Hành vi mua, bán hay trao đổi hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia gọi là thương mại quốc tế. Thương mại quốc tế khác với thương mại nội địa, bởi vì thương mại nội địa chỉ diễn ra giữa các vùng, lãnh thổ và thành phố trong cùng một quốc gia. Do đó, có thể khẳng định rằng, mua bán ngoại thương chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với mua bán nội thương.
Những rủi ro mà mua bán nội thương thường gặp phải, ví dụ, mất khả năng thanh toán, lừa đảo… cũng tiềm ẩn trong mua bán ngoại thương, nhưng với quy mô và mức độ nguy hiểm hơn. Mặt khác, trong ngoại thương còn phát sinh một số rủi ro đặc thù mà trong nội thương không có, do đó, càng làm cho hoạt động ngoại thương trở nên có rủi ro cao hơn.
1. Nguyên nhân làm cho ngoại thương rủi ro hơn nội thương
Nguyên nhân làm cho ngoại thương rủi ro hơn nội thương bao gồm:
– Khoảng cách địa lý giữa các bên tham gia hợp đồng xa hơn, làm hạn chế sự hiểu biết lẫn nhau, hạn chế về am hiểu tình hình thị trường của đối tác, rủi ro vận chuyển hàng hóa tăng cao.
– Luật lệ điều chỉnh mua bán ngoại thương không đồng nhất, bởi vì không tồn tại một bộ luật thương mại quốc tế thống nhất, do đó hợp đồng ngoại thương chịu sự chi phối bởi luật pháp quốc gia và tập quán thương mại của nước xuất khẩu cũng như nước nhập khẩu. Quyết định của trọng tài trong nước rất khó thi hành ở nước ngoài, hơn nữa việc thi hành quyết định của toà án ở nước ngoài có thể là đắt hơn rất nhiều so với giá trị của chính vụ kiện.
– Bất đồng về ngôn ngữ làm cho rủi ro không hiểu biết lẫn nhau tăng lên, mỗi bên hiểu hợp đồng mua bán theo cách riêng của mình, dẫn đến hậu quả có thể là khôn lường. Cần hiểu biết chuyên môn và các thuật ngữ thương mại bằng ngôn ngữ của hợp đồng.
– Tâm lý và tập quán kinh doanh giữa các dân tộc, giữa các quốc gia và giữa các vùng có khác nhau, đòi hỏi nhà kinh doanh xuất nhập khẩu phải am hiểu và có nghệ thuật trong đàm phán và kỹ năng ký kết hợp đồng thích hợp.
– Ngoại thương còn phải chịu rủi ro bởi các hệ thống chính trị khác nhau, rủi ro quốc gia và rủi ro quy chế.
2. Các rủi ro phát sinh trong ngoại thương
Các rủi ro phát sinh trong ngoại thương thường được phân thành ba nhóm, đó là:
2.1. Nhóm rủi ro thương mại
Nhóm rủi ro thương mại bao gồm: Đối với nhà xuất khẩu, đó là: rủi ro về thị trường, rủi ro không nhận hàng, rủi ro không thanh toán; đối với nhà nhập khẩu, đó là rủi ro không giao hàng, rủi ro về hàng hóa, rủi ro vận chuyển hàng hóa…
2.2. Nhóm rủi ro chính trị
Nhóm rủi ro chính trị, bao gồm: Chiến tranh, nổi dậy, dân biến, đình công, cấm vận, cấm thanh toán…
2.3. Nhóm rủi ro đặc thù
Nhóm rủi ro đặc thù, bao gồm: Rủi ro ngôn ngữ, rủi ro pháp lý và rủi ro tỷ giá.
Ngày nay, phần lớn các rủi ro trong ngoại thương được hạn chế bởi các kỹ thuật phòng ngừa hiện đại. Ví dụ, đối với nhóm rủi ro chính trị, nhà xuất khẩu có thể mua bảo hiểm xuất khẩu; đối với nhóm rủi ro thương mại đó là các điều khoản được quy định trong hợp đồng mua bán quốc tế, ví dụ như điều khoản về thanh toán (bằng tín dụng chứng từ chẳng hạn), điều khoản về hàng hóa (yêu cầu giấy kiểm định số lượng và chất lượng), điều khoản về cơ sở giao hàng (Incoterms), thư tín dụng dự phòng… Nhìn chung các điều khoản bảo đảm an toàn trong mua bán quốc tế được thể hiện trong hợp đồng mua bán ngoại thương. Hợp đồng ngoại thương là một công cụ hữu hiệu giúp các bên tham gia hạn chế đáng kể những rủi ro phát sinh trong kinh doanh.
Các rủi ro phát sinh trong thương mại quốc tế có thể hạn chế bằng các quy định chặt chẽ trong các hợp đồng như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vận tải, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thanh toán; trong đó, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng cơ sở, còn các hợp đồng khác được bắt nguồn từ hợp đồng mua bán hàng hóa.