1. Căn cứ pháp lý
Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác được quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Phân tích quy định về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Điều 13 Bộ Luật hình sự 2015 đã sửa tên của điều luật từ: “Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác” (Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999) thành “Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác”. Việc sửa đổi này đảm bảo tính chính xác của luật bởi khái niệm “tình trạng say” là không rõ ràng hơn nữa không chỉ khi bị say người ta mới bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình.
Đồng thời luật cũng quy định mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc quy định người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác phải chịu trách nhiệm hình sự được lý giải với nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng điểm chung đều thống nhất là người đó có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (do chủ quan) chứ không phải (do khách quan) là bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật hình sự 2015. Trên thực tế những người này là những người có năng lực trách nhiệm hình sự, việc mất năng lực, hạn chế năng lực do sử dụng bia, rượu, chất kích thích là do họ tự đặt mình vào trong trường hợp đấy. Người phạm tội hoàn toàn ý thức được điều này.
Đối với trường hợp không có lỗi đối với việc dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như say rượu bệnh lý hoặc do bị mắc lừa mà dùng nhầm chất kích thích mạnh (ma túy) hay bị cưỡng bức, ép buộc dùng rượu, bia, ma túy mà rơi vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong tình trạng đó.
Phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà trong trường hợp nhất định phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn so với trường hợp bình thường. Đó là những trường hợp khi thực hiện một số công việc do tính chất đặc biệt, luật cấm người thực hiện công việc đó sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như việc điều khiển ô tô, tàu thủy, tàu bay, tàu hỏa. Cụ thể là trong một số tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 như: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260); Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 267); Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ (Điều 272) việc phạm tội trong tình trạng hạn chế, mất năng lực hành vi do “sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hợi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kich thích mạnh khác” được xem là tình tiết tăng nặng.
Quy định tại Điều 13 Bộ Luật hình sự 2015 mang tính giáo dục cao cũng như nhằm ngăn chặn, răn đe các đối tượng lợi dụng việc sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác để thực hiện hành vi phạm tội.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung