1. Luật hành chính với luật hiến pháp
Luật hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng gắn liền với việc xác định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng, địa vị pháp lý của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, v.v.. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp rộng hơn phạm vi điều chỉnh của luật hành chính.
Các quy phạm luật hiến pháp là cơ sở cho việc ban hành các quy phạm luật hành chính. Do vậy, có nhiều quan hệ xã hội đồng thời được điều chỉnh bởi các quy phạm luật hiến pháp và các quy phạm luật hành chính. Các quy phạm luật hiến pháp quy định những vấn đề chung và cơ bản, còn quy phạm luật hành chính cụ thể hóa quy phạm luật hiến pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động chấp hành – điều hành của Nhà nước. Như vậy, luật hiến pháp và luật hành chính có nhiều điểm tương đồng vì đều là các ngành luật công, đều điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước tuy với mức độ cụ thể và phạm vi khác nhau: Luật hiến pháp gồm các quy định cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và các nguyên tắc chung, trong khi luật hành chính quy định cụ thể và trực tiếp về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp.
2. Luật hành chính với luật dân sự
Việc phân biệt hai ngành luật này chủ yếu dựa vào phương pháp điều chỉnh. Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật dân sự là bình đẳng, thỏa thuận; phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là mệnh lệnh đơn phương. Trong quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Trong quan hệ pháp luật hành chính, các chủ thể không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ: Một bên có quyền ra mệnh lệnh còn bên kia có nghĩa vụ phải phục tùng.
Ngoài ra, để phân biệt hai ngành luật này còn có thể căn cứ vào đối tượng điều chỉnh của chúng. Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự là những quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và các quan hệ nhân thân. Đối tượng điều chỉnh luật hành chính là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chấp hành – điều hành. Trong một số trường hợp, hai ngành luật này cùng điều chỉnh những quan hệ tài sản nhưng ở các góc độ khác nhau. Luật dân sự quy định nội dung quyền sở hữu, những hình thức chuyển nhượng, sử dụng, định đoạt tài sản, v.v.. Luật hành chính quy định những vấn đề thẩm quyền giải quyết và thủ tục cấp phát, thu hồi vốn, quy định thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước đối với việc quản lý nhà vắng chủ, trưng dụng, trưng mua tài sản, quản lý việc cho thuê nhà của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân…
3. Luật hành chính với luật hình sự
Luật hành chính và luật hình sự có sự tương đồng ở nhiệm vụ bảo đảm trật tự quản lý nhà nước nhưng khác nhau ở mức độ. Luật hình sự có đối tượng điều chỉnh là quan hệ về truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, hành vi phạm tội là loại hành vi vi phạm pháp luật có mức độ nguy hiểm cao nhất và áp dụng hình thức chế tài nặng nhất. Trong khi vi phạm hành chính cũng là một loại vi phạm pháp luật nhưng ở mức độ ít nguy hiểm hơn so với tội phạm, chế tài xử phạt do đó cũng nhẹ hơn và do luật hành chính quy định. Tuy nhiên, không phải mọi vi phạm hành chính và tội phạm đều phân biệt với nhau ở mức độ nguy hiểm của hành vi, điều này chỉ đúng khi tội phạm và vi phạm hành chính có cùng khách thể, sẽ có những hành vi luôn là tội phạm hoặc luôn là vi phạm hành chính vì khách thể khác nhau.
4. Luật hành chính với luật tài chính
Cả hai ngành luật đều điều chỉnh hoạt động tài chính của Nhà nước và đều sử dụng phương pháp mệnh lệnh. Luật tài chính là tổng thể những quy phạm điều chỉnh hoạt động tài chính của Nhà nước; đó là những quan hệ về thu chi ngân sách, quản lý và phân phối nguồn vốn của Nhà nước, công tác tín dụng, quản lý lưu thông tiền tệ, v.v.. Các quy phạm của luật hành chính chủ yếu quy định thẩm quyền của bộ máy quản lý tài chính, cơ cấu tổ chức cũng như trình tự, thủ tục hoạt động của bộ máy đó và thủ tục tiến hành các quan hệ tài chính. Còn các quy phạm của luật tài chính chủ yếu điều chỉnh bản thân các quan hệ tài chính, xác định nội dung các quyết định của các cơ quan tài chính.
5. Luật hành chính với luật lao động
Hai ngành luật này cùng điều chỉnh các vấn đề về tuyển dụng, sử dụng, cho thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhưng ở những góc độ khác nhau. Luật lao động điều chỉnh các vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động được hưởng như quyền được nghỉ ngơi, quyền được trả lương, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hộ lao động, v.v..
Luật hành chính xác định thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực lao động đồng thời điều chỉnh những quan hệ liên quan đến việc tổ chức quá trình lao động và quy chế công vụ, quy định thủ tục tuyển dụng, cho thôi việc, khen thưởng, kỷ luật v.v. đối với cán bộ, công chức, viên chức.
6. Luật hành chính với luật tố tụng hành chính
Luật hành chính quy định thẩm quyền và thủ tục giải quyết các khiếu nại hành chính. hủ tục giải quyết các khiếu nại hành chính do luật hành chính quy định là thủ tục hành chính. Luật tố tụng hành chính quy định thẩm quyền và thủ tục giải quyết một số loại khiếu kiện hành chính. hủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính do luật tố tụng hành chính quy định là thủ tục tố tụng.
Khái niệm quyết định hành chính trong luật tố tụng hành chính hẹp hơn khái niệm quyết định hành chính trong luật hành chính. heo luật hành chính thì quyết định hành chính bao gồm quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm và quyết định cá biệt; còn theo luật tố tụng hành chính thì quyết định hành chính chỉ gồm các quyết định cá biệt.