Thừa kế là việc người sống hưởng quyền sử dụng tài sản là di sản do người chết để lại. Những người có quyền hưởng thừa kế có quyền kế nhiệm tài sản, sở hữu và sử dụng phần tài sản mà mình được thừa kế. Tài sản thừa kế chính là di sản mà người chết để thừa kế lại cho những người còn sống. Tài sản thừa kế được chuyển dịch cho người còn sống dưới hình thức di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Nếu người chết để lại di chúc và bày tỏ nguyện vọng chia phần thừa kế theo ý chí của họ thì những người được có tên trong di chúc và những người có quyền thừa kế không phụ thuộc vào di chúc sẽ được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, khi một người chết đi không để lại di chúc thì việc thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật, người thừa kế được xác định theo hàng thừa kế.
2. Quyền thừa kế là gì? Đặc điểm của quyền thừa kế
Quyền thừa kế là quyền dân sự của công dân được quy định trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan khác. Quyền thừa kế có vai trò quan trọng trong xã hội và được pháp luật các nước thừa nhận dưới các hình thức khác nhau. Quyền thừa kế theo pháp luật Việt Nam bao gồm những vấn đề sau: quyền lập di chúc, quyền để lại tài sản theo ý nguyện, quyền được hưởng di sản. Quyền thừa kế có những đặc điểm sau:
2.1. Đối tượng thừa kế
Đối tượng được thừa kế được hiểu dưới góc độ pháp lý là tải sản thuộc sở hữu hợp của người chết được để lại cho người còn sống. Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền tài sản là quyền giá trị được bằng tiền, trong đó bao gồm quyền tài sản với đối tượng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và những quyền tài sản khác. Tài sản được thừa kế bao gồm những tài sản gì? Theo quy định tại Điều 105 Bô luật dân sự 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vậy tài sản được nhắc tới trong bộ luật dân sự được chia thành động sản và bất động sản. Hai loại tài sản này có thể là tải sản hiện có hoặc tài sản được hình thành trong tương lai.
2.2. Chủ thể thừa kế
Chủ thể của quyền này bao gồm quyền của người có di sản và quyền của người được hưởng di sản.
Về quyền của người để lại di sản thì Bộ luật dân sự 2015 cho phép mọi cá nhân có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình khi chết. Không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp…mọi cá nhân đề có quyền để lại di sản của mình cho người khác. Di sản của một người được thừa kế dưới hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu người chết để lại di chúc và tự định đoạt những người được hưởng thừa kế và phần thừa kế mà họ được hưởng thì di sản của họ sẽ được chia theo di chúc nếu di chúc đó được lập một cách hợp pháp. Nếu họ chết đi mà không để lại di chúc thì di sản mà họ để lại sẽ được chia theo pháp luật, những người thừa kế sẽ được xác định theo hàng thừa kế và phần thừa kế theo quy định.
Về quyền của người được hưởng di sản thì Bộ luật dân sự cũng đặt ra hai trường hợp là có di chúc và không có di chúc. Trường hợp có di chúc và một người có tên trong di chúc thì họ sẽ được hưởng phần di sản mà người chết để lại cho họ được ghi trong di chúc. Tuy nhiên, nếu không có di chúc hoặc một người không có tên trong di chúc thì họ chỉ được hưởng tài sản thừa kế khi họ thuộc trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào di chúc hoặc họ nằm trong hàng thừa kế được hưởng thừa kế mà thôi.
Bên cạnh đó thì pháp luật cũng quy định về những trường hợp không được chia thừa kế hoặc được phép từ chối thừa kế nếu không muốn nhận thừa kế tài sản. Bạn có thể đọc thêm Bộ luật dân sự 2015 để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
3. Quyền thừa kế tài sản của vợ chồng
Vợ chồng sau khi chết thì quyền thừa kế của người kia được xác định như thế nào? Vấn đề này cũng sẽ được chia thành hai trường hợp. Trường hợp một người chết có để lại di chúc và không để lại di chúc. Nếu họ để lại di chúc thì chia theo di chúc, không để lại di chúc thì chia theo pháp luật. Trường hợp người kia thuộc trường hợp không được nhận thừa kế theo quy định của pháp luật thì không được nhận thừa kế. Hoặc không muốn thừa kế tài sản thì cần phải làm đơn từ chối nhận di sản theo quy định của pháp luật.
4. Có được thừa kế bất động sản ở nước ngoài không?
Trường hợp người chết có tài sản ở nước ngoài thì việc thừa kế di sản phải tuân thủ theo quy định của pháp luật mà người đó mang quốc tịch. Nếu người chết mang quốc tịch Việt Nam thì quyền thừa kế được xác định theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, di sản để lại là bất động sản, do đó cần phải xem xét pháp luật của nước nơi có bất động sản có quy định như thế nào về phần bất động sản này. Nếu pháp luật nước đó cho phép thừa kế thì có thể được thừa kế.