Người giám hộ gồm những ai? Điều kiện để trở thành người giám hộ là gì? Trường hợp nào chấm dứt giám hộ?… Xoay quanh vấn đề người giám hộ gồm những ai sẽ được LawFirm.Vn trình bày cụ thể trong bài viết dưới đây.
1. Người giám hộ gồm những ai? Điều kiện là giám hộ thế nào?
Bộ luật Dân sự 2015 quy định có 3 hình thức giám hộ là giám hộ đương nhiên, giám hộ cử, giám hộ chỉ định. Mỗi hình thức giám hộ lại được áp dụng trong trường hợp cụ thể khi thỏa mãn những điều kiện nhất định. Nếu phân chia giám hộ theo tiêu chí là cá nhân hay tổ chức thì giám hộ được phân loại thành giám hộ là cá nhân và giám hộ là pháp nhân.
Để trở thành giám hộ thì người giám hộ phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 49, Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ | Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ | |
Điều kiện cụ thể | – Là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Là khả năng của từng cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, quyền và nghĩa vụ dân sự; – Là người có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ: Thực tế cho thấy, để kiểm nghiệm, xác định người có đạo đức tốt hay không là điều rất khó, gần như không có tiêu chí cụ thể, rõ ràng nào để xác định điều này. Thường thì cần dựa vào hành vi của người này, việc đối xử với người thân, gia đình, khả năng/sự mong muốn gánh vác trách nhiệm,… Các điều kiện cần thiết khác được hiểu như về nơi ở, công việc, thời gian chăm sóc,… – Cá nhân này phải không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không là người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội danh cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe/hoặc danh dự/hoặc nhân phẩm/hoặc tài sản của người khác; – Cá nhân này cũng không thuộc trường hợp là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên; Như vậy, có 4 điều kiện đối với cá nhân để trở thành người giám hộ. | – Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ: Tức là pháp nhân bằng khả năng của mình có các quyền, nghĩa vụ phù hợp với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được giám hộ. Ví dụ như việc pháp nhân được thành lập hợp pháp, được hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có trụ sở/chi nhánh/hiện diện thương mại tại Việt Nam;… – Pháp nhân có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ: Ví dụ các điều kiện cần thiết để pháp nhân thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người được giám hộ như có thể cung cấp nơi ở cho người được giám hộ, có người có chuyên môn/có năng lực để chăm sóc cho người được giám hộ,…; Như vậy, pháp luật quy định 2 điều kiện mà pháp nhân phải đảm bảo để trở thành người giám hộ. |
Căn cứ pháp lý | Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 | Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015 |
Kết luận: Tùy thuộc trường hợp người giám hộ là cá nhân hay pháp nhân mà các điều kiện để trở thành người giám hộ cũng khác nhau. Dù người giám hộ là giám hộ đương nhiên hay giám hộ cử, giám hộ chỉ định thì đều phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện đã nêu như trên.
2. Chuyển giao giám hộ trong trường hợp nào?
Điều 61 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, giám hộ cũng có thể được chuyển giao. Các trường hợp cần chuyển giao giám hộ có thể liệt kê đến như các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:
1. Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:
a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 của Bộ luật này;
b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;
c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
Ngoài ra, giám hộ cũng có thể được chuyển giao nếu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Khi chuyển giao giám hộ, bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao phải thực hiện theo trình tự luật định. Cụ thể như sau:
Bước 1: Lập biên bản chuyển giao giám hộ
Văn bản chuyển giao giám hộ phải ghi nhận rõ lý do chuyển giao, vấn đề về tính trạng tài sản của người được giám hộ cùng các vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ.
Bước 2: Sự chứng kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Cơ quan cử giám hộ (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ) hoặc cơ quan chỉ định người giám hộ (Tòa án nhân dân có thẩm quyền) và người giám sát việc giám hộ là những người chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.
Bước 3: Người giám hộ mới đăng ký giám hộ theo quy định pháp luật
Khi nhận chuyển giao việc giám hộ, người giám hộ mới có nghĩa vụ đăng ký việc giám hộ tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Như vậy, giám hộ có thể được chuyển giao từ người này sang người khác trong trường hợp như theo nhu cầu của người giám hộ, khi người giám hộ không còn đủ điều kiện… Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản/biên bản và người giám hộ mới có nghĩa vụ đăng ký giám hộ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.