Lỗi đỗ xe nơi có biển cấm đỗ xe có thể bị phạt lên đến 22 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
1. Những biển báo cấm đỗ xe
Biển báo cấm đỗ xe gồm có 02 loại biển: Biển “cấm đỗ xe” và biển biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”
Để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định, đặt Biển số P.131(a,b,c): Biển báo Cấm đỗ xe.
Biển số P.131a có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển.
Biển số P.131b có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển vào những ngày lẻ và biển số P.131c vào những ngày chẵn.
Trong phạm vi có hiệu lực của biển, nếu có chỗ mở dải phân cách cho phép xe quay đầu thì cần đặt thêm biển nhắc lại.

Để báo nơi cấm dừng xe và đỗ xe, đặt Biển báo cấm dừng xe và đỗ xe (Biển số P.130).
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Đối với các loại xe ô tô buýt chạy theo hành trình quy định được hướng dẫn vị trí dừng thích hợp.
Hiệu lực cấm của biển bắt đầu từ vị trí đặt biển đến nơi đường giao nhau hoặc đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe (hoặc đến vị trí đặt biển số P.135 “Hết tất cả các lệnh cấm” nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng). Nếu cần thể hiện đặc biệt thì vị trí bắt đầu cấm phải dùng biển số S.503f và vị trí kết thúc, dùng biển số S.503d “Hướng tác dụng của biển” đặt bên dưới biển chính.
Trong trường hợp chỉ cấm dừng, đỗ xe vào thời gian nhất định thì dùng biển số S.508 (a, b).
Trong phạm vi có hiệu lực của biển, nếu có chỗ mở dải phân cách cho phép xe quay đầu thì cần đặt thêm biển số P.130 nhắc lại.

2. Mức phạt đối với lỗi đỗ xe nơi có biển cấm đỗ xe
Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đối với lỗi đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” sẽ bị xử phạt như sau:
2.1. Đối với xe máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. (điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Trường hợp gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. (điểm a khoản 10, điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
2.2. Đối với xe ô tô
Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe. (điểm e khoản 3, điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Trường hợp gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. (điểm a khoản 10, điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
2.3. Đối với xe máy chuyên dùng
Người điều khiển xe máy chuyên dùng đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. (điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Trường hợp gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng. (điểm a khoản 8 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)

3. Những trường hợp không được đỗ xe
Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
– Bên trái đường một chiều;
– Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất;
– Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép;
– Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe;
– Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;
– Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;
– Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;
– Điểm đón, trả khách;
– Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào;
– Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;
– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
– Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;
– Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.