Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thường không thể tránh được việc các đối tác hoặc bên nợ trốn tránh nghĩa vụ trả nợ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng hành động đó có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và gửi đơn tố cáo đơn cơ quan công an có thẩm quyền. Tuy nhiên, để có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội phải có đủ các điều kiện của tội này theo quy định tại Bộ Luật hình sự. Trong bài viết này, LawFirm.Vn sẽ đưa ra những điểm giống và khác giữa tranh chấp dân sự và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản để các doanh nghiệp có thể áp dụng vào tình huống thực tế.
1. Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó các yếu tố cấu thành tội này như sau:
1.1. Về mặt chủ thế của tội phạm
Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
1.2. Mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội Chiếm đoạt tài sản là xâm phạm quan hệ sở hữu (tiền, vật, giấy tờ có giá, …), không xâm phạm các quan hệ nhân thân (tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu trí tuệ,…).
1.3. Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là hành vi chiếm đoạt nhưng việc chiếm đoạt được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối.
1.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, vì mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội nhận thức được rõ hậu quả của hành vi do mình gây ra và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc và phải xuất hiện trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt.
2. So sánh tranh chấp dân sự và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
2.1. Giống nhau
Hành vi trốn tránh việc thanh toán khoản nợ và tội lừa đảo chiếm đoạt đều bắt đầu bằng việc một bên giao cho bên còn lại một hoặc nhiều tài sản nhất định thông qua hình thức Hợp đồng hoặc thỏa thuận khác.
2.2. Khác nhau
2.2.1. Chủ thể
Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể phạm tội chỉ có thể là cá nhân. Do đó nếu trường hợp bên nợ là cá nhân thì doanh nghiệp có thể cân nhắc tố giác tội phạm tại cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên nếu bên nợ là doanh nghiệp thì không thể tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp không phải là chủ thể của tội phạm này.
Nếu bên nợ là doanh nghiệp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bên thu hồi nợ có thể tố cáo hành vi vi phạm đối với người trực tiếp ký kết hợp đồng (thường là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) hoặc người trực tiếp thực hiện giao dịch và nắm giữ tài sản của bên cần thu hồi nợ.
2.2.2. Thủ đoạn gian dối
Nhiều trường hợp sau khi giao kết hợp đồng nhưng bên nợ đến hạn không thanh toán, hoặc cố ý kéo dài thời hạn thanh toán, cắt đứt liên lạc khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng đó có thể là thủ đoạn gian dối nhắm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, không phải bất cứ hành vi nào của bên nợ cũng là thủ đoạn gian dối.
Thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tin đó là sự thật để giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối phải có trước khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản. Do đó, bên nợ được coi là sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của bên cần thu hồi nợ khi bên nợ sử dụng thông tin giả, và/hoặc che giấu mục đích thật sự của giao dịch trước khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng hoặc giao dịch để tạo lòng tin, khiến bên cần thu hồi nợ tin tưởng và giao tài sản cho bên nợ.
Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng một cách hợp pháp sau đó bên nợ mới thực hiện hành vi chiếm đoạt thì không thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà trở thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.