Xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế). Xung đột pháp luật là một hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế. Nó phát sinh do hai nhóm nguyên nhân.
1. Nguyên nhân khách quan
1.1. Do pháp luật của các nước có sự khác nhau
Pháp luật do nhà nước xây dựng nên, phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội… của nước mình. Vì vậy có rất nhiều yếu tố làm cho pháp luật của các nước trên thế giới không giống nhau. Đó có thể là:
– Do nguyên nhân chính trị, kinh tế, xã hội
Các quốc gia đều tồn tại dựa trên một nền tảng kinh tế nhất định với một chế độ sở hữu tương ứng. Mà chế độ sở hữu là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, có mối quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng trong đó pháp luật là một cấu thành quan trọng. Vì vậy, dựa trên một chế độ sở hữu nhất định thì pháp luật cũng được hình thành để phản ánh một cách phù hợp và tương xứng. Trên thế giới có những quốc gia được tạo dựng trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nhưng ngược lại cũng có những quốc gia được tạo dựng dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Từ các chế độ sở hữu đó mà pháp luật được xây dựng ở các quốc gia này cũng có sự khác biệt căn bản.
– Nhưng không phải các nước có cùng chế độ sở hữu, có cùng chế độ chính trị thì pháp luật sẽ giống nhau mà pháp luật các nước này vẫn có những quy định khác nhau, bởi cách giải thích pháp luật khác nhau, áp dụng pháp luật khác nhau và hơn nữa là trình độ phát triển ở các nước là không đồng đều.
– Sự khác nhau giữa hệ thống pháp luật các nước còn có thể từ các nguyên nhân khác như tập quán, truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo...
Nhưng nếu chỉ có sự khác nhau của các hệ thống pháp luật của các quốc gia thì cũng sẽ không có xung đột pháp luật vì khi các quan hệ nảy sinh ở đâu sẽ do luật pháp của nội bộ quốc gia đó điều chỉnh, mà không có hiện tượng có các hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng. Vì vậy, để hiện tượng xung đột pháp luật phát sinh nhất thiết phải có những lí do khác nữa hay các nguyên nhân khác nữa, được trình bày ở các mục tiếp theo dưới đây.
1.2. Do đối tượng điều chỉnh có sự hiện diện của yếu tố nước ngoài
Các quan hệ mà tư pháp quốc tế điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, các quan hệ này luôn liên quan tới ít nhất là hai hoặc có thể là nhiều hơn hai hệ thống pháp luật. Như trên đã trình bày, các hệ thống pháp luật là bình đẳng với nhau nên các hệ thống pháp luật đó đều có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ, khi đó xung đột pháp luật nảy sinh – một hiện tượng rất đặc biệt trong tư pháp quốc tế.
2. Nguyên nhân chủ quan: Có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước
Thực tế có những quan hệ pháp luật nảy sinh, mặc dù hệ thống pháp luật của các nước là khác nhau, cũng có sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài tức là thoả mãn hai điều kiện của nguyên nhân khách quan nêu trên, nhưng vẫn không có xung đột pháp luật. Ví dụ đó là các quan hệ trong lĩnh vực luật công, điển hình là các quan hệ tình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài.
Làm một bài toán phản chứng, giả sử các quan hệ này nảy sinh và cho rằng có xung đột pháp luật, tức là có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ phải có sự chọn lựa trong số các hệ thống pháp luật có thể được áp dụng đó, lấy một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ đang xem xét. Kết quả của sự lựa chọn này tất yếu không phải mọi trường hợp sẽ là luật quốc gia của Việt Nam, mà sẽ có trường hợp là luật hình sự, hành chính của nước ngoài. Khi đó luật hình sự, hành chính của nước ngoài sẽ được áp dụng để bảo vệ các quan hệ đó, các quan hệ đặc biệt được xác định là sự ổn định của an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà khi đặt ra pháp luật để bảo vệ các quan hệ này, các quốc gia, không chỉ Việt Nam, luôn xác định là để bảo vệ những giá trị cốt lõi, nền tảng của chính mình. Nói một cách khác, nếu thừa nhận có xung đột pháp luật trong lĩnh vực luật công thì đồng nghĩa với việc chấp nhận có thể áp dụng pháp luật nước ngoài, và điều đó là một điều hết sức vô lí và không thực tiễn không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước. Vì vậy, như trên đã trình bày, các quốc gia đều từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài hay không đặt ra việc chọn luật để rồi có thể có nguy cơ áp dụng pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực này nên giả sử trên cho rằng các quan hệ hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài phát sinh cũng phát sinh xung đột pháp luật là không có cơ sở. Các quan hệ này được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và tuyệt đối trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, một khi các quan hệ đó bị xâm phạm tức là các giá trị căn bản của cuộc sống, xã hội bị tác động tới, các lợi ích công bị xâm phạm thì bất kể người vi phạm là người nước nào, đang cư trú ở đâu đều sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật quốc gia nơi quan hệ (được quy định trong luật công) bị xâm phạm.
Như vậy có thể kết luận là các quan hệ hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài dù có đủ các nguyên nhân khách quan nhưng vẫn không có xung đột pháp luật. Việc không có xung đột pháp luật trong các lĩnh vực này xuất phát từ việc thiếu nguyên nhân chủ quan hay các quốc gia tự nhận thấy không thể chấp nhận hiện tượng xung đột pháp luật, tức là các quốc gia từ chối việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong các lĩnh vực đó.
Trong khi đó, các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát sinh sẽ phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật. Do bản chất của các quan hệ này là các quan hệ dân sự, các quan hệ đời thường diễn ra hàng ngày giữa người dân với nhau, họ là các chủ thể ngang quyền và bình đẳng với nhau. Chính yếu tố bình đẳng trong các quan hệ này là cơ sở để có thể đặt ra vấn đề bình đẳng trong luật pháp giữa các nước và khi quan hệ liên quan đến nhiều quốc gia thì nhiều hệ thống pháp luật tương ứng sẽ có thể được cân nhắc áp dụng để điều chỉnh quan hệ cụ thể đang xem xét, tức là có xung đột pháp luật. Nói cách khác, do đặc trưng của quan hệ dân sự không quá “nghiêm trọng” mà các quốc gia đều thừa nhận khả năng có thể áp dụng pháp luật nước ngoài với những điều kiện nhất định.
Tóm lại, các quan hệ tư pháp quốc tế nảy sinh đa phần làm nảy sinh các điều kiện khách quan để hiện tượng xung đột pháp luật xuất hiện, thêm vào đó với bản chất “bình dân” của mình thì nhà nước (yếu tố chủ quan) cũng thừa nhận, cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài. Đấy là điều kiện cần và đủ để hiện tượng xung đột pháp luật tồn tại trong các quan hệ tư pháp quốc tế.
Như vậy, lí do khách quan là tiền đề quan trọng để xuất hiện hiện tượng xung đột pháp luật, lí do chủ quan là lí do quyết định có tồn tại xung đột pháp luật hay không. Nếu lí do khách quan được đáp ứng, quan hệ lại rơi vào nhóm được nhà nước thừa nhận có thể áp dụng pháp luật nước ngoài thì xung đột pháp luật nảy sinh như các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Nếu lí do khách quan thoả mãn nhưng lại không có sự đồng ý cho áp dụng pháp luật nước ngoài trong loại quan hệ đó thì hiện tượng xung đột pháp luật cũng không thể nảy sinh như các quan hệ trong lĩnh vực luật công có yếu tố nước ngoài.