1. Giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hoá
Khi mua bảo hiểm, trước tiên người mua phải điền vào Giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hoá với những nội dung được in sẵn (xem mẫu dưới đây).
Sau khi ký tên, đóng dấu (nếu cần) vào Giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hoá, người được bảo hiểm chuyển Giấy này cho công ty bảo hiểm. Khi hàng đã được bốc lên tàu hay được nhận để chở, công ty bảo hiểm sẽ cấp một Bảo hiểm đơn hoặc Giấy chứng nhận bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Đơn bảo hiểm hoặc Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng của hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
2. Bảo hiểm đơn và Giấy chứng nhận bảo hiểm
Trên cơ sở Giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hoá, công ty bảo hiểm sẽ phát hành một chứng từ bảo hiểm, có thể là bảo hiểm đơn hay giấy chứng nhận bảo hiểm. Về hình thức, thường mỗi công ty bảo hiểm thiết kế riêng cho mình mẫu chứng từ bảo hiểm, với màu sắc, cách bố trí và thể hiện các nội dung theo cách riêng của mình. Nội dung của chúng được in sẵn (xem mẫu dưới đây).
Chú thích:
(1) Tên và chữ ký của công ty bảo hiểm.
(2) Tên của người mua bảo hiểm.
(3) Các loại rủi ro được bảo hiểm. Ở đây chỉ dẫn chiếu đến các điều khoản áp dụng.
(4) Số tiền bảo hiểm. Thông thường, đây là giá trị của hoá đơn, giá CIF hay CIP và đơn vị tiền tệ phải giống với đơn vị tiền tệ của hoá đơn và có giá trị tối thiểu bằng 110% giá trị hoá đơn (quy tắc của UCP). Trị giá 10% tăng thêm là để bù đắp phần lãi dự tính cho nhà nhập khẩu.
(5) Mô tả hàng hoá.
(6) Nơi trả tiền bồi thường bảo hiểm, cùng với chi tiết về đại lý thụ lý các yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
(7) Chữ ký của người mua bảo hiểm. Chữ ký là cần thiết để giấy chứng nhận trở nên có hiệu lực. (cần lưu ý là các mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm thường được ký sẵn bởi công ty bảo hiểm, người mua bảo hiểm chỉ cần điền các chi tiết và ký vào giấy chứng nhận bảo hiểm).
(8) Ngày tháng và nơi phát hành chứng từ bảo hiểm. Ngày tháng phát hành có thể trước hoặc sau ngày giao hàng. Nghĩa là khách hàng có thể mua bảo hiểm trước hoặc sau khi hàng hoá đã được giao. Đây là quy tắc của ngành Bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu quy tắc này lại cho rằng ngày mua bảo hiểm phải luôn luôn trước hoặc muộn nhất là trùng với ngày giao hàng. Vì họ cho rằng, nếu ngày mua bảo hiểm là sau ngày giao hàng, thì hàng hoá đã không được bảo hiểm trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là cách hiểu không chính xác.
Sau đây là một số mẫu chứng từ bảo hiểm của các công ty bảo hiểm Việt Nam.