1. Khái niệm nhà nước
Nhà nước là một hiện tượng xã hội quan trọng và phức tạp nhất trong thượng tầng chính trị – pháp lý của xã hội, liên quan đến lợi ích các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Trải qua các thời kì lịch sử, đã có nhiều học giả, các nhà tư tưởng quan tâm nghiên cứu và đưa ra nhiều luận giải khác nhau về nhà nước. Theo nhà tư tưởng Aristote ở thời kỳ cổ đại, sự kết hợp giữa các gia đình đã tạo ra Nhà nước. Một số quan điểm khác cho rằng, Vua chính là nhà nước (nhà nước là Trẫm); Nhà nước là một thể nhân, một cơ thể nhân tạo; Nhà nước là đội quân vũ trang được tách ra khỏi xã hội để làm nhiệm vụ quản lý v.v…
Dưới khía cạnh tiếp cận về trật tự pháp luật, nhà nước được xác định là “một tập hợp các thể chế nắm giữ những phương tiện cưỡng chế hợp pháp, thi hành trên một vùng lãnh thổ được xác định và người dân sống trên lãnh thổ đó được đề cập như một xã hội”. Nghiên cứu nhà nước trong mối tương quan với quốc gia, một số học giả cho rằng “nhà nước là một đơn vị chính trị độc lập, có một vùng lãnh thổ được công nhận là dưới quyền thống trị của nó
Theo C.Mác, “Nhà nước là một cơ quan thống trị giai cấp, là một cơ quan áp bức của một giai cấp này đối với một giai cấp khác”. Lênin quan niệm: “Nhà nước bao giờ cũng là một bộ máy nhất định, nó tự tách ra từ xã hội và gồm một nhóm người chỉ chuyên hay gần như chỉ chuyên làm công việc cai trị”.
Như vậy, khái niệm nhà nước được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau của các học giả cho thấy nội hàm của nhà nước khá phức tạp, đa chiều. Sự ra đời, tồn tại của nhà nước trong đời sống xã hội là tất yếu, khách quan nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý xã hội, phục vụ và đại diện cho lợi ích của giai cấp cầm quyền trong xã hội.
Từ những phân tích trên, có thể định nghĩa về nhà nước như sau: Nhà nước là một tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt, có bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện chức năng quản lý xã hội, phục vụ và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền và lợi ích chung của xã hội.

2. Bản chất, đặc điểm của nhà nước
2.1. Bản chất của nhà nước
Bản chất nhà nước là vấn đề then chốt và quan trọng bởi sự liên quan mật thiết đến lợi ích chính trị của giai cấp cầm quyền. Bản chất nhà nước là một trong những vấn đề phức tạp nhất, khó khăn nhất được các học giả, các nhà văn và các nhà triết học tư sản tranh luận nhiều.
Bản chất nhà nước được hiểu là tổng hợp những mặt, những thuộc tính tương đối ổn định bên trong của nhà nước, quy định sự tồn tại và phát triển của nhà nước.
Nhà nước, xuất phát là một hiện tượng xã hội, được hình thành từ hai yếu tố cơ bản là yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội. Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, nhằm bảo vệ trước hết lợi ích của giai cấp cầm quyền và quản lý trật tự xã hội, chính vì vậy, việc nghiên cứu bản chất của nhà nước phải xuất phát từ hai khía cạnh: tính giai cấp và tính xã hội.
2.1.1. Tính giai cấp
Tính giai cấp của nhà nước thể hiện thông qua sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, thể hiện trên ba mặt: quyền lực kinh tế, chính trị, tư tưởng.
– Quyền lực kinh tế: Giữ vai trò quyết định, là cơ sở để bảo đảm cho sự thống trị giai cấp. Quyền lực kinh tế tạo ra cho người chủ sở hữu khả năng có thể bắt những người bị bóc lột phải phụ thuộc về mặt kinh tế.
Nhưng bản thân quyền lực kinh tế không thể duy trì được các quan hệ bóc lột nên giai cấp thống trị cần sử dụng Nhà nước để củng cố quyền lực kinh tế của mình.
– Quyền lực chính trị: Giai cấp cầm quyền sử dụng nhà nước như một công cụ đặc biệt nhằm trấn áp và thống trị các giai cấp khác, chính vì vậy nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị. Thông qua nhà nước, ý chí của giai cấp cầm quyền được chuyển hóa thành ý chí của nhà nước và “buộc” các giai cấp khác trong xã hội phải tuân thủ.
– Quyền lực tư tưởng: Thông qua nhà nước, ý chí và hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền được thể hiện một cách tập trung thống nhất, trở thành hệ tư tưởng thống trị trong toàn xã hội, bắt các giai cấp khác phải lệ thuộc mình về mặt tư tưởng.
2.1.2. Tính xã hội
Với tư cách là bộ máy thực thi quyền lực công cộng nhằm duy trì trật tự và sự ổn định của xã hội, nhà nước còn có tính xã hội. Trong bất cứ xã hội nào, bên cạnh việc chăm lo bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị cầm quyền, nhà nước cũng buộc phải chú ý đến lợi ích chung của xã hội, giải quyết những vấn đề mà đời sống cộng đồng xã hội đặt ra, chẳng hạn về y tế, giao thông, an sinh xã hội, đấu tranh chống tội phạm và các hoạt động xã hội khác.
Nhà nước là một tổ chức quyền lực công cộng, nhân danh xã hội để thực hiện quản lý xã hội, nhà nước không thể tồn tại nếu chỉ phục vụ và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền mà không quan tâm đến lợi ích và nguyện vọng của các giai tầng khác trong xã hội. Tuy nhiên, tính xã hội của nhà nước trong từng kiểu nhà nước không giống nhau, phụ thuộc vào các điều kiện, đặc thù cũng như hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Như vậy, tính giai cấp và tính xã hội của nhà nước là hai thuộc tính gắn kết, đan xen chặt chẽ với nhau. Đặc biệt, trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, tính xã hội của nhà nước có xu hướng ngày càng tăng, tính giai cấp có xu hướng giảm dần.
2.2. Đặc điểm của nhà nước
Đặc điểm của nhà nước được hiểu là nét điển hình, đặc trưng cơ bản nhằm phân biệt nhà nước với các tổ chức khác không phải nhà nước. Nhà nước có năm đặc điểm sau đây:
2.2.1. Nhà nước thiết lập một quyền lực công cộng đặc biệt, không hòa nhập với dân cư
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, quyền lực do toàn xã hội tổ chức ra, chưa mang tính giai cấp, phục vụ lợi ích của cả cộng đồng. Khi xuất hiện nhà nước thì quyền lực công cộng đặc biệt được thiết lập. Để thực hiện quyền lực này và để quản lý xã hội, nhà nước có một lớp người đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ quản lý và bộ máy chuyên nghiệp, vừa thực hiện quản lí xã hội và nhiệm vụ cưỡng chế gồm quân đội, cảnh sát, tòa án, nhà tù.
2.2.2. Nhà nước có chủ quyền quốc gia
Chủ quyền quốc gia mang nội dung chính trị pháp lý, nó thể hiện quyền độc lập tự quyết của nhà nước về những chính sách đối nội và đối ngoại không phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài.
2.2.3. Nhà nước phân chia dân cư theo lãnh thổ
Trong phạm vi lãnh thổ, nhà nước phân chia dân cư thành các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm cho hoạt động quản lý của nhà nước tập trung, thống nhất và chặt chẽ hơn, phạm vi tác động của nhà nước trên quy mô rộng lớn hơn. Mặt khác, việc phân chia này dẫn đến việc hình thành bộ máy hoàn chỉnh các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
2.2.4. Nhà nước quy định thuế và thực hiện việc thu các loại thuế
Thuế là nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhằm duy trì quyền lực xã hội của nhà nước, nuôi dưỡng bộ máy nhà nước – lớp người đặc biệt, tách ra khỏi lao động, sản xuất, để thực hiện chức năng quản lý, đồng thời, thuế cũng được sử dụng để điều tiết xã hội. Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền ban hành quy định về các loại thuế và thu thuế phù hợp với bản chất, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của mình.
2.2.5. Nhà nước ban hành pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật
Với tư cách là người thực thi quyền lực công cộng duy trì trật tự xã hội, nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và áp dụng pháp luật để quản lý xã hội.