1. Nguồn của luật hành chính là gì?
Nguồn của luật hành chính là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và dưới những hình thức nhất định, có nội dung là các quy phạm pháp luật hành chính, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các đối tượng có liên quan và được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.
Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này.”
Chỉ có những văn bản quy phạm pháp luật mới tạo ra tiền đề cần thiết cho việc thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa – một trong những nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính nhà nước. Tính chặt chẽ và ổn định tương đối của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có những văn bản quy phạm pháp luật để xác định rõ cơ cấu, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp, những mối liên hệ công tác chủ yếu giữa chúng nhằm bảo đảm cho hoạt động của cả bộ máy nhà nước được tiến hành đồng bộ, cùng hướng tới việc thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước bộ máy nhà nước nói chung và trước từng cơ quan nhà nước nói riêng.
Nguồn của luật hành chính không phải là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ bao gồm những văn bản quy phạm pháp luật có các quy phạm pháp luật hành chính, tức là những quy phạm pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước.
Phần lớn và là phần quan trọng trong nguồn của luật hành chính là những văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan hành chính nhà nước ban hành trong phạm vi thẩm quyền của từng cơ quan.
Thông thường, các văn bản quy phạm pháp luật hành chính được ban hành bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng có những văn bản do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc một cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ban hành.
Từ những điều đã phân tích ở trên cho thấy luật hành chính có hệ thống nguồn khá phức tạp. Nếu xem xét kỹ hơn thì điều đó có nghĩa là không có cơ quan chuyên ban hành chỉ riêng các văn bản quy phạm pháp luật hành chính. Chúng được ban hành bởi nhiều cơ quan khác nhau, có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, ở những cấp khác nhau. Tuy nhiên, những văn bản quy phạm pháp luật hành chính đều xuất phát từ một nguồn – đó là luật hiến pháp.

2. Phân loại nguồn của luật hành chính
Căn cứ vào cơ quan ban hành, nguồn của luật hành chính gồm sáu loại:
– Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước.
– Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước.
– Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước.
– Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán nhà nước.
– Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch.
2.1. Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước
2.1.1. Luật
Luật là hình thức cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ vì hiệu lực pháp lý của nó mà còn vì sự uỷ quyền pháp lý – luật do chính những đại biểu dân cử làm ra.
Loại văn bản pháp luật này có hai đặc điểm là do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành và có hiệu lực pháp lí cao hơn tất cả các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vị trí cao nhất của luật thể hiện ở chỗ chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế hay bãi bỏ luật. Mặt khác, mọi văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành đều bắt buộc phải có nội dung phù hợp với luật và nhằm thi hành luật.
Căn cứ vào nội dung, tính chất và ý nghĩa của những điều quy định trong luật, có thể phân biệt hiến pháp và luật. Hiến pháp (gồm hiến pháp và các luật bổ sung hay sửa đổi hiến pháp) là luật cơ bản của Nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng, địa vị pháp lí của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước v.v.. Như vậy, hiến pháp quy định những điều cơ bản có tính nguyên tắc, làm cơ sở cho toàn bộ hệ thống pháp luật, trong đó có luật hành chính. Hiến pháp là nguồn quan trọng nhất của luật hành chính.
Các luật quy định các vấn đề cơ bản thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Các luật đều có nội dung là những quy định cụ thể, chi tiết những vấn đề cơ bản được ghi nhận trong hiến pháp. Thực tiễn lập pháp cho thấy luật quy định những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước và xã hội khi những vấn đề đó đã chín muồi và có đủ điều kiện để Quốc hội quy định ổn định trong thời gian dài.
Trong các luật do Quốc hội ban hành, những luật có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính là nguồn quan trọng của luật hành chính (như Luật tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ, Công chức v.v.).
2.1.2. Nghị quyết của Quốc hội
Nghị quyết của Quốc hội được ban hành để quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; điều chỉnh ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định chế độ làm việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phê chuẩn điều ước quốc tế và quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những nghị quyết hoặc phần của nghị quyết có chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính. Ví dụ: Nghị quyết của Quốc hội số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Pháp lệnh do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành để định về các vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành luật. Pháp lệnh có hiệu lực pháp lí thấp hơn luật.
Trong thực tiễn ở nước ta, pháp lệnh dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng mà chưa có luật điều chỉnh, nói cách khác, chưa có đủ điều kiện để ban hành luật.
Có nhiều pháp lệnh có chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính và được coi là nguồn của luật hành chính. Ví dụ, Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật số 01/2012/UBTVQH13 ngày 22/3/2012.
2.1.3. Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh; hướng dẫn hoạt động của hội đồng nhân dân; quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương và quyết định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết hoặc phần của nghị quyết có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính. Ví dụ: Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 1053/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 10/11/2006 giải thích khoản 6 Điều 19 Luật kiểm toán nhà nước.
– Nghị quyết của hội đồng nhân dân: Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân năm 2004 thì nghị quyết là hình thức văn bản quy phạm pháp luật duy nhất mà hội đồng nhân dân các cấp ban hành và được ban hành trong các trường hợp sau đây:
+ Quyết định những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;
+ Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;
+ Quyết định biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho;
+ Quyết định trong phạm vi thẩm quyền được giao những chủ trương, biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhằm phát huy tiềm năng của địa phương nhưng không được trái với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
+ Văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho hội đồng nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.
Khi trong nghị quyết có các quy phạm pháp luật hành chính thì nghị quyết (hoặc một phần của nghị quyết) được coi là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội số 08/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2.2. Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước
Chủ tịch nước có quyền ban hành lệnh và quyết định để thực hiện những nhiệm vụ của Chủ tịch nước do hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. Phần lớn các văn bản do Chủ tịch nước ban hành là văn bản áp dụng pháp luật. Những văn bản (hoặc phần văn bản) có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính. Ví dụ: Quyết định của Chủ tịch nước số 207/QĐ/CTN ngày 06/7/1994 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Văn phòng Chủ tịch nước.
2.3. Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước
2.3.1. Nghị định của Chính phủ
Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:
+ Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
+ Quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lí, điều hành của Chính phủ;
+ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
+ Quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lí nhà nước, quản lí kinh tế, quản lý xã hội. Việc ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Như vậy, nghị định của Chính phủ có thể chia thành hai loại. Loại thứ nhất là nghị định quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hộ, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ; các biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Loại thứ hai là nghị định quy định những vấn đề hết sức cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đối với loại thứ hai thì việc ban hành những nghị định này phải được sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Ví dụ: Nghị định của Chính phủ số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.
2.3.2. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để định các vấn đề sau đây:
+ Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
+ Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ví dụ: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 về việc ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển. Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:
+ Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
+ Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách;
+ Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao.
Ví dụ: Thông tư của Bộ trưởng Bộ xây dựng số 19/2013/TT- BXD ngày 31/10/2013 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời.
2.3.3. Quyết định của uỷ ban nhân dân
Quyết định của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp, chính sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; quyết định của uỷ ban nhân dân cấp huyện được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực quản lí nhà nước trên địa bàn huyện; quyết định của uỷ ban nhân dân cấp xã được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn xã phù hợp với các quy định của Luật tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của cơ quan nhà nước cấp trên. Những quyết định, trong đó quy định các biện pháp cụ thể bảo đảm việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp; quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các biện pháp về quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương được coi là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau số 18/2013/QĐ-UBND ngày 18/11/2013 ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức thuộc thẩm quyền quản lí của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau.
2.3.4. Chỉ thị của uỷ ban nhân dân
Chỉ thị của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện được ban hành để quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động, đôn đốc và kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của hội đồng nhân dân cùng cấp và quyết định của mình. Chỉ thị của uỷ ban nhân dân cấp xã được ban hành để quy định các biện pháp để chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lí trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của hội đồng nhân dân cùng cấp và quyết định của mình.
Nếu trong chỉ thị có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính thì được coi là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh số 17/2008/CT-UBND ngày 08/9/2008 về quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2.4. Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao: Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.
Những nghị quyết có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tố tụng hành chính.
Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lý các tòa án nhân dân địa phương và toà án quân sự về tổ chức; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ví dụ: Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao số 03/2009/TT-TANDTC ngày 05/3/2009 hướng dẫn việc giới thiệu bầu và đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm tòa án nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức hội đồng nhân dân.
2.5. Văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán nhà nước
Tổng kiểm toán nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức quyết định. Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước được ban hành để quy định, hướng dẫn các chuẩn mực kiểm toán nhà nước; quy định cụ thể quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán. Ví dụ: Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước số 02/2013/QĐ-KTNN ngày 29/3/2013 ban hành Quy trình kiểm toán ngân sách nhà nước.
2.6. Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch
Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành dưới hình thức thông tư liên tịch.
Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ được ban hành để hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng chính phủ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó.
Phần lớn thông tư liên tịch loại này là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Thông tư liên tịch của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao, Bộ lao động-thương binh và xã hội số 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 08/5/2008 hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Văn bản chung của những cơ quan kể trên được ban hành dưới hình thức thông tư liên tịch. Chúng được ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động tố tụng và những vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó.
Phần của thông tư liên tịch có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng, Bộ nội vụ số 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV ngày 20/10/2011 về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân.
– Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội:
Văn bản quy phạm pháp luật giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội được ban hành dưới hình thức nghị quyết liên tịch.
Nghị quyết liên tịch được ban hành để hướng dẫn thi hành những quy định của pháp luật về việc tổ chức chính trị-xã hội đó tham gia quản lý nhà nước khi được pháp luật quy định quyền tham gia quản lí nhà nước. Những nghị quyết này là nguồn của luật hành chính.
Ví dụ: Nghị quyết liên tịch của Chính phủ và Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam số 05/2006/NQLT-CP- UBTUMTTQVN ngày 21/4/2006 về việc ban hành Quy chế “Mặt trận tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.
Bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật đã được giới thiệu trên đây còn có một số loại văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực. Đó là: Nghị quyết của Chính phủ; chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; văn bản liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì những văn bản đó vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi bị bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.
Nhiệm vụ quan trọng đặt ra trước các cơ quan nhà nước là thường xuyên rà soát, định kì hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Riêng đối với luật hành chính thì nhiệm vụ hệ thống hóa là đặc biệt phức tạp vì những lí do sau đây:
– Khối lượng quan hệ xã hội do luật hành chính điều chỉnh rất lớn.
– Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính rất đa dạng.
– Bản thân pháp luật hành chính luôn biến động để đáp ứng kịp với thay đổi của tình hình trong từng ngành, từng lĩnh vực của quản lí hành chính nhà nước.
So với các ngành luật khác, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hành chính là nhiều hơn cả. Những quy phạm pháp luật hành chính được ban hành bởi rất nhiều cơ quan ở những cấp, những ngành khác nhau nên khả năng ban hành ra những quy định trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Trong tình hình đó, việc nắm vững để thực hiện đúng các quy định pháp luật là nhiệm vụ rất khó khăn. Đồng thời việc kế hoạch hóa công tác xây dựng pháp luật nhằm cải tiến hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng gặp nhiều trở ngại. Hệ thống hóa nguồn của luật hành chính là biện pháp cơ hội trong lĩnh vực được pháp điển phải có tính chất tương đối ổn định và có ranh giới tương đối rõ ràng.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác hệ thống hoá nguồn của luật hành chính chủ yếu được tiến hành dưới dạng tập hợp hoá.