1. Quá trình thực hiện vai trò xã hội
Đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, mỗi con người (cá nhân) bình thường đều phải thực hiện những chức năng, những nhiệm vụ nhất định trong xã hội. Đó là vai trò xã hội của cá nhân, được thực hiện ở cơ quan, xí nghiệp nơi cá nhân công tác, vai trò ở các tổ chức xã hội mà cá nhân tham gia …
Để thực hiện tốt vai trò xã hội của mình, cá nhân cần phải có những năng lực nhất định, có tình cảm và thái độ đúng đắn đối với nó. Những nghiên cứu của các nhà tâm lý học Nga cho thấy, con người chỉ thực hiện tốt vai trò xã hội của mình khi họ cho rằng, vai trò xã hội của bản thân là quan trọng và việc thực hiện nó đem lại những nguồn lợi đủ để thoả mãn nhu cầu (vật chất, tinh thần) của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò xã hội, có thể có những nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc trong tâm lý của cá nhân.
Có thể kể đến các nguyên nhân cơ bản sau:
– Cá nhân không có đủ các phẩm chất tâm – sinh lý mà vai trò xã hội của họ đòi hỏi. Ví dụ: một người làm cán bộ kinh doanh, nhưng anh ta lại không có đủ tính quyết đoán, sự nhạy bén, năng động cần phải có. Từ đó, hình thành ở anh ta những đặc điểm tâm lý tiêu cực như: chán nản, chây lười, thụ động trong công việc.
– Cá nhân có thái độ tiêu cực đối với vai trò xã hội của bản thân. Ví dụ, một người làm nghề y, nhưng anh ta lại không có được thái độ y đức cần thiết. Hệ quả là anh ta đã lợi dụng nghề nghiệp để lừa đảo, hoặc có thái độ vô trách nhiệm đối với người bệnh… đó chính là những biểu hiện lệch lạc trong tâm lý cá nhân.
Những nguyên nhân nêu trên làm cho cá nhân không thể thực hiện tốt vai trò xã hội của mình, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cá nhân. Ở cá nhân có thể hình thành thái độ vô trách nhiệm với công việc, lạm dụng quyền hạn của mình vì lợi ích của cá nhân, làm giảm tính tích cực và tính sáng tạo của họ trong công việc, nảy sinh tính vô kỷ luật và thiếu ý thức trách nhiệm…
Đồng thời, những thuộc tính tâm lý trong cấu trúc nhân cách như nhu cầu, thế giới quan, tính cách… cũng thay đổi theo chiều hướng lệch lạc. Từ đây xuất hiện khoảng cách, nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn giữa cá nhân với tập thể và xã hội.
2. Quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội
Kinh nghiệm xã hội là toàn bộ những tri thức, hiểu biết, những kỹ năng, kỹ xảo mà xã hội loài người tích luỹ được. Trong quá trình sống và hoạt động, cá nhân tiếp thu kinh nghiệm xã hội qua nhiều con đường: giao tiếp với những người xung quanh, học tập và hoạt động thực tiễn, qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình…
Trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội những nguyên nhân sau có thể làm hình thành ở cá nhân sự lệch lạc trong tâm lý;
– Cá nhân không tích cực, không tự giác tiếp thu kinh nghiệm xã hội. Ví dụ: những học sinh lười biếng, học tập theo cách “đối phó” thì kiến thức của họ không sâu, không vững, có nhiều “lỗ hổng”. Chính sự thiếu hụt kiến thức sẽ dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức, thái độ và hình thành những đặc điểm tâm lý tiêu cực ở cá nhân.
– Trong các kinh nghiệm mà cá nhân tiếp thu có những khiếm khuyết, lệch lạc nhất định.
Đây là trường hợp cá nhân tiếp thu, bắt chước những cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội. Ví dụ: tại một phiên tòa xét xử băng cướp “nhí” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh (1997), khi chủ toạ hỏi, tại sao thủ tiêu đồng bọn một cách dã man như vậy, tên cầm đầu đã trả lời rằng, đó là do chúng bắt chước theo phim.
– Cá nhân chỉ quan tâm tiếp thu những kinh nghiệm mà nhờ đó có thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Điều này làm cho hệ thống kinh nghiệm của cá nhân phiến diện và cá nhân không có được sự phát triển nhân cách toàn diện, thậm chí có thể nảy sinh những tình cảm ích kỷ, thái độ vô cảm với người khác…
Tất cả những nguyên nhân trên sẽ dẫn tới những lệch lạc trong sự phát triển nhân cách, làm nảy sinh những đặc điểm tâm lý tiêu cực, làm thay đổi những cấu trúc của nhân cách theo chiều hướng chống đối lại các chuẩn mực của xã hội.
3. Hệ thống giao tiếp
Giao tiếp là điều kiện để tâm lý con người phát triển bình thường. Trong giao tiếp, nhiều phẩm chất tâm lý được hình thành và phát triển, đặc biệt là các phẩm chất biểu hiện đạo đức của con người. Tuy nhiên, trong quá trình giao tiêp của cá nhân có thể nảy sinh những nguyên nhân, những điều kiện ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển tâm lý cá nhân. Có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu sau:
– Các quan hệ giao tiếp cơ bản trong đời sống và hoạt động của cá nhân không thực hiện được đầy đủ chức năng của mình.
Giao tiếp có nhiều chức năng: nhận thức, cảm xúc, phê bình và tự phê bình… Nhờ các chức năng đó mà thông qua giao tiếp, cá nhân mới có thể lĩnh hội đầy đủ các kinh nghiệm, chuẩn mực cần thiết, tâm lý nhân cách mới phát triển đúng đắn. Khi các quan hệ giao tiếp cơ bản (những giao tiếp thường xuyên diễn ra trong đời sống hằng ngày của cá nhân) không thực hiện đầy đủ các chức năng này thì sự phát triển tâm lý của cá nhân dễ xuất hiện những lệch lạc. Ví dụ: những trẻ em thiếu sự quan tâm của bố mẹ thường cảm thấy cô độc, thiếu thốn tình cảm… và các em dễ trở nên lạnh lùng, khép kín, hoài nghi người lớn…
– Cá nhân tham gia vào các quan hệ giao tiếp ở những nhóm không chuẩn mực, có hoạt động không lành mạnh, có mục đích chống đối xã hội. Ví dụ: một số trẻ em do bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo trở nên hư hỏng và đi vào con đường phạm tội.
Những nguyên nhân nói trên trong hệ thống giao tiếp sẽ làm hình thành ở cá nhân những lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức đức và hành vi, làm hình thành những quan điểm sống và định hướng giá trị tiêu cực, đối kháng với xã hội, xói mòn các quan hệ giao tiếp lành mạnh sẵn có, làm sâu sắc thêm các đặc điểm tâm lý tiêu cực ở các nhân…
4. Quá trình kiểm tra xã hội
Kiểm tra xã hội là tập hợp những quy định, những biện pháp của nhà nước nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi của cá nhân phù hợp với lợi ích của xã hội, đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội.
Trong quá trình kiểm tra xã hội có thể tồn tại những nguyên nhân nhất định làm mức độ kiểm tra bị giảm xuống. Các nguyên nhân này có thể là khách quan hoặc chủ quan.
– Nguyên nhân khách quan là những yếu tố, những sự kiện xảy ra trong đời sống của xã hội, ngoài ý muốn chủ quan của cá nhân như: thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh… làm cho nhà nước và xã hội không thể duy trì chế độ kiểm tra ở mức độ bình thường
– Nguyên nhân chủ quan tồn tại trong nhận thức, đánh giá của cá nhân. Ví dụ, cá nhân cho rằng, trong các quy định và biện pháp của chế độ kiểm tra hiện hành có những điểm yếu, những kẽ hở và cá nhân đã lợi dụng chúng đổ nới lỏng hành vi, xử sự của mình. Ví dụ, cá nhân đã lợi dụng sự không chặt chẽ trong các quy định của pháp luật về “hoàn thuế giá trị gia tăng” cho các mặt hàng xuất khẩu để thu lợi bất chính cho bản thân.
Trong mọi trường hợp, khi sự kiểm ưa xã hội bị suy yếu sẽ có thể làm giảm khả năng tự ý thức của cá nhân, giảm vai trò định hướng và điều chỉnh của tập thể, đưa cá nhân đến chỗ coi thường các chuẩn mực xã hội.
5. Quá trình thích nghi xã hội
Trong các môi trường xã hội (vi mô và vĩ mô) luôn diễn ra những thay đổi nhất định. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, cá nhãn cũng phải thay đổi nhận thức, thái độ, quan điểm, lập trường, thói quen, xúc cảm, tình cảm… của mình cho phù hợp. Đó là sự thích nghi của cá nhân với môi trường xã hội.
ự thích nghi xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
– Mức độ biến đổi của môi trường xã hội (nhanh hay chậm, rộng hay hẹp…);
– Đặc điểm tâm lý của cá nhân (khí chất, tính cách, xu hướng, thói quen, năng lực, tình cảm…);
– Nhận thức và thái độ của cá nhân đối với sự thay đổi của môi trường xã hội.
Trong trường hợp cá nhân không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường xã hội thì sẽ làm xuất hiện ở họ những đặc điểm tâm lý tiêu cực như: Sự mâu thuẫn, bất đồng với xã hội, làm giảm ý thức pháp luật của các nhân…
Tóm lại, trong quá trình xã hội hoá con người có thể tồn tại những nguyên nhân nhất định, đó là những điều kiện xã hội không thuận lợi.
Chúng ảnh hưởng xấu đến tâm lý con người, làm nảy sinh và phát triển các đặc điểm tâm lý tiêu cực, các thói quen không phù hợp với yêu cầu của xã hội, làm tăng khoảng cách và mâu thuẫn giữa con người với xã hội, từ đó dẫn đến xu hướng chống đối xã hội và những chuẩn mực của xã hội, đó chính là những nguyên nhân tiềm tàng của hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi phạm tội nói riêng.