Tư tưởng về dân chủ đại diện có một lịch sử rất sâu xa và bên cạnh đó, sự thực hành của dân chủ đại diện đã và đang bồi đắp thêm những kinh nghiệm cho nhân loại về việc thúc đẩy vai trò của nó. Thời kỳ cổ đại với những tư tưởng sơ khai nhưng lại đóng vai trò là nền móng cho sự ra đời của tư tưởng dân chủ đại diện.
1. Thời kỳ cổ đại ở phương Tây
Khi nghiên cứu về lịch sử thế giới cổ đại, thông thường người ta phân chia thế giới thành hai khu vực chính: phương Đông và phương Tây với những điểm khác biệt nhau cơ bản về văn hóa, sắc tộc, kinh tế cũng như tư tưởng. Phương Tây mà trung tâm là nền văn minh Hy Lạp – La Mã được coi là cái nôi khai sinh tư tưởng dân chủ có vị trí quan trọng trong lịch sử chính trị của nhân loại. Cụ thể, khi nói đến tư tưởng dân chủ ở nơi đây, chúng ta cần chú ý một số điểm:
– Các dòng tư tưởng đáng lưu ý
Khi nói đến dân chủ, không thể không quan tâm tới ý thức của người dân về quyền làm chủ của mình. Từ rất sớm, Hêraclít (530-470 TCN) đã nhận thức được về điều này. Ông cho rằng, hạnh phúc của con người không phải ở sự thỏa mãn nhu cầu thể xác mà là ở sự tư duy, ở chỗ biết nói sự thật, biết lắng nghe tiếng nói của tự nhiên và biết hành động theo tự nhiên[1]. Tư tưởng này tiến bộ ở chỗ, nó thúc đẩy sự tự chủ của con người thông qua hành động dựa trên lý tính, khuyên răn con người biết vươn tới làm chủ chính mình thay vì hưởng thụ những hạnh phúc, tự do được ban phát. Đối với Đêmôcrít (460-370 TCN), bên cạnh tư tưởng triết học duy vật tiến bộ so với thời đại thì ông cũng rất ủng hộ nền dân chủ. Theo ông “nghèo trong một nước dân chủ còn hơn là giàu có trong một nước độc tài, vì tự do tốt hơn nô lệ”[2]. Đối với ông, hạnh phúc nằm ở việc được tận hưởng một bầu không khí chính trị dân chủ chứ không nằm ở sự giàu có hay nghèo khổ. Bên cạnh đó, Arixtốt (384-322 TCN) đã có những nghiên cứu khá khách quan về vấn đề nhà nước, chính quyền trong đó có dân chủ. Trong tác phẩm của mình, ông đã dùng khái niệm “dân chủ” để chỉ loại chính quyền thuộc về nhiều người, và so sánh nó với chế độ quân chủ (quyền lực thuộc về một người) và quả đầu (quyền lực thuộc về một thiểu số)[3]. Tính khách quan trong nghiên cứu của ông thể hiện ở chỗ, ông đã chỉ ra những ưu, nhược điểm của cả ba hình thức chính quyền trên. Tư tưởng của Arixtốt còn tiếp tục gây ảnh hưởng lên các học giả La Mã sau khi đế quốc này chiếm được Hy Lạp, với những nhân vật điển hình như Polybe và Ciceron, vốn không tán dương một chính thể thuần túy nào mà cần dung hòa cả các yếu tố của quân chủ, quý tộc và dân chủ[4].
– Nền dân chủ tại Aten
Trong lịch sử phương Tây, thành bang Aten được coi là “đỉnh cao của nền dân chủ cổ đại”[5]. Điều này cho chúng ta thấy, dân chủ không chỉ đơn thuần là một luồng tư tưởng mà thực sự đã trở thành một hình mẫu. Sự tồn tại của nền dân chủ Aten là kết quả của sự phát triển, tiến hóa của xã hội với những động lực và đấu tranh nhất định. Đỉnh cao này thể hiện ở những điểm như[6]: (1) Công dân Aten được quyền tham gia vào Hội nghị công dân để quyết định các vấn đề quan trọng nhất và bầu ra những cơ quan khác; (2) Nền dân chủ được bảo vệ bằng luật cho phép trục xuất những người độc tài khi có số đông dân cử bỏ phiếu (Ostracism); (3) Dân cư được quản lý dựa trên các đơn vị hành chính được phân chia rõ ràng nhằm phá bỏ sự tồn tại của chế độ quý tộc. Quá trình hình thành nền dân chủ ở Aten thường được mô tả qua ba cuộc cải cách lớn của Xôlông, Clitxten và Pêriclét. Nhìn chung, mục đích và động lực cho sự tồn tại của nền dân chủ ở Aten thể hiển ở chỗ: Ở Aten, giai cấp chủ nô mới giàu có nhờ buôn bán thương nghiệp (Aten là một hải cảng lớn) luôn muốn chống lại giai cấp chủ nô cũ vốn chiếm nhiều đất đai canh tác nên sớm liên kết với giới bình dân để mở rộng quyền làm chủ chính quyền vốn do giới quý tộc nắm giữ[7]. Như vậy, dân chủ ở phương Tây cổ đại không đơn thuần là một ý niệm, một học thuyết mà đã trở thành một hiện thực để nghiên cứu và học hỏi. Nền dân chủ Aten tuy có nhiều khiếm khuyết nhưng nó đã khơi lên một cảm hứng cho việc xây dựng chính quyền mà ở đó người dân có nhiều quyền lực hơn trong việc quyết sách các vấn đề quan trọng. Cảm hứng đó một phần đến từ việc nền dân chủ Aten chính là bệ đỡ cho sự thăng hoa về văn hóa, triết học, nghệ thuật cũng như quân sự của thành bang này khi Aten đã dẫn đầu Hy Lạp hai lần đánh thắng đế quốc Ba Tư.
– Mô hình dân chủ gián tiếp tại La Mã
Lịch sử La Mã trải qua ba giai đoạn chính. Thời kỳ đầu gắn với sự hình thành nhà nước và chế độ vương quyền. Giai đoạn thứ hai đánh dấu thời kỳ thịnh trị và bành trướng của đất nước này, từ một thành bang nhỏ bé dần vươn ra khắp khu vực Địa Trung Hải. Thời kỳ này cũng gắn với nền cộng hòa nổi tiếng tại đây. Cuối cùng là giai đoạn La Mã quay về với mô hình quân chủ với nhiều biến động trước khi suy vong vào năm 476 SCN. Mặc dù Nhà nước cộng hòa ở La Mã thường được xếp vào loại hình thức cộng hòa quý tộc[8], nhưng những mô thức của dân chủ “đại diện” như bầu cử, giám sát việc thực hành dân chủ đã tồn tại ở đây. Điển hình nhất là trong bộ máy nhà nước La Mã thời kỳ này có Viện Nguyên lão đóng vai trò cơ quan quyền lực cao nhất được bầu ra bởi những người quý tộc và Viện Dân biểu được bầu ra bởi người dân; những quyết sách của Nhà nước được thông qua bởi một bộ máy hình thành do bầu cử và có thể bị xem xét nếu như chúng xâm phạm lợi ích của người dân.
Có thể thấy rằng, cả Aten và La Mã đều để lại những bài học về dân chủ. Tuy nhiên, nếu như ở Aten, hình mẫu dân chủ trực tiếp có phần bó hẹp trong khuôn khổ một thành bang với dân số và diện tích nhỏ, thì những yếu tố mang tính dân chủ đại diện của nền cộng hòa La Mã lại được học tập và mô phỏng nhiều hơn[9]. Ngay trong những cuộc tranh luận làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ, một thiết chế cổ xưa của La Mã là Viện Dân biểu đã được đưa ra xem xét và cân nhắc[10]. Như vậy, có thể thấy xã hội phương Tây cổ đại đã thai nghén không chỉ tư tưởng dân chủ mà còn cả những nền dân chủ trong thực tế.
2. Thời kỳ Khai sáng và các cuộc cách mạng hình thành nền dân chủ đại diện
Châu Âu bước vào thế kỷ XVII, XVIII với những thay đổi to lớn về kinh tế, xã hội và kéo theo đó là các cuộc cách mạng cả về tư tưởng. Sự ra đời và lớn mạnh của giai cấp tư sản cùng những mâu thuẫn sâu sắc với chế độ phong kiến khiến cho họ phải liên kết với nông dân và giới bình dân cho cuộc tranh đấu của mình. Đó là căn nguyên sâu xa cho sự ra đời của những dòng tư tưởng cổ vũ dân chủ nói chung và dân chủ đại diện nói riêng.
Là người đóng góp cho cả thuyết khế ước xã hội và thuyết phân quyền, John Locke (1632-1704) đã đặt ra những nền móng hết sức cơ bản cho nền dân chủ đại diện. Điều này thể hiện ở hai điểm. Trước hết, John Locke khẳng định quy luật cơ bản của nền dân chủ, đó là đa số thắng thiểu số. Trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền – Chính quyền dân sự”, ông viết: “Họ vì thế cũng đã tạo cho cộng đồng đó một cơ quan có quyền lực để hành động, với tư cách là một cơ thể chung, chỉ theo ý chí và quyết định của đa số”[11]. Có thể thấy, John Locke đã nhắc đến cả nguyên tắc đa số và việc thiết lập một cơ quan phục vụ ý chí của đa số. Và với chính bản chất phục vụ đa số này, chính cơ quan có quyền lực tối cao (cơ quan lập pháp), theo Locke, cũng phải chịu những giới hạn nhất định. Theo ông, “quyền lực đó, ở ranh giới cuối cùng của nó, chịu sự giới hạn vào lợi ích công của xã hội”[12]. Điều này cũng phản ánh bản chất “đại diện” của cơ quan lập pháp, tức là nó mặc dù có quyền lực rất lớn nhưng không thể làm gì khác ngoài những thứ mà nó đại diện. So sánh với các nhà nước chuyên chế, ta có thể thấy Locke đã chỉ ra vai trò cực kỳ quan trọng của nền dân chủ đại diện đó là khả năng giới hạn quyền lực nhà nước. Thứ hai, Locke cũng đề cập đến một vấn đề tối quan trọng mà dân chủ đại diện đem tới, đó là khả năng người dân có quyền dùng lá phiếu để quyết định việc thiết lập một chính quyền phù hợp với mình hơn. Quyền lực này thuộc về nhân dân và nhân dân là người xứng đáng nhất. Theo ông, “Nhân dân sẽ là người phán xét, vì còn ai là người phán xét rằng người được ủy thác hay thay mặt cho mình có hành động xứng đáng và có theo sự ủy thác được đặt vào hay không, ngoài người đã ủy nhiệm cho ông”[13]. Có thể thấy rằng, tư tưởng của Locke nói chung cũng như lý thuyết của ông về dân chủ đại diện nói riêng nổi lên tinh thần cách mạng trong việc giới hạn quyền lực nhà nước và trao quyền làm chủ cho nhân dân. Tư tưởng này đã soi đường, làm sáng tỏ tinh thần của cách mạng tư sản Anh (1688) và gây ảnh hưởng lớn tới cách mạng Mỹ (1774)[14].
Trào lưu Khai sáng ở Pháp lại chứng kiến những quan niệm đối lập nhau về dân chủ đại diện. Montesquieu (1689-1755) được coi là người tiếp nối và phát triển học thuyết phân chia quyền lực lên tầm cao nhất. Bản thân ông cũng có những kiến giải nhất định về vấn đề dân chủ. Trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về tinh thần pháp luật”, ông đã khẳng định rằng: “luật về cách bầu cử cũng là một luật cơ bản trong nền dân chủ… Vì cách bầu cử ở mỗi nước cộng hòa một khác, nên tôi cho rằng cũng nên bàn thêm: tất nhiên khi dân đi bỏ phiếu thì cuộc bầu cử phải công khai. Đây phải là một điều luật cơ bản của nền dân chủ”[15]. Như vậy, Montesquieu đã khẳng định và cổ vũ cho việc công khai hóa bầu cử và coi đây là điều cơ bản cho sự tồn tại của nền dân chủ. Điều này có thể bắt gặp trong nguyên tắc bầu cử của hầu hết các quốc gia đương đại. Bên cạnh đó, Montesquieu còn đi sâu vào vấn đề mang tính tranh luận giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, mặc dù cả hai đều là cách thức người dân làm chủ quyền lực nhà nước.
Rousseau (1712-1778), là người đề xướng thuyết chủ quyền nhân dân với tác phẩm “Khế ước xã hội”,cũng chỉ ra một vài điểm bất hợp lý của phương thức đại diện. Đầu tiên, ông nhấn mạnh việc ý chí của tập thể là rất khó để thay mặt, cụ thể “quyền tối thượng, vì lý do không thể di nhượng được, nên không thể để ai đại diện; nó cốt yếu nằm trong ý chí tập thể, và sẽ không để cho người khác đại diện được”[16]. Tiếp theo, ông cũng chỉ ra rằng, việc bầu cử ra những quan chức có vai trò đại diện có thể rơi vào tình trạng những người này xa rời vai trò của mình. Montesquieu thì lập luận rằng, dân chủ đại diện sẽ đẩy từng người dân đến việc phải thực hiện những việc mà họ không đủ sức làm. Chẳng hạn, nếu bất kỳ công việc nào cũng cần tất cả người dân quyết sách thì sẽ có những việc mà đa số người dân không đủ trình độ để hiểu. Ông cho rằng, “dân chúng chỉ nên tham gia việc nước bằng cách chọn đại biểu của mình là những người đủ năng lực làm việc”[17]. Ông phê phán nước Đức, nơi các vị đại biểu phải hỏi ý kiến cử tri với từng việc nhỏ bởi ông cho rằng lối làm việc này sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian xử lý các công việc và làm ngưng trệ sức mạnh quốc gia trong những trường hợp cấp bách. Bên cạnh đó, ông cũng rất sâu sắc khi chỉ ra một điểm yếu của nền dân chủ đại diện. Cụ thể, “khi cơ quan lập pháp khóa này thay thế khóa kia liên tục, nhân dân sẽ có quan niệm xấu đối với nghị viện đương thời, chi hy vọng ở nghị viện khóa sau nhưng rồi khóa nào cũng như nhau thì nhân dân sẽ thấy rõ cơ quan lập pháp đã bại hoại, chẳng hy vọng gì ở luật pháp nữa, họ sẽ tức giận hoặc hững hờ với việc nước”[18].
Một trong những học giả nghiên cứu toàn diện về dân chủ đại diện phải kể tới trong thời kỳ này là John Stuart Mill (1806-1873). Ông đã nhận diện được vấn đề cốt lõi nhất của dân chủ đại diện, đó là bình đẳng. Theo ông, “Ý tưởng thuần khiết của dân chủ theo định nghĩa của nó là chính quyền của toàn thể nhân dân do toàn thể nhân dân đều được đại diện bình đẳng”[19]. Đối với ông, nền dân chủ hoàn hảo không chỉ dựa trên sức mạnh số đông mà còn cần phải có đại diện theo giai cấp. Đặc biệt, ông chỉ ra một vấn đề rất được quan tâm, đó là bảo vệ quyền lợi của thiểu số trong khi vẫn tôn trọng quyết định đa số. Ông khẳng định “các nhóm thiểu số phải được đại diện đầy đủ, ấy chính là một phần mang tính bản chất của nền dân chủ. Không có điều này thì không thể nào có dân chủ thực sự mà chỉ là màn trình diễn giả dối của dân chủ mà thôi”[20]. Ông cũng đòi hỏi quyền bầu cử cho nữ giới, thể hiện qua tác phẩm “Sự áp bức phụ nữ” được viết năm 1869 và đệ đơn yêu cầu quyền bầu cử cho phụ nữ với 1.500 chữ ký lên Hạ viện Anh. Đây có thể coi là một nỗ lực đầy tiến bộ của ông nếu xét trong bối cảnh thời bấy giờ. Nhìn chung, đóng góp của Mill thể hiện ở chỗ, ông đã chú giải tỉ mỉ về chính thể – cơ quan quyền lực nhà nước chịu trách nhiệm tối cao trong việc tổ chức, quản lý con người và xã hội, về quyền lực nhà nước, về dân chủ, ông đi sâu phân tích hình thức chính thể thức lý tưởng bằng cách phân biệt dân chủ chính hiệu và dân chủ giả hiệu, dựa trên thuyết công lợi đưa ra tiêu chuẩn đánh giá chính thể, vạch ra phương hướng xây dựng một chính thể đại diện cho tất cả chứ không phải cho số đông cơ học[21].
Ở Hoa Kỳ, dân chủ đại diện được coi là một truyền thống từ thời lập quốc[22]. Vì vậy, điều dễ hiểu là các nhà tư tưởng và cách mạng ở đây đã ra sức bảo vệ cho nền dân chủ đại diện như thế nào. James Madison (1751-1836), người được coi là cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ đã khẳng định: “Hiệu quả của một nền dân chủ đại diện là tinh chỉnh và mở rộng quan điểm của công chúng, bằng cách đưa những quan điểm đó thông qua trung gian là một công dân được lựa chọn, người mà có trí tuệ để nhận ra rõ nhất lợi ích thực sử của quốc gia là gì”[23]. Những tranh luận về việc cho phép người dân bầu cơ quan lập pháp liên bang ở Hoa Kỳ chủ yếu xoay quanh góc độ tính hiệu quả của điều này[24]. Với cơ cấu hai viện, các nhà lập hiến Hoa Kỳ chấp nhận một viện sẽ do người dân trực tiếp bầu ra, còn viện kia sẽ do cơ quan lập pháp tiểu bang bầu[25]. Nói chung, việc lựa chọn mô hình dân chủ đại diện ở Hoa Kỳ là một quá trình tranh đấu. Bản chất của một nhà nước liên bang khiến cho dân chủ đại diện lại càng có cơ hội phát triển bởi tính chất khác biệt và đa dạng trong xã hội. Một mô hình dân chủ trực tiếp có thể bị lợi dụng để khiến người dân đồng thuận theo những phương án đã được định sẵn. Trong khi đó, dân chủ đại diện sẽ giúp các cuộc thảo luận xung quanh những khác biệt về quan điểm chính sách được sâu sắc hơn do những người đại diện thường có tiếng nói mạnh mẽ và hiểu biết chuyên sâu. Nền dân chủ đại diện ở Hoa Kỳ đã trải qua gạn lọc lịch sử với hàng trăm năm tồn tại. Đó cũng là lý do tại sao khi nghiên cứu về Nhà nước Hoa Kỳ, học giả Alexis de Tocqueville đã tán thưởng sự pha trộn khéo lẽo giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện ở đây[26]. Ông mô tả: “Khi thì nghị hội làm luật giống như ở Athènes, khi thì các dân biểu được bầu tiến hành việc này dưới sự giám sát gần như trực tiếp của nhân dân”[27]. Như vậy, dân chủ đại diện ở Hoa Kỳ là một yếu tố đóng góp vào sức mạnh của nền dân chủ ở nơi đây. Nó cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia khi xây dựng nền dân chủ của mình.
Kết luận
Những tư tưởng về dân chủ đại diện đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử. Nó thai nghén từ các nền văn minh phương Tây, và tiếp tục được các quốc gia châu Âu nuôi dưỡng trong suốt thời kỳ Khai sáng. Lịch sử tư tưởng về dân chủ đại diện cho thấy, nó không chỉ ra đời một cách tự nhiên, trong những bối cảnh kinh tế, xã hội nhất định, mà còn trở thành một hệ giá trị mà ngày nay, nhân loại vẫn tìm về tham khảo nhằm hoàn thiện hệ thống chính quyền để bảo vệ tốt hơn quyền con người. Bên cạnh đó, dân chủ đại diện còn là kết quả của những cuộc đấu tranh khốc liệt thời kỳ cách mạng tư sản. Do đó, nó là sự kết tinh không chỉ của trí tuệ mà còn từ thực tiễn sống động của nhân loại./.