Theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay là 360.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác (Khoản 2, Điều 4).
Việc hưởng tiền trợ cấp xã hội hàng tháng được tính theo công thức:
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng = Mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội x Hệ số
Trong đó, hệ số tương ứng được quy định như sau:
– Đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2021:
+ Hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi;
+ Hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên.
– Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 (Người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi).
– Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 20/2021 (Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo):
+ Hệ số 2,5 đối với đối tượng dưới 4 tuổi;
+ Hệ số 2,0 đối với đối tượng từ đủ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi.
– Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 20/2021 (Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ, đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 5): Hệ số 1,0 đối với mỗi một con đang nuôi.
– Đối với đối tượng người cao tuổi quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021:
+ Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;
+ Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 80 tuổi trở lên;
+ Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5;
+ Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 5.
– Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021 (Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật):
+ Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;
+ Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
– Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại các khoản 7 (Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1,3,5 Điều 5 đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn) và khoản 8 (Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng) Điều 5 Nghị định 20/2021.
Tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định: Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này.
Như vậy, mức bảo trợ xã hội hằng tháng đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật hiện nay như sau:
– Người khuyết tật đặc biệt nặng: Mức trợ cấp 720.000 đồng/tháng.
– Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng: Mức trợ cấp 900.000 đồng/tháng.
– Người khuyết tật nặng: Mức trợ cấp 540.000 đồng/tháng.
– Trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng: Mức trợ cấp 720.000 đồng/tháng.