Những người trong thời gian chờ nghỉ hưu có phải tiếp tục đóng BHXH không? Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình đối với BHXH trong giai đoạn quan trọng này của cuộc đời.
1. Người nghỉ chở hưu có phải đóng BHXH không?
Theo quy định, người nghỉ chờ hưu không bắt buộc phải đóng BHXH mà đó là sự lựa chọn của bạn. Cụ thể như sau:
Dựa trên quy định tại Khoản 1 Điều 2, Khoản 1 Điều 124 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, và Khoản 2 Điều 38 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động làm việc theo các loại hợp đồng sau:
(1) hợp đồng lao động không thời hạn,
(2) hợp đồng lao động có thời hạn,
(3) hợp đồng lao động theo mùa vụ/ theo công việc nhất định có thời hạn từ 3 tháng – 12 tháng,
và (4) hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng – 3 tháng (kể từ ngày 01/01/2018) thì đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Nếu trong thời gian chờ đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng mà người lao động vẫn tiếp tục tham gia BHXH, thì thời gian này sẽ được cộng nối với thời gian công tác đã được ghi nhận trong quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để tính hưởng BHXH theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo quy định trên, nếu bạn đang nghỉ chờ hưu thì không bắt buộc phải đóng BHXH. Nhưng nếu bạn quyết định tiếp tục làm việc theo một trong các loại hợp đồng lao động nêu trên, thì bạn và người sử dụng lao động phải đóng BHXH bắt buộc để thời gian đóng BHXH được cộng nối với thời gian đã làm việc thực tế, làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định.
2. Làm việc sau tuổi nghỉ hưu có phải đóng BHXH?
Theo khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu người lao động làm việc sau tuổi nghỉ hưu thì vẫn phải tham gia BHXH bắt buộc, và người lao động khi đó thuộc đối tượng người lao động cao tuổi theo Bộ luật lao động 2019.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định rằng người hưởng lương hưu mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, nếu người làm việc sau tuổi nghỉ hưu nhưng đang được hưởng lương hưu thì không phải tham gia BHXH bắt buộc. Nếu trường hợp người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng vẫn tiếp tục làm việc và chưa hưởng lương hưu thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Khi đó, người sử dụng lao động/công ty/doanh nghiệp nơi làm việc của người lao động phải có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định.
3. Có phải đóng thêm BHXH tự nguyện khi nghỉ chờ hưu?
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động từ đủ 15 tuổi sẽ được tham gia BHXH tự nguyện nếu họ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, trường hợp bạn đang chờ nghỉ hưu và không tiếp tục làm việc thì không phải tham gia BHXH bắt buộc, khi đó bạn có thể lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người dân không bắt buộc phải tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể quyết định và cân nhắc tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí với mức cao hơn.
Để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, bạn cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
1. Tờ khai đăng ký tham gia BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS:
– Mẫu tờ khai có thể được tải xuống tại website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn cư trú.
– Điền đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân, thông tin về thời gian tham gia BHXH tự nguyện, mức thu nhập lựa chọn, v.v. theo hướng dẫn trên mẫu tờ khai.
2. Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân: Bản gốc và bản sao công chứng hoặc bản sao có đối chiếu với bản gốc.
3. Sổ hộ khẩu/Giấy tờ tạm trú: Bản gốc và bản sao công chứng hoặc bản sao có đối chiếu với bản gốc.
4. Sổ BHXH (nếu có): Bản gốc và bản sao công chứng hoặc bản sao có đối chiếu với bản gốc.
Lưu ý:
– Hồ sơ đăng ký BHXH tự nguyện cần đảm bảo đầy đủ, chính xác và hợp lệ theo quy định.
– Bạn nên nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn cư trú để được hướng dẫn và hỗ trợ.
– Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được sổ BHXH tự nguyện và có thể bắt đầu đóng BHXH từ tháng tiếp theo.