Vận đơn đường biển rất đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, và được sử dụng vào nhiều công việc khác nhau, đặc biệt là trong thanh toán quốc tế bằng L/C. Chính vì vậy, việc nhận biết các loại vận đơn và ý nghĩa của chúng là vấn đề hết sức quan trọng đối với những người có liên quan, đặc biệt là đối nhà xuất nhập khẩu, các ngân hàng…. Có thể dựa vào tình trạng hàng hóa, đặc điểm hành trình, ghi chú trên vận đơn, khả năng lưu thông… để nhận biết các loại vận đơn. Cụ thể như sau:
1. Căn cứ vào tình trạng bốc xếp hàng hoá
Căn cứ vào tình trạng bốc xếp hàng hóa, tất cả các vận đơn đường biển được phân thành hai loại là: Vận đơn đã bốc hàng lên tàu và Vận đơn nhận hàng để chở.
1.1. Vận đơn đã bốc hàng lên tàu (Shipped on Board B/L)
Trong thương mại quốc tế, các điều kiện cơ sở giao hàng FOB, CIF và CFR được sử dụng phổ biến; do đó, nhà nhập khẩu cũng như ngân hàng phát hành L/C thường yêu cầu xuất trình vận đơn đường biển loại “Đã bốc hàng lên tàu” thì mới được thanh toán tiền hàng.
Cụm từ “đã bốc hàng lên tàu” có thể được in sẵn hoặc không được in sẵn trên vận đơn. Nếu chưa được in sẵn, để trở thành vận đơn “đã bốc hàng lên tàu”, người phát hành sẽ ghi thêm hay đóng dấu các chữ sau đây lên trên mặt trước của vận đơn:
– Hoặc: “Shipped on Board”,
– Hoặc “On Board”,
– Hoặc: “Shipped”,
– Hoặc “Laden on Board”.
Như vậy, cầm vận đơn trên tay nếu có in sẵn hoặc có ghi hay đóng dấu thêm các chữ như trên thì vận đơn đó thuộc loại “vận đơn đã bốc hàng lên tàu“.
1.2. Vận đơn nhận hàng để chở (Received for Shipment B/L)
Vận đơn nhận hàng để chở là loại vận đơn được phát hành sau khi người chuyên chở nhận hàng để chở và cam kết:
– Sẽ bốc hàng lên tàu tại cảng quy định như đã ghi trên vận đơn.
– Hàng hóa được vận chuyển bằng con tàu như đã ghi trên vận đơn.
Trong trường hợp nếu người chuyên chở đã nhận hàng nhưng lại chưa bốc hàng lên tàu do chưa có tàu hay chưa làm xong để xếp thủ tục hàng, hoặc chưa đủ hàng để xếp đầy lên tàu thì người chuyên chở chỉ có thể cấp cho người gửi hàng một vận đơn nhận hàng để chở.
2. Căn cứ vào phê chú trên vận đơn
Khi thuyền trưởng đã có phê chú xấu trên vận đơn về tình trạng hàng hóa và/hoặc bao bì, thì mọi hư hỏng, tổn thất về hàng hóa trong quá trình chuyên chở do các nguyên nhân đã được phê chú gây ra, trước hết thuộc về người gửi hàng, còn người chuyên chở được miễn trách.
Trên thực tế, có những phê chú làm mất tính hoàn hảo của vận đơn, nhưng cũng có những phê chú không làm cho vận đơn trở nên không hoàn hảo. Cụ thể như sau:
Vận đơn hoàn hảo là vận đơn không có phê chú xấu về hàng hóa và/hoặc bao bì.
Vận đơn không hoàn hảo là vận đơn có phê chú xấu về hàng hóa và/hoặc bao bì.
3. Căn cứ tính chất pháp lý về sở hữu hàng hoá
Theo Điều 17 UCP 600, chứng từ gốc bao gồm:
Bất kỳ chứng từ nào trên bề mặt có thể hiện chữ ký, ghi chú, đóng dấu hoặc nhãn hiệu gốc (original) của người phát hành chứng từ, trừ khi bản thân chứng từ chỉ ra nó không phải là chứng từ gốc.
Trừ khi chứng từ quy định ngược lại, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ như là chứng từ gốc, nếu chứng từ:
(i) thể hiện là được viết, đánh máy, đục lỗ hoặc dán tem bằng tay của người phát hành; hoặc
(ii) thể hiện là giấy văn thư gốc của người phát hành chứng từ; hoặc (iii) ghi là chứng từ gốc, trừ khi có tuyên bố không áp dụng đối với chứng từ xuất trình.
Căn cứ vào tính chất pháp lý về sở hữu hàng hóa, vận đơn được chia thành: Vận đơn gốc và bản sao vận đơn (vận đơn copy).
Hiện nay, các hãng tàu đều in sẵn mẫu vận đơn, trên đó có thể in sẵn từ “Original” hoặc “Copy” để phân biệt vận đơn gốc và bản sao vận đơn. Trong trường hợp in sẵn, vận đơn gốc và bản sao vận đơn đều giống nhau về nội dung ở mặt trước; mặt sau của vận đơn gốc in các điều khoản về chuyên chở, còn mặt sau của bản sao vận đơn thường để trống; ngoài ra, vận đơn gốc thường được in bằng chữ màu, còn bản sao vận đơn được in đen trắng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bản gốc và bản sao vận đơn của một hãng tàu là hoàn toàn giống nhau về hình thức và nội dung. Trong trường hợp này, để phân biệt đâu là bản gốc và đâu là bản sao ta phải căn cứ vào dấu hiệu trên vận đơn. Dấu hiệu bản gốc và bản sao trên vận đơn cũng có nhiều cách thể hiện, sau đây là các trường hợp:
Bản sao (Copy) là các chứng từ có dấu “Copy” hoặc các chứng từ không thể hiện là bản gốc. Bản sao không cần phải ký. Do hiện nay, vận đơn là chứng từ được in sẵn, và một bộ vận đơn gồm nhiều bản, trong đó thường có 3 bản gốc và nhiều bản sao, do đó, việc thể hiện bản gốc và bản sao vận đơn như sau:
Cách 1: Nếu là bản gốc thì in sẵn chữ “Original”, còn nếu là bản sao thì in sẵn chữ “Copy” lên mặt trước tờ vận đơn.
Cách 2: Vận đơn được in hoàn toàn giống nhau, khi phát hành, nếu là bản gốc thì đóng thêm dấu “Original”, còn nếu là bản sao thì đóng thêm dấu “Copy” lên mặt trước tờ vận đơn.
Cách 3: Nếu là bản gốc thì in “Negotiable Origin”, nếu là bản sao thì in “Copy Non-Negotiable”.
Cách 4: Ghi thứ tự các bản vận đơn gốc như sau: “First Original” – Bản gốc thứ nhất; “Second Original” – Bản gốc thứ hai; “Third Original” – Bản gốc thứ ba.
Cách 5: Thể hiện vận đơn gốc theo thông lệ vận tải quốc tế: “Original” – Bản gốc thứ nhất; “Duplicate” – Bản gốc thứ hai; “Triplicate” – Bản gốc thứ ba.
Hai cách thể hiện sau cùng, tuy không có chữ “Original”, nhưng vẫn được xem là bản gốc, vì đây là thông lệ quốc tế trong vận tải biển.
4. Căn cứ vào tính lưu thông của vận đơn
Căn cứ vào tính lưu thông, vận đơn đường biển được chia thành:
– Vận đơn đích danh (Straight B/L hay B/L to a named person).
– Vận đơn theo lệnh (B/L to order of…).
– Vận đơn vô danh (To bearer B/L).
5. Căn cứ vào phương thức thuê tàu
Căn cứ vào phương thức thuê tàu, vận đơn đường biển bao gồm vận đơn tàu chợ (Liner B/L) và Vận đơn tàu chuyến hay vận đơn theo hợp đồng thuê tàu (Congenbill)
6. Căn cứ vào phương thức thuê tàu
Căn cứ vào hành trình chuyên chở, vận đơn đường biển bao gồm: Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) và vận đơn chở suốt (through B/L).
Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là vận đơn được cấp trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở thẳng từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng mà không có chuyển tải dọc đường. Chuyển tải có nghĩa là việc dỡ hàng xuống rồi lại bốc hàng lên từ một con tàu này sang một con tàu khác trong hành trình vận tải biển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng. Vì không có chuyển tải, nên nếu trên vận đơn có sẵn ô “transhipment” thì phải để trống, không ghi gì; do đó, khi hợp đồng thương mại hay L/C yêu cầu vận đơn đi thẳng được thể hiện bằng câu “transhipment not allowed”, mà trên vận đơn lại thể hiện cảng chuyển tải, thì vận đơn đó coi như không đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng hay L/C. Trong trường hợp này, người bán có thể bị từ chối thanh toán giá trị hàng ghi trên vận đơn.
Vận đơn chở suốt (through B/L) là loại vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng nhiều con tàu, bởi một hay nhiều người chuyên chở, nghĩa là hàng hoá phải chuyển tải dọc đường. Vì được chuyển tải, nên trên vận đơn chở suốt phải thể hiện là được phép chuyển tải (transhipment allowed) và phải thể hiện rõ cảng bốc, cảng dỡ và cảng chuyển tải và tên con tàu chuyển tải. Vì có nhiều người chuyên chở cùng tham gia, nên thường có một người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ hành trình chuyên chở; người này được quyền cấp vận đơn chở suốt.
7. Một số loại vận đơn khác
7.1. Vận đơn rút gọn (Short B/L)
Vận đơn rút gọn (Short B/L) là vận đơn chỉ có nội dung ở mặt trước, mặt sau để trống. Ở mặt trước, ngoài những điều khoản có trên tờ vận đơn bình thường, còn có nguồn dẫn chiếu để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Vận đơn rút gọn thường được sử dụng khi thuê tàu chuyến vì ngoài vận đơn còn có hợp đồng thuê tàu chuyến như đã trình bày ở trên.
7.2. Vận đơn hải quan (Custom’s B/L)
Khi hàng chưa được bốc lên tàu mà phải nhập kho hải quan để làm thủ tục, thì Hải quan cấp cho chủ hàng một loại vận đơn gọi là vận đơn hải quan. Vận đơn hải quan chỉ được sử dụng để giải quyết thủ tục hải quan.
7.3. Vận đơn của người giao nhận (Forwarder B/L)
Theo truyền thống, thì vận đơn phải do người chuyên chở hay người đại diện cho họ cấp; tuy nhiên, ngày nay người giao nhận không chỉ làm đại lý, uỷ thác giao nhận hàng hóa đơn thuần, mà họ còn có thể cung cấp dịch vụ vận tải, nghĩa là họ có thêm chức năng vận tải (với vai trò là người chuyên chở hay MTO). Khi cấp vận đơn, người giao nhận sử dụng thống nhất mẫu vận đơn do FIATA phát hành. FIATA là tên viết tắt của Liên đoàn Quốc tế các nhà giao nhận hàng hoá (Fédération Internationale Association de Transitaires et Assimiles).
Vận đơn của FIATA (FBL) đã được ICC và các Ngân hàng chấp nhận. FBL tạo nên một hợp đồng chuyên chở do người giao nhận cấp với tư cách là một pháp nhân có chức năng chuyên chở hay người MTO, chứ không phải là đại lý giao nhận hàng hoá đơn thuần. Vì các công ty giao nhận hàng hoá có thể có chức năng là người chuyên chở hay người MTO, nhưng cũng có thể chỉ là đại lý giao nhận của người chuyên chở hay người MTO. Nếu là đại lý được uỷ quyền của người chuyên chở hay người MTO, người giao nhận sẽ thay mặt họ ký phát vận đơn. Trong trường hợp này, người giao nhận phải dùng mẫu vận đơn có ghi tên người chuyên chở/MTO cấp cho người gửi hàng.
Khi người giao nhận chỉ là đại lý giao nhận hàng hóa đơn thuần, tức không có chức năng chuyên chở và không được người chuyên chở/MTO uỷ quyền cấp vận đơn, thì khi giao nhận hàng hoá, người giao nhận cấp cho chủ hàng một biên lai nhận hàng (Forwarding Agents Certificate of Receipt FCR, hay Forwarding Agents Certificate of Transport – FCT). FCR và FCT không phải là chứng từ vận tải, mà chỉ là biên lai nhận hàng của đại lý giao nhận. Do đó, người mua cũng như ngân hàng phát hành L/C sẽ từ chối loại chứng từ này.
7.4. Vận đơn của bên thứ ba (third party Bill of Lading)
Vận đơn của bên thứ ba (third party Bill of Lading) là vận đơn, trên đó người gửi hàng không phải là người hưởng lợi L/C, mà là người khác. Theo phương thức Tín dụng chứng từ, người hưởng lợi L/C thường là người bán, tức người giao hàng, và được thể hiện trên vận đơn là Consignor hay Shipper. Tuy nhiên, trường hợp L/C chuyển nhượng, người thụ hưởng xuất trình chứng từ, trong đó vận đơn thể hiện người giao hàng là người khác (người thứ ba hay người được chuyển nhượng).
7.5. Vận đơn Container
Tuỳ theo tính chất hàng gửi bằng container là nguyên hay lẻ, mà vận đơn có thể là vận đơn nguyên container hay vận đơn container lẻ.
– Vận đơn nguyên Container (Full Container Load – FCL):
Khi người chuyên chở nhận hàng trực tiếp từ người gửi hàng là những container nguyên đã được niêm phong kẹp chì, thì người chuyên chở sẽ cấp cho người gửi hàng một vận đơn gọi là Container Bill of Lading. Thông thường, vận đơn container được cấp trước khi container được bốc lên tàu, do đó, nó thuộc loại vận đơn nhận hàng để chở (Received for Shipment). Vì mới chỉ nhận hàng để chở, nên theo phương thức thanh toán L/C các ngân hàng thường không chấp nhận thanh toán các vận đơn loại này, do đó, để được thanh toán thì trong L/C phải có quy định “chấp nhận vận đơn nhận hàng để chở – Received for Shipment Bill of Lading Acceptable). Nếu không quy định như vậy, thì sau khi container đã được bốc lên tàu, người gửi hàng phải yêu cầu người chuyên chở thay thế vận đơn “nhận hàng để chở” bằng vận đơn “đã bốc hàng lên tàu”; hoặc ghi chú thêm trên vận đơn là “Đã bốc hàng lên tàu – Shipped on Board”. Khi đã trở thành vận đơn “Đã bốc hàng lên tàu”, thì các ngân hàng sẽ chấp nhận và thanh toán.
– Vận đơn Container hàng lẻ (Less than Container Load – LCL):
Trong nhiều trường hợp, người gửi hàng không có đủ hàng để gửi nguyên container, do đó, phải gửi chung hàng với những người khác trong cùng một container, thì:
a/ Nếu người chuyên chở tiếp nhận hàng hóa để chở thì họ sẽ ký phát cho người gửi hàng một vận đơn container hàng lẻ (LCL/LCL), nó có chức năng tương tự như các loại vận đơn khác.
b/ Nếu người đại lý giao nhận đứng ra kinh doanh chuyên chở hàng lẻ, gom hàng từ các chủ hàng lẻ và thu xếp tổ chức vận chuyển, thì sẽ có 2 loại vận đơn được ký phát.
Thứ nhất, vận đơn của người chuyên chở cấp cho nhà đại lý gom hàng (Master Ocean B/L). Sau khi nhận container, người chuyên chở sẽ ký phát cho người gom hàng một vận đơn nguyên (FCL/FCL). Trên vận đơn nguyên sẽ ghi người gửi hàng là đại lý giao nhận tại cảng gửi và người nhận hàng là đại lý của người gom hàng tại cảng đích. Loại vận đơn này chỉ được dùng vào vận chuyển giao nhận hàng và điều chỉnh quan hệ pháp
lý giữa người chuyên chở và người đại lý giao nhận mà không có chức năng thanh toán theo L/C.
Thứ hai, vận đơn của người giao nhận hay người gom hàng (forwarder’s or House B/L). Người giao nhận đứng trên danh nghĩa người thầu chuyên chở ký phát cho người chủ hàng lẻ vận đơn của mình hoặc vận đơn theo mẫu của FIATA (nếu người giao nhận là thành viên của FIATA). Vận đơn bao gồm đủ các thông tin chi tiết cần thiết, trong đó người gửi hàng là chủ hàng lẻ (người xuất khẩu) và người nhận hàng là người nhập khẩu, người này sẽ xuất trình vận đơn cho đại diện hay đại lý người giao nhận để nhận hàng ở cảng đích. Thông thường, loại vận đơn này dùng trong thanh toán mua bán và giao dịch, nhưng để tránh trường hợp ngân hàng có thể từ chối chấp nhận vận đơn của người giao nhận, người xuất khẩu yêu cầu người nhập khẩu quy định trong L/C: “Vận đơn của người giao nhận hoặc vận đơn FIATA được chấp nhận – House or Forwarder’s or FIATA B/L Acceptable”.
Tóm lại, vận đơn là chứng từ quan trọng không thể thiếu trong thương mại và thanh toán quốc tế. Để giảm thiểu rủi ro và các tranh chấp, thì việc nhận biết và sử dụng tốt các loại vận đơn là yêu cầu tất yếu đối với tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cán bộ ngân hàng làm công tác thanh toán quốc tế và những nhà kinh doanh xuất nhập khẩu.