnh (bắt buộc phải tuân theo) và quy phạm xung đột tuỳ nghi (được lựa chọn). Đối với căn cứ phân loại này cần phải có một sự phân tích rõ hơn như sau:
+ Quy phạm xung đột mệnh lệnh thường được hiểu như quy phạm xung đột một chiều. Ví dụ, khoản 2 Điều 674 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam”. Theo quy định này thì luật Việt Nam đã được xác định rõ ràng, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc cũng như các đương sự không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Nhưng quy phạm xung đột mệnh lệnh cũng cần phải được xác định bao gồm cả các quy phạm xung đột hai chiều. Ví dụ, Điều 677 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản”. Quy phạm này cũng không tạo ra bất cứ khả năng nào cho cơ quan có thẩm quyền cũng như đương sự được chọn luật, mà tất cả đều phải tuân theo hệ thuộc luật nơi có tài sản, tài sản ở nước nào thì luật nước đó bắt buộc phải được áp dụng chứ không có sự cân nhắc chọn lựa ở đây. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa quy phạm xung đột mệnh lệnh và đồng thời là quy phạm xung đột một chiều với quy phạm xung đột mệnh lệnh mà là quy phạm xung đột hai chiều, đó là ở loại quy phạm thứ nhất thì hệ thống luật áp dụng đã được xác định rõ ràng là luật của nước ban hành ra quy phạm, còn ở loại quy phạm thứ hai thì hệ thống pháp luật của nước cụ thể nào sẽ được áp dụng thì không được quy định rõ mà phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trong ví dụ trên thì tài sản ở đâu thì luật nước đó sẽ được áp dụng, có thể sẽ là luật Việt Nam khi tài sản ở Việt Nam, nhưng cũng có thể là luật nước ngoài nếu tài sản ở nước ngoài. Song, dù là luật Việt Nam hay luật nước ngoài cũng đều phải là luật của nước nơi có tài sản theo đúng hệ thuộc mà quy phạm đã dẫn chiếu tới mà không được tùy nghi lựa chọn.
+ Quy phạm xung đột tùy nghi có thể là các quy phạm cho phép các đương sự được quyền lựa chọn luật để điều chỉnh quan hệ của mình. Loại quy phạm này thường xuất hiện trong lĩnh vực hợp đồng có yếu tố nước ngoài bởi hợp đồng chính là sự thoả thuận của các bên, và trong hợp đồng các bên có thể thoả thuận hầu như mọi vấn đề trong đó có cả vấn đề luật áp dụng. Ví dụ, khoản 1 Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”. Ở quy phạm này có hai hệ thuộc luật là luật do các bên lựa chọn và luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng. Các bên có quyền chọn luật để điều chỉnh quan hệ về quyền và nghĩa vụ của họ trong hợp đồng. Nếu trường hợp các bên không có sự lựa chọn nào thì lúc này hệ thuộc luật do nhà nước xác định là hệ thống pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
Quy phạm tùy nghi còn một dạng thức khác nữa, ví dụ, khoản 2 Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.”
Trong ví dụ này, quy phạm xung đột đã đề xuất ba phương án để dành cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (toà án, trọng tài) được lựa chọn áp dụng hệ thuộc luật nào phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. Trong vụ việc này có thể cơ quan giải quyết tranh chấp chọn luật của nước nơi cư trú của người lập di chúc, nhưng trong một vụ việc khác rất có thể cơ quan này lại xác định áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch của người lập di chúc. Chính vì vậy đây được xem là quy phạm xung đột tùy nghi, tùy từng trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền sẽ chọn luật khác nhau theo các phương án mà quy phạm xung đột đã cho phép.