Niêm yết là một trong số các thủ tục được quy định trong một số văn bản pháp luật. Vậy niêm yết cụ thể là gì? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Niêm yết là gì?
Theo trang 356 Từ điển Luật thì niêm yết là dán ở nơi công cộng, ở chỗ đông người để mọi người đều biết. Niêm yết còn là một thủ tục được quy định trong văn bản pháp luật.
Có thể hiểu niêm yết là việc dán giấy để thông báo chính thức, công khai cho công chúng biết về một vấn đề nào đó. Niêm yết cũng được hiểu là việc công khai hoá những văn bản nhằm thông tin, phổ biến, vận động quần chúng hưởng ứng thi hành nội dung văn bản đó… đồng thời phát hiện những giả mạo, sai lệch thông tin (nếu có) để giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan niêm yết) có được những quyết định đúng đắn.
Trong xã hội dân chủ, việc niêm yết rất cần thiết và quan trọng giúp cho người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát những hoạt động của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước và điều kiện cho người dân thể hiện ý chí của mình đối với các quyết định của cơ quan nhà nước.
2. Niêm yết chứng khoán là gì?
Niêm yết chứng khoán là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận cho công ty phát hành có chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán với điều kiện công ty đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn về định lượng, định tính Sở giao dịch chứng khoán đề ra.
Niêm yết chứng khoán bao gồm:
– Niêm yết tên tổ chức phát hành chứng khoán
– Niêm yết giá chứng khoán
Mục đích của việc niêm yết chứng khoán là thiết lập quan hệ hợp đồng giữa Sở giao dịch chứng khoán với tổ chức phát hành chứng khoán niêm yết. Trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức phát hành chứng khoán khi công bố thông tin phải đảm bảo tính trung thực, công khai và công bằng.
Việc niêm yết chứng khoán cũng cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin về các tổ chức phát hành, hỗ trợ thị trường hoạt động ổn định, xây dựng lòng tin của công chúng đối với thị trường chứng khoán bằng cách lựa chọn các chứng khoán có chất lượng cao để giao dịch.
Thông qua việc niêm yết công khai giúp cho việc xác định giá chứng khoán được công bằng trên thị trường đấu giá vì giá chứng khoán được hình thành trên cơ sở cung và cầu chứng khoán.
3. Giá niêm yết là gì?
Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân của tác giả Nguyễn Văn Ngọc thì giá niêm yết (tiếng Anh là list price) là bảng giá thông báo giá hàng hóa/dịch vụ cho người mua biết. Thực tế thì giá mà người mua thực tế trả thường thấp hơn giá niêm yết này vì nhà cung cấp sẽ có chế độ giảm giá khi khách hàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc chiết khấu khách mua hàng số lượng lớn.
Các nhà cung cấp quy định giá bán lẻ cho sản phẩm của doanh nghiệp mình, nhưng trên thực tế khách hàng có thể trả giá tháp hơn giá quy định đó vì sự cạnh tranh trong khâu bán lẻ.
Cách thức niêm yết giá được quy định tại Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP như sau:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết
Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.
– Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng.
– Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.
4. Công ty niêm yết là gì?
Công ty niêm yết là công ty công cộng mà sau khi đăng ký, cổ phiếu của công ty sẽ được mua bán công khai trên sàn giao dịch chứng khoán.
Sau khi trở thành công ty niêm yết, công ty này sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty niêm yết thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ cơ quan nhà nước cùng với sự công khai, minh bạch các thông tin về cổ phiếu,…
Để trở thành công ty niêm yết cần đáp ứng các điều kiện khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 quy định như:
– Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán
– Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán
– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua
– Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Nếu vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành
Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích, đồng thời phải có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán; phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán…