Người Việt Nam từ xưa đến nay vốn coi trọng việc thờ tự, có thể nói đây là trách nhiệm quan trọng của con cháu nhằm thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục. Thờ cúng không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần. Vì vậy, đối với di sản dùng vào việc thờ cúng các gia đình, dòng tộc có những quy ước rất chặt chẽ và đồng thời Nhà nước cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.
1. Đặt vấn đề
Quy định pháp luật về di sản dùng vào việc thờ được phát sinh từ di chúc của người chết để lại, theo ý nguyện của người lập di chúc. Những phần di sản để dùng vào việc thờ cúng được ghi rõ trong di chúc. Ngoài ra, thì di sản dùng vào việc thờ cúng có thể được hình thành do những người thừa kế tự thỏa thuận khi không có đề cập trong di chúc, hoặc di chúc không có. Vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng không chỉ mới xuất hiện gần đây. Từ ngày xưa, vấn đề này đã được ghi nhận ở Điều 390 Quốc triều hình luật. Đến những năm 90 thì pháp luật quy định cho phép cá nhân có quyền lập di chúc dành một phần tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng. Lúc này vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng lại được cụ thể hóa tại Điều 21 Pháp lệnh thừa kế năm 1990. Tuy nhiên, vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp lệnh thừa kế 1990 vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Nội dung của Điều 21 pháp lệnh thừa kế thể hiện ý chí của người lập di chúc muốn để lại di sản của mình dùng vào việc thờ cúng nhưng vấn đề thực hiện mong muốn đó vẫn không được đảm bảo tuyệt đối. Để khắc phục hạn chế trên Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995, Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật và ban hành pháp luật về vấn đề này còn nhiều bất cập, vướng mắc giữa quy định pháp luật và áp dụng vào thực tiễn.
2. Quy định pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng
Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trên cơ sở quan niệm mang tính chất đạo đức và văn hoá, tôn trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục; con người có nguồn cội, tổ tông vì vậy con, cháu phải biết ơn những thế hệ đã sinh ra mình. Cũng chính vì lẽ đó, đối với những di sản dùng vào việc thờ cúng có những quy ước chặt chẽ của gia đình, dòng tộc, đồng thời Nhà nước cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, cụ thể như sau:
2.1. Quyền quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng
Quyền quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại khoản 1 Điều 475 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Theo đó, người lập di chúc chỉ định một người cụ thể quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện việc thờ cúng. Nhưng nếu như người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng không thực hiện nghĩa vụ theo di chúc hoặc theo thỏa thuận của những người thừa kế khác thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác để quản lý để thờ cúng. Ngoài ra, nếu người để lại di chúc không chỉ định trong di chúc ai là người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện nghĩa vụ thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
2.2. Di sản thờ cúng không thể bị kê biên
Di sản được dùng vào việc thờ cúng là một phần thuộc di sản của người đã mất để lại, do đó theo quy định tại khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015:“Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”, thì lúc này nếu như toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng mặc dù người lập di chúc đã định đoạt một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, một khi được lập trong phạm vi cho phép, các tài sản thuộc di sản dùng vào việc thờ cúng không thể bị kê biên theo yêu cầu của chủ nợ của người chết hay chủ nợ các chi phí mai táng và những chi phí phát sinh gắn với cái chết của người đó. Nguyên tắc này không được áp dụng trước khi thừa kế được mở vì lúc đó di chúc chưa có hiệu lực, cũng không áp dụng cho các tài sản dùng vào việc thờ cúng đồng thời là vật bảo đảm nghĩa vụ dân sự trước ngày mở thừa kế. Di sản dùng vào việc thờ cúng không thể bị kê biên theo yêu cầu của các chủ nợ của người thừa kế hoặc người quản lý tài sản đó vì nó không phải là tài sản thuộc sở hữu của họ.
2.3. Quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng
Theo đó, việc chỉ định người quản lý di sản thờ cúng tại khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng”. Như vậy, có hai trường hợp đặt ra với vấn đề chỉ định thừa kế hoặc do người lập di chúc chỉ định trong di chúc nhưng không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế; hoặc do người lập di chúc không chỉ định người quản lý phần di sản dung vào việc thờ cúng. Người thừa kế, theo luật quy định có quyền chỉ định người quản lý phần di sản đó, tuy nhiên không chỉ rõ các điều kiện thỏa mãn để có thể thực hiện quyền đó.
Người quản lý di sản thờ cúng có hai nghĩa vụ: nghĩa vụ thực hiện việc thờ cúng và nghĩa vụ quản trị tài sản thừa kế. Về nghĩa vụ thực hiện việc thờ cúng người quản lý di sản thờ cúng phải thực hiện các việc lễ giỗ đầy đủ, đúng quy định và thời gian. Trong trường hợp di chúc hoặc thỏa thuận của người thừa kế còn quy định những hình thức thờ cúng nào khác thì phải thực hiện đầy đủ. Người quản lý phải chịu tất cả các chi phí tổ chức lễ giỗ. Về nghĩa vụ quản trị tài sản thừa kế, người quản lý di sản thờ cúng tuy không có quyền sở hữu đối với các di sản dùng cho việc thờ cúng, nhưng họ vẫn có quyền quản trị nó như tài sản của mình: giữ gìn, chăm sóc, sửa chữa,… Người quản lý tham gia vào các thủ tục như hành chính, tư pháp để đảm bảo tính toàn vẹn cho những tài sản có liên quan. Người quản lý phải tự mình quản trị những tài sản đó mà không được đúng đẩy cho người khác. Trong trường hợp bất khả kháng không thể trực tiếp quản lý được những tài sản này thì vợ, con hoặc một người thân sẽ tạm thời thay thế với tư cách là người được ủy quyền.
2.4. Chấm dứt việc dùng một phần di sản vào việc thờ cúng
Các trường hợp chấm dứt việc dùng một phần di sản vào việc thờ cúng theo khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Đây là trường hợp dự liệu duy nhất của pháp luật về việc chấm dứt tính chất của di sản thờ cúng. Lúc này, người đang thừa hưởng di sản thờ cúng một cách hợp pháp được hưởng một quy chế đặc biệt và trở thành chủ sở hữu của di sản thờ cúng, đồng thời di sản thừa cúng đó trở lại thành một di sản bình thường.
3. Một số bất cập
3.1. Một số bất cập của quy định pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng
Thứ nhất, người được giao quản lý di sản thờ cúng nhưng họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ này, hoặc làm biến dạng các di sản dùng vào việc thờ cúng, làm mất tính tôn nghiêm nơi thờ cúng.
Bộ luật Dân sự không quy định một cách rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng. Vì vậy không có căn cứ nào để xác nhận người quản lý có vi phạm nghĩa vụ thờ cúng hay không. Quyền lợi khi họ thực hiện nghĩa vụ thờ cúng chưa xác định. Hiện nay, để xác định một người có thờ cúng hay không chỉ có thể đối chiếu việc người đó đã thực hiện đúng với di chúc hoặc với những thoả thuận của người thừa kế. Đặt trường hợp người lập di chúc không xác định cụ thể về quyền và nghĩa vụ và những người thừa kế cũng không thoả thuận về vấn đề này thì dựa vào tiêu chí nào để xác định họ đã vi phạm nghĩa vụ thờ cúng.
Trong trường hợp có những di sản đã được gia tộc, dòng họ dùng vào việc thờ cúng qua nhiều đời (mặc định truyền lại cho con trai, cháu trai đích tôn) để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng, chăm lo. Dẫn đến việc phần di sản đó không được đưa vào di chúc. Vậy khi xảy ra mâu thuẫn trong họ tộc thì sẽ xử lý như thế nào. Quyền sở hữu đối với di sản thờ cúng tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:“Trường hợp người lập di chúc có thể để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”.
Ví dụ: mảnh đất nhà thờ của dòng họ do gia đình trưởng tộc quản lý, ông nội quản lý sau đó truyền lại cho cha và cha truyền lại cho con trai cả. Tuy nhiên, con trai cả lại không sinh được con trai thì lúc này trong gia tộc, dòng họ xảy ra mẫu thuẫn rằng yêu cầu chuyển quyền quản lý di sản thờ cúng ấy cho cháu trai khác trong họ. Cần có sự đồng thuận của người con trai cả ấy nhưng nếu người đó không đồng ý sẽ giải quyết như nào để thuận cả lý lẫn tình theo pháp luật. Hoặc con cái của người cha thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều muốn thừa kế phần đất ấy lúc này, pháp luật sẽ giải quyết ra sao.
Thứ hai: trường hợp có nhiều người tham gia quản lý, có người trong diện thừa kế, có người không trong diện thừa kế, chia nhau quản lý di sản thừa kế mỗi người một khoảng thời gian. Bộ luật Dân sự 2015 chưa ghi nhận về vấn đề này nên dẫn đến nhiều tranh chấp phát sinh trong thực tế.
Ví dụ: người thừa kế theo di chúc cuối cùng chết, ở thời điểm này ông A đang là người quản lý hợp pháp di sản (ông A là người trong diện thừa kế), sau đó, di sản lại chuyển cho ông B quản lý, Ông B quản lý được một thời gian ngắn sau đó xảy ra tranh chấp, lúc này thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết.Câu hỏi đặt ra lúc này là di sản sẽ thuộc về ai.
Thứ ba, quyền định đoạt di sản thờ cúng. Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định về nghĩa vụ quản lý đối với di sản của người thừa kế mà không đề cập đến các quyền định đoạt khác cho vay, tặng hay thế chấp, chuyển nhượng. Mặc dù biết di sản dùng vào việc thờ cúng là nhằm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hoá cũng như tôn trọng, bảo vệ ý chí của người để lại di sản. Tuy nhiên, việc hạn chế hoàn toàn quyền định đoạt di sản thờ cúng là không phù hợp. Điều này có ý nghĩa là khi một người được thừa kế di sản thờ cúng (ví dụ là đất hương hỏa) và sau khi được đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì người đó sẽ trở thành người có quyền sử dụng đất (có thể chuyển quyền cho người khác). Di sản sẽ được quản lý trong suốt thế hệ người quản lý đó nhưng khi người đó chết và di sản thờ cúng ấy sẽ được định đoạt như thế nào khi người quản lý đó không phải chủ sở hữu của di sản và không được đưa di sản vào di chúc của người quản lý. Và trong những trường hợp mà di sản thờ cúng gây ra thiệt hại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi chỉ có người quản lý di sản mà không có người sở hữu.
Thứ tư, di sản thờ cúng có thời điểm kết thúc hay không. Nếu sử dụng qua nhiều đời sẽ không còn được nguyên trạng nữa thì cơ chế nào cho phép người quản lý di sản thờ cúng tôn tạo, xây dựng mới nhà thờ cũng như tất cả các đồ thờ cúng và vấn đề sở hữu di sản thờ cúng sẽ xử lý ra sao.
Tóm lại, có thể nói rằng những bất cập này một phần do các quy định của pháp luật hiện hành về di sản thờ cúng chưa được đầy đủ, thiếu tính cụ thể và khả năng áp dụng trực tiếp trên thực tế, chưa có hướng dẫn hoặc tổng kết kinh nghiệm từ Tòa án Nhân dân tối cao nên gây khó khăn cho nhân dân trong việc nhận thức pháp luật và cho cơ quan xét xử trong việc đưa ra phán quyết. Thực tế này dẫn đến việc phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến di sản thờ cúng và sự không thống nhất trong quá trình giải quyết của các Tòa án hiện nay.
3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng
Kiến nghị về phương hướng giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình giải quyết di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
Một là, nhà làm luật nên luật hoá cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người chịu trách nhiệm quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật Việt Nam nói chung và Bộ luật Dân sự 2015 nói riêng.
Hai là, bổ sung lại quy định về quản lý di sản thờ cúng trong Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 một cách rõ ràng, chuẩn xác hơn trong trường hợp có nhiều người tham gia quản lý (có người trong diện thừa kế, có người không trong diện thừa kế) chia nhau quản lý di sản thừa kế mỗi người một khoảng thời gian.
Ba là, quyền định đoạt di sản thờ cúng chưa được nhắc đến trong Bộ luật Dân sự 2015. Thiết nghĩ đây cũng là quyền lợi cơ bản của người tham gia quản lý di sản thờ cúng từ đó nhà làm luật nên bổ sung vào luật để đảm bảo quyền lợi của người quản lý di sản.
Bốn là, Nhà nước cần đưa ra quy định cụ thể về thời điểm kết thúc của di sản thời cúng, cũng như cơ chế tôn tạo lại di sản thời cúng sẽ diễn ra như thế nào.
Tuy chưa có thống kê chính xác được đưa ra về số vụ tranh chấp dân sự liên quan đến di sản thờ cúng nhưng ta có thể thấy những vụ việc liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng ngày càng đa dạng, phức tạp, khó giải quyết, đòi hỏi cơ quan tư pháp hết sức linh động, vận dụng khéo léo các quy định của pháp luật. Để áp dụng thống nhất và đúng với tinh thần pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải hướng dẫn cụ thể. Có như vậy ý chí của người chết mới được thực hiện đúng và đảm bảo được quyền lợi của những người thừa kế theo pháp luật Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng nên xem xét đến việc sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan đến di sản dung vào việc thờ cúng, tạo ra khung hành lang pháp lý tốt hơn cho người tham gia cũng như chủ thể thực hiện lĩnh vực này.
4. Kết luận
Vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng là một nội dung khá hấp dẫn được quan tâm từ xưa đến nay, vì nó điều chỉnh vấn đề này dưới khía cạnh luật pháp vừa nhằm đảm bảo nguyện vọng của người đã mất, vừa phải giữ được giá trị của di sản và tạo điều kiện cho người quản lý và sở hữu di sản. Ngoài ra, việc tồn tại pháp luật về di sản dùng vào việc thừa kế mang ý nghĩa thiêng liêng để giữ gìn nét đẹp văn hoá của dân tộc, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Đồng thời di sản cũng được xác định là tài sản nên nó mang nhưng giá trị vật chất nhất định đối với mỗi di sản. Chính vì vậy, bài báo này ngoài chỉ ra những điểm còn thiếu sót, những bất cập thực tế về di sản dùng vào việc thờ cúng thường xảy ra thì còn đề xuất một số định hướng nhằm nhằm để cân bằng giữa giá trị tinh thần và vật chất của con người và nhằm hoàn thiện pháp luật về di sản nói riêng, pháp luật dân sự nói chung.